Cây nhàu còn có tên gọi là nhàu rừng. Theo đông y, rễ nhàu có vị chát, tính bình có tác dụng trừ phong thấp, nhuận tràng, trị đau nhức xương khớp.   

Cây nhàu là loại cây cao 6 - 8m, lá mọc đối, hình bầu dục, đầu nhọn. Quả nhàu hình tròn hoặc hình bầu dục có từng múi nhỏ. Cây mọc nhiều ở vùng ẩm thấp, dọc theo bờ sông, bờ suối. Bộ phận thường dùng để làm thuốc là rễ nhàu hoặc thân cây nhàu  

Theo y học cổ truyền, rễ nhàu có vị chát, tính bình, quy vào kinh thận, đại tràng với tác dụng trừ phong thấp, nhuận tràng, dùng để điều trị đau nhức xương khớp, tăng huyết áp, bồi bổ cho phụ nữ sau khi sinh. Quả nhàu có vị chát quy vào kinh thận, đại tràng có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, điều kinh, hoạt huyết.Quả nhàu được dùng để điều trị táo bón, tiểu tiện không thông, tăng cường hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Cây nhàu có tác dụng chữa nhức đầu

Cây nhàu

Một số bài thuốc từ cây nhàu:

Chữa nhức đầu, đau nửa đầu:

Rễ nhàu 24g, muồng trâu, cối xay, rau má mỗi vị 12g, củ gấu (sao, tẩm đồng tiện) 08g. Tất cả rửa sạch, đổ 700ml nước, đun nhỏ lửa còn 200ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày, uống lúc thuốc còn nóng. Dùng liên tục trong 7 ngày.

Chữa tăng huyết áp, suy nhược thần kinh:

Rễ nhàu 24g, thảo quyết minh 12g, rau má 8g, thổ phục linh 8g, vỏ bưởi 6g, gừng sống 3 lát. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm, đổ 500ml nước, sắc còn 200ml. Chia làm 2 lần uống trong một ngày. Dùng liên tục trong 7 ngày.  

Chữa đau nhức xương khớp do thay đổi thời tiết:

Rễ nhàu 40g, nghệ đen, nghệ vàng, thiên niên kiện, vỏ quýt, chùm gửi cây dâu, quế chi mỗi vị 20g, đỗ trọng 30g, vòi voi 40g, quả ô môi 10g, rượu trắng 2 lít, đường cát trắng 500g. Ngâm tất cả vào 2 lít rượu nếp trong vòng 7 ngày. Lọc kỹ bỏ xác. Pha rượu đã lọc với 1 lít nước đường. Mỗi lần uống một ly nhỏ khoảng 30ml, ngày uống 2 lần, dùng liền 3 - 5 ngày.   

Bác sĩ Hữu Đức