Ong thợ hút mật hoa từ hoa để đem về tổ làm mật, mật ong rừng tự nhiên được ong lấy từ nhiều loại hoa rừng. Ngày nay, người ta phát triển vùng trồng thảo dược và hoa của cây thảo dược đó sẽ thu hút ong và tạo ra những loại mật ong thơm ngon và đặc trưng của từng loại dược liệu.

NHỮNG LOẠI HOA THẢO DƯỢC ĐỂ NUÔI ONG MẬT

Ong thợ hút mật hoa từ hoa để đem về tổ làm mật, mật ong rừng tự nhiên được ong lấy từ nhiều loại hoa rừng. Ngày nay, người ta phát triển vùng trồng thảo dược và hoa của cây thảo dược đó sẽ thu hút ong và tạo ra những loại mật ong thơm ngon và đặc trưng của từng loại dược liệu.

1.    Hoa lưu ly

Cây lưu ly là một trong những loài hoa mà ong yêu thích. Cây lưu ly (Borago officinalis) thuộc họ Mồ hôi (Boraginaceae), thường có hoa màu xanh lam, nhưng cũng có thể có màu hồng hoặc trắng. 

 

Hoa lưu ly có thể ăn được và thường được cho lên trên món salad hoặc món tráng miệng để làm món ăn màu sắc, đặc biệt hoa có vị ngọt như mật ong. Chúng cũng được sử dụng trong y học để hỗ trợ điều trị các bệnh hệ hô hấp và tim mạch và mật ong hoa lưu ly cũng có giá trị cao đối với sức khỏe.

Lưu ly giúp tinh thần thoải mái, giảm sự chán nản và u buồn và hoa lưu ly được dùng trong món salad để phấn chấn và làm cho tinh thần vui vẻ. Truyền thống dân gian xưa cũng nói rằng lưu y đã được sử dụng như một loại thảo dược có giá trị làm “thoải mái trái tim, xua tan phiền muộn và tăng niềm vui cho trí óc”.

Theo người Hy Lạp và La Mã, lưu ly giúp mang lại sự can đảm và thoải mái. Những bông hoa này thường được thêu trên các tấm thảm thời trung cổ và màu sắc trên trang phục của các hiệp sĩ, tượng trưng cho lòng dũng cảm. Người ta cũng nói rằng bản thân những người tham gia Thập tự chinh sẽ uống rượu với lưu ly trước các trận chiến.

Theo y học hiện đại, lưu ly có tác dụng thích nghi, giảm béo, lợi tiểu, long đờm, chống viêm, chống rối loạn tiêu hóa, cải thiện tim mạch, thanh lọc cơ thể. 

Đặc biệt, lưu ly còn có đặc tính chống ung thư. Lưu ly chứa acid gamma linoleic (GLA), có tác dụng chống lại các bệnh ung thư khác nhau. Nó giúp ngăn chặn sự lây lan của các khối u ác tính bằng cách hạn chế sự phát triển của mạch máu.

Lưu ly còn giúp hỗ trợ điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt và các triệu chứng mãn kinh. Gần đây, người ta đã phát hiện ra rằng loài thực vật này có nồng độ GLA mạnh nhất được tìm thấy trong tự nhiên, giúp cải thiện các vấn đề về kinh nguyệt.

Lưu ly rất tốt để làm lành tổn thương da do vết côn trùng cắn, làm giảm sưng và bầm tím, làm sạch mụn nhọt và phát ban.

Ngoài ra, lưu ly còn hàng loạt những công dụng khác như: Hạ sốt, làm ra mồ hôi; điều trị cảm lạnh, ho khan, kích ứng cổ họng và viêm phế quản.

Hoa lưu ly là thức ăn cho các loài thụ phấn, tạo ra nhiều phấn hoa và mật hoa cho các loài ong. Mật ong hoa lưu ly là loại mật ong rất đặc biệt, có hương thơm tinh tế, màu nhạt và vị ngọt nhẹ. 

2.    Hoa oải hương

Nếu chúng ta có một bụi hoa oải hương đang nở hoa, thì sẽ có thể thấy những con ong bận rộn, ong lùng sục những bông hoa oải hương mỏng manh để tạo ra loại mật ong có hương thơm tuyệt hảo.

 

Từ điển Collins chỉ công nhận hoa oải hương là bất kỳ loại cây bụi hoặc cây thân thảo lâu năm nào thuộc chi Lavandula, thuộc họ Bạc Hà (Lamiaceae) với đặc trưng là hoa màu xanh lam đến tím, có mùi thơm nồng nàn.

Mọi người chỉ biết đến hoa oải hương chủ yếu nhờ tinh dầu hoa oải hương với mùi thơm đặc trưng. Hoa oải hương là một loài hoa ăn được, có thể dùng làm trà và cũng thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da và làm đẹp tự nhiên. Mật ong hoa oải hương là loại mật ong tinh tế, cao cấp và sang trọng, được đánh giá cao ở Châu Âu.

Lavandula x intermedia Emeric, ex Loiselieur là một giống lai giữa hai loài augustifolialatifolia, nó được trồng đặc biệt để lấy tinh dầu ở Pháp, Tây Ban Nha. Hoa có màu sắc đẹp, rực rỡ, mùi hương là mùi gỗ, lá thảo mộc và long não (camphor). Nó khá khác với hoa oải hương thật và mặc dù nó có nhiều đặc tính tốt, nhưng không thể thay thế cho hoa oải hương thật. Tuy nhiên, ong lại thích, từ loại hoa này chúng ta có mật ong hoa oải hương nổi tiếng của Pháp.

Lavandula angustifolia Miller được coi là loại oải hương tốt nhất cho các mục đích y học và hương liệu, nó còn được gọi là Oải hương thật, chính thức được gọi là Lavandula officinalis. Nó có hương vị ngọt như cỏ khô và có hàm lượng camphor thấp nhất trong tất cả các loài. Về mặt y học, nó được sử dụng vì các đặc tính chống viêm và thư giãn tinh thần.

Lavandula latifolia Medicus là loại oải hương cổ điển và hương thơm là mùa của camphor, hoa tươi và cỏ. 

Lavandula stechas L. có hoa khác với các loài Lavender khác vì nó có hình thùng. Mật ong làm từ Lavandula Stechas có màu trắng đến hổ phách nhạt, có hương hoa thoang thoảng, ít nồng, đôi khi có mùi long não rất nhẹ. 

Đặc điểm chung của mật ong hoa oải hương là màu vàng nhẹ, óng ánh như bơ tan chảy; có mùi hương gỗ, hoa tươi và cỏ dại; độ ngọt ngào vừa phải. Một số nghiên cứu cho thấy mật ong hoa oải hương có tác dụng kháng nấm, làm lành vết thương, chống co giật và co thắt cơ. 

3.    Hoa bạc hà

Bạc hà có lẽ là một trong những loại thảo dược được biết đến nhiều nhất trên hành tinh, có tới 18 loài và rất nhiều giống lai.

 

Bạc hà Á (Mentha spicata) là loài có lá mất mùi thơm sau khi cây ra hoa, có nhiều công dụng như kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa, thư giãn, làm giảm nồng độ testosterone tự do trong máu. Mật ong hoa bạc hà Á có màu hổ phách nhạt và dễ kết tinh, ngọt nhẹ. Các thầy thuốc khuyến nghị dùng mật ong hoa bạc hà Á cho các vấn đề về tiêu hóa.

Bạc hà Âu là một loại bạc hà lai giữa bạc hà nước và bạc hà Á, với hàm lượng tinh dầu cao. Nó có tác dụng làm mát vì tinh dầu bạc hà kích hoạt các thụ thể nhạy cảm với lạnh ở da và niêm mạc. Tinh dầu bạc hà chủ yếu được sử dụng trong liệu pháp hương thơm để làm dịu hoặc điều trị các tình trạng như: hội chứng ruột kích thích với táo bón, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, khó tiêu, ruột kích thích và đầy hơi, kháng khuẩn, lợi mật, giảm đau hoặc để tăng cường trí nhớ và sự tỉnh táo. Hoa bạc hà Âu tạo ra một lượng lớn mật hoa và ong mật thường tới kiếm ăn, chúng sẽ tạo ra một loại mật ong thơm ngon. Mật ong hoa bạc hà Âu có hương thơm mạnh mẽ nhất trong tất cả các loại bạc hà, có vị ngọt vừa phải với dư vị kéo dài. Nó có màu hổ phách khi ở dạng lỏng và chuyển sang màu caramel đẹp mắt khi kết tinh.

4.    Hoa kinh giới cay

Kinh giới cay (Origanum compactum) -  Oregano là một loại thảo dược làm gia vị được người Hy Lạp và La Mã cổ đại tôn sùng như một biểu tượng của hạnh phúc.

 

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng tinh dầu và chất chiết xuất từ loài này có nhiều hoạt tính sinh học như kháng khuẩn, chống oxy hóa, độc tế bào, kháng u… Theo truyền thống, lá oregano được sử dụng để điều trị các bệnh như kiết lỵ, viêm đại tràng, phế quản phổi, tăng acid dạ dày và các bệnh đường tiêu hóa khác.

Mật ong oregano từ Morocco là loại tốt nhất trong tất cả các loại mật ong oregano và là một trong những loại mật ong được đánh giá cao nhất trên thế giới. Từ những bông hoa oregano, mật hoa được ong thu thập để biến thành một loại mật ong thơm ngon và lành mạnh với màu hổ phách đậm. 

Mật ong oregano được sử dụng làm thuốc tẩy, chữa dạ dày, tiêu thũng, giảm đau, chống nôn, giảm đau khớp, chống đái tháo đường, chống tiêu chảy, chống đau bụng kinh, chống say và làm đẹp.

5.    Hoa hương thảo

Hương thảo (Rosmarinus officinalis) thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae) còn được gọi là mê điệt, có hoa màu trắng, hồng, tím hoặc xanh. Cây ra hoa vào mùa xuân và mùa hè thu hút ong tìm đến hút mật.

 

Cây hương thảo được người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã coi là linh thiêng và được sử dụng trong thời Trung cổ để xua đuổi tà ma và bảo vệ chống lại bệnh dịch. Trong thần thoại, cây hương thảo nổi tiếng trong việc cải thiện trí nhớ (điều này gần đây đã được nghiên cứu và chứng minh là đúng) và đã được sử dụng như một biểu tượng để tưởng nhớ trong các lễ tưởng niệm.

Ngày nay, hương thảo được khuyên dùng để trị chóng mặt, huyết áp thấp, căng thẳng thần kinh, suy nhược cơ thể và suy nhược tình dục. Hương thảo có tác dụng kích thích tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn, giảm ho, thông xoang mũi, cải thiện trí nhớ, bảo vệ gan, giảm đau, tăng miễn dịch…

Mật ong hương thảo đặc trưng từ các vùng Địa Trung Hải. Với một hương vị độc đáo, mật ong hoa hương thảo phân biệt chính nó với các loại mật ong khác. Nhưng sản lượng hiếm khi giống nhau, vì nó phụ thuộc nhiều vào điều kiện từ cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Mật ong hoa hương thảo có màu trắng từ trong đến hơi đục, hương vị thơm ngon, sánh mịn hương thơm nhẹ nhàng.

Mật ong hoa hương thảo có tác dụng bổ dưỡng, được dùng cho người suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh và cảm lạnh. Người La Mã yêu thích mật ong hương thảo và coi đây là loại mật ong tốt nhất trên thế giới và là biểu tượng của tình yêu.

6.    Hoa xô thơm

Xô thơm (Salvia Officinalis L.) cũng là loài cây thuộc họ Bạc Hà (Lamiaceae). Cây xô thơm có hoa màu tím hoặc xanh lam rất đẹp, thu hút tất cả các loại động vật thụ phấn.

 

Mật ong được sản xuất từ mật hoa của một loại cây rất quen thuộc và nổi tiếng, cây xô thơm, là một loại thảo dược được yêu thích và sử dụng nhiều với các lợi ích sức khỏe.

Xô thơm có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, sát trùng, chống co thắt, chống tiêu chảy, làm ra mồ hôi, làm se, giải cảm, long đờm, điều kinh, hạ sốt, bổ thần kinh, thích nghi, lợi tiểu. Điều thực sự thú vị về loài cây này là nó ảnh hưởng đến mọi người theo cách khác nhau, có thể làm ấm hoặc làm mát, tùy thuộc vào mỗi người. 

Nếu cây xô thơm không được thu hoạch để lấy lá, thì ong có thể lấy mật hoa từ hoa, trong mùa nở rộ đầu mùa xuân đến cuối mùa hè. Mật ong hoa xô thơm có hương vị ngọt ngào giống như vị hoa cỏ. Mật có màu vàng đến vàng lục. Mật ong hoa xô thơm dùng để trị cảm lạnh, viêm đường hô hấp, máu lưu thông kém, ăn uống không ngon, khó tiêu, làm lành tổn thương, ổn định đường huyết. 

7.    Hoa hướng dương

Hướng dương (Helianthus annuus) thuộc họ Cúc (Asteraceae), những bông hoa hướng dương màu vàng tươi không chỉ đẹp rực rỡ mà còn là điểm đến của những chú ong. Chúng chứa đầy phấn hoa và ong thích điều đó.

 

Mật ong hoa hướng dương là loại kết tinh nhanh (2 tháng) vì hàm lượng glucose cao. Khi kết tinh, nó tạo thành các tinh thể rất nhỏ với hương vị sảng khoái như kẹo mềm. Mật có màu vàng tươi độc đáo, có mùi hương hoa và trái cây ấm áp và nhẹ nhàng, không quá nồng. Vị ngọt vừa phải và dư vị ngắn.

Mật ong hoa hướng dương có tất cả những phẩm chất mà các loại mật ong đều có như kháng khuẩn, chống oxy hóa, chữa lành tổn thương, bổ sung dinh dưỡng. Ngoài ra, nó còn mang những đặc tính riêng. Mật ong hoa hướng dương được khuyên dùng nó cho các bệnh về dạ dày, ruột; các bệnh về phổi, thận và đặc biệt là đối với các bệnh về tim mạch. Mật ong hoa hương dương rất hữu ích cho người lớn tuổi cần nghỉ ngơi, cần bổ sung năng lượng và trẻ em trong quá trình phát triển (kích thích hệ thống miễn dịch). 

8.    Hoa sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) là loài thực vật đặc hữu của Việt Nam và là loại sâm quý và tốt nhất trong chi Panax.

 

Các nhà khoa học đã phân lập từ Sâm Ngọc Linh được 52 saponin, trong đó có 26 saponin thường thấy ở nhân Sâm Triều Tiên, Sâm Mỹ, Sâm Nhật và 26 saponin mới phát hiện trong Sâm Ngọc Linh, đại diện chính là Majonosid R1, Majonosid R2.

Với thành phần saponin vượt trội, những kết quả nghiên cứu dược lý về sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress, nâng cao hệ miễn dịch, chống oxy hóa, phòng chống bệnh ung thư; giảm cholesterol, triglycerid, LDL-cho và tăng HDL- cho máu; tăng cường chức năng gan, bảo vệ và phục hồi tế bào gan.

Mật ong hoa sâm Ngọc Linh cũng là đặc sản Việt Nam, có giá trị cao bởi sự quý hiếm, hương vị đặc trưng và nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Mật màu đen, đắng nhẹ ở đầu lưỡi, sau đó có vị ngọt thanh, thơm thơm ở họng giống như đang ăn sâm Ngọc Linh vậy.

Còn rất nhiều loại hoa khác mà ong yêu thích tìm đến lấy mật, tạo nên đặc sản của các vùng như: Hoa nhãn, hoa xạ hương, hoa cúc vạn diệp, hoa cà phê, hoa ban… Mỗi loại mật ong có những đặc điểm khác nhau và đặc trưng của loại hoa mà chúng tìm đến và chúng đều có lợi cho sức khỏe. Mùa xuân là mùa muôn hoa đua nở, cũng là mùa ong đi tìm mật, đem lại cho con người món quà sức khỏe từ thiên nhiên.

TS. Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam