Châm cứu bấm huyệt là phương pháp chữa bệnh có lịch sử từ hàng nghìn năm nay của người Phương Đông.
Châm cứu: Châm và cứu là hai phương pháp chữa bệnh có rất sớm ở phương Đông. Người ta dùng kim thuộc chế thành các loại kim khác nhau, châm ở những bộ phận đặc biệt trên cơ thể con người (huyệt vị); sau khi châm vào da thịt, căn cứ vào bệnh tình và thể chất người bệnh khác nhau mà dùng thủ pháp phù hợp nhằm đạt đến mục đích thông kinh hoạt lạc, khử tà phù chính (khử bệnh tật, nâng cao sức đề kháng của cơ thể) mà chữa bệnh, phương pháp này gọi chung là châm. Còn như dùng lá ngải khô để chế thành ngải nhung, rồi lại dùng ngải nhung chế thành viên to nhỏ như mồi ngải, hoặc cuốn thành điếu ngải, đốt lửa xong trực tiếp hoặc gián tiếp hơ hoặc đặt lên huyệt vị nhất định của cơ thể người bệnh, thông qua sự kích thích ấm nóng này làm cho thông kinh lạc đạt mục đích chữa bệnh và phòng trừ bệnh tật, phương pháp này gọi là ngải cứu. Hai phương pháp trên tuy khác nhau nhưng sử dụng huyệt vị giống nhau, có khi cùng châm và cứu, thông thường gọi là phép châm cứu.
Bấm huyệt: Bấm huyệt là phương pháp “trị bệnh bằng tay”, liệu pháp này sử dụng các huyệt châm cứu để cân bằng và kích thích lưu thông nguyên khí, hoặc khí xuyên suốt cơ thể. Để làm được việc này, nhà trị liệu sẽ dùng tay hoặc chân để ấn lên các huyệt chính trên cơ thể. Bấm huyệt được dùng trong việc kết hợp với chế độ ăn uống, kĩ thuật hít thở và dược thảo nhằm mang lại sự cân bằng cho cơ thể tốt nhất. Liệu pháp này đặc biệt hữu ích trong việc giảm sự căng cơ và các triệu chứng liên quan đến stress.
Phương pháp châm cứu và bấm huyệt đều chữa trị bằng việc kích thích vào các huyệt vị trên cơ thể người bênh, nhưng thay vì dung kim châm như châm cứu, thì bấm huyệt lại sử dụng tay để ấn, xoa bóp. Trong một số trường hợp, người chữa trị sẽ kết hợp cả hai phương pháp này để đạt kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.
Nguồn gốc của phương pháp châm cứu bấm huyệt: Bấm huyệt và châm cứu được xem như là một phần của y học Trung Hoa được xây dựng và phát triển từ kinh nghiệm dân gian, lớn hơn nữa là từ mối liện hệ Âm – Dương. Châm cứu được khởi thủy từ châu Á trên mảnh đất của vùng châu thổ sông Hoàng Hà, cách đây khoảng hơn 25.000 năm. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những kim châm đầu tiên bằng đá (biếm thạch) trong một số di chỉ. Đến thời đại đồ Đồng người ta làm ra các cây kim bằng đồng (đồng châm). Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc (770.221 TCN) con người đã biết dùng sắt để tạo ra các cây kim bằng sắt nhỏ tinh xảo hơn. Và đến ngày nay những chiếc kim châm đã được chế tạo bằng thép không gỉ, giúp ích nhiều hơn trong việc bảo quản cũng như chữa bệnh.
Tóm lại châm cứu bấm huyệt là hai phương pháp có xuất xứ ở phương Đông, tuy sử dụng những công cụ chữa trị khác nhau: châm cứu (dùng kim), bấm huyệt (dùng tay) nhưng cả hai đều cùng chung một mục đích là chữa khỏi bệnh và đem lại cuộc sống khỏe mạnh hơn cho mọi người.