Bát canh chua sấu, ly nước sấu đá là những món ăn thức uống dân dã giúp giải nhiệt mùa hè ở miền Bắc nước ta. Sấu là loại cây quen thuộc, cây sấu có thể được trồng trong vườn nhà hoặc ở nơi công cộng, chúng ta có thể gặp hình ảnh hàng cây sấu ven đường với tán rộng xanh mát. Không chỉ làm cảnh, tạo bóng râm mà sấu còn có nhiều giá trị trong văn hóa ẩm thực và sức khỏe.
Bát canh chua sấu, ly nước sấu đá là những món ăn thức uống dân dã giúp giải nhiệt mùa hè ở miền Bắc nước ta. Sấu là loại cây quen thuộc, cây sấu có thể được trồng trong vườn nhà hoặc ở nơi công cộng, chúng ta có thể gặp hình ảnh hàng cây sấu ven đường với tán rộng xanh mát. Không chỉ làm cảnh, tạo bóng râm mà sấu còn có nhiều giá trị trong văn hóa ẩm thực và sức khỏe.
1. Những công dụng của cây sấu
Cây sấu (Dracontomelon duperreanum) thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae), sấu còn các tên gọi khác như long cóc, sấu trắng, nhân diện tử (bởi hạt có hình như khuôn mặt người). Cây sấu phân bố chủ yếu khắp Việt Nam và Trung Quốc ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông.
Cây sấu gắn liền với đời sống nhân dân ta, với nhiều lợi ích. Vỏ rễ và lá cây sấu có thể dùng làm thuốc trong y học dân gian, có chức năng bổ tỳ vị, kiện thân, giải độc. Quả sấu có thể ăn được và được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Gỗ sấu đặc, chắc và sáng bóng, có khả năng chống ăn mòn mạnh, thích hợp cho xây dựng và nội thất. Dầu hạt sấu có thể được sử dụng để làm đẹp và bôi trơn.
Quả sấu
Sau khi ra quả khoảng hơn hai tháng thì trái sấu đạt đến độ già nhưng chưa chín. Đây là thời điểm thu hoạch sấu thích hợp. Mùa sấu thường kéo dài khoảng 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm). Quả sấu có thể dùng tươi hoặc dự trữ cho cả năm bằng cách cấp đông, phơi hoặc sấy khô hoặc ngâm muối, đường.
Các nghiên cứu hiện đại cho rằng, quả sấu là loại thực phẩm lành mạnh, giúp giảm béo, tăng sức mạnh cơ bắp. Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã săn đón quả sấu. Tháng 6/2021 Việt Nam lần đầu xuất khẩu 22 tấn sấu đông lạnh sang Astraulia.
Theo y học cổ truyền, quả sấu có vị ngọt (cam), chua (toan), tính mát (lương). Quy các kinh túc thái âm tỳ, túc dương minh vị và túc quyết âm can. Sấu có tác dụng kiện vị, sinh tân, giải rượu và giải độc. Chủ trị các chứng chán ăn, sốt, khát nước, say rượu, đau họng, lở miệng, mụn nhọt, nôn mửa do thai nghén và các bệnh khác. Liều dùng 4 - 6 g cùi quả sấu, sắc nước hay hãm với nước sôi hoặc dầm với muối hay đường rồi dùng.
Quả sấu chín chữa ngứa cổ khó chịu, làm long đờm, thanh giọng; chữa sâu răng, đau răng; có thể ăn trực tiếp với chút muối hoặc sắc nước uống.
Một số món ăn có sử dụng sấu phải kể đến như vịt om sấu, sườn om sấu, cá diếc nấu sấu, canh sấu chua thịt dọc mùng hay đơn giản là nước rau muống luộc thả vài quả sấu. Các món ăn từ sấu được dùng để kích thích tiêu hóa, tăng sự ngon miệng, phù hợp với người đang ốm, suy nhược cơ thể và nôn do thai nghén.
Sấu được ngâm với đường thành siro, dịch siro này được pha loãng, thêm đá và trở thành thức uống giải khát mùa hè. Các món ăn vặt khác từ sấu như sấu lắc muối ớt, ô mai sấu xào mặn ngọt, ô mai sấu gừng… được chế biến từ quả sấu chín.
Lá sấu
Theo nghiên cứu hiện đại, lá sấu có tác dụng kháng khuẩn. Chiết xuất ethyl acetate lá sấu có tác dụng mạnh mẽ chống lại các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Bacillus subtilis.
Chiết xuất lá sấu rụng có tác dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn lam (Microcystis aeruginosa) - loại vi khuẩn gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe con người. Bởi vậy, chiết xuất có thể sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn lam tự nhiên, thân thiện với môi trường trong việc nuôi trồng thủy sản.
Theo y học cổ truyền, lá sấu có vị đắng (khổ), chua (toan), tính mát (lương). Quy kinh túc dương minh vị. Lá sấu có tác dụng làm săn se vết loét, giải độc. Thường được dùng để mụn nhọt, lở loét bằng cách sắc nước lá sấu, rửa ngoài vùng da tổn thương.
Lá non của cây sấu ăn được tuy không phổ biến, không có độc, có thể dùng làm rau để ăn sống, luộc, xào hoặc nấu canh… lá có vị chua nhẹ.
Vỏ cây sấu
Vỏ cây sấu có chứa flavonoid, gần đây được xác nhận là có hoạt tính chống ung thư.
Theo dân gian, vỏ cây sấu được dùng để trị bỏng và tử cung xuất huyết.
Hoa sấu
Hoa sấu nở vào mùa xuân, những bông hoa mảnh khảnh mọc khắp cành, tuy không đẹp nhưng chúng tượng trưng cho niềm hy vọng.
Hoa sấu thường được dùng để chữa ho. Sử dụng khoảng 15 – 20g hoa sấu sắc uống đối với người lớn hoặc 8 – 10g hoa sấu hấp mật ong đối với trẻ em.
2. Những ai không nên sử dụng quả sấu?
Quả sấu tươi khi còn xanh thường có vị chua, nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng không nên ăn nhiều sấu, đặc biệt là khi đói, vị chua trong sấu sẽ làm tăng cảm giác cồn cào.
Trẻ dưới 12 tháng tuổi hệ tiêu hóa còn yếu và nhạy cảm, bởi vậy, không nên sử dụng sấu.
Các món ăn như ô mai sấu hay nước sấu ngâm tuy có hương vị hấp dẫn, thơm ngon nhưng do chứa nhiều đường và muối nên chúng ta không nên ăn quá nhiều. Lượng đường lớn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp.
Sấu là loại cây bản địa có tiềm năng, được dùng từ lâu đời trong văn hóa ẩm thực và có những bài thuốc chữa bệnh dân gian. Tuy nhiên, những nghiên cứu về tác dụng y học của quả sấu cũng như các bộ phận khác của cây sấu còn hạn chế, bởi vậy, loài cây này cần phải được nghiên cứu đánh giá và ứng dụng sâu hơn nữa. Sấu là loại cây phát triển nhanh, sống rất lâu, chống chịu được gió bão. Trồng sấu để thu hoạch lá, quả; cải thiện môi trường, làm cây che bóng mát trên đường phố.
TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam