Thương hàn là một chứng bệnh do sự cảm nhiễm phải khí hàn (lạnh) mùa đông mà sinh ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều chứng bệnh coi bệnh trạng thì giống với Thương hàn nhưng lại phát ra vào mùa khác, về nguyên nhân bệnh sinh cũng khác hẳn với Thương hàn.
PHÂN BIỆT CHỨNG THƯƠNG HÀN VÀ CÁC CHỨNG KHÁC GIỐNG THƯƠNG HÀN
Thương hàn là một chứng bệnh do sự cảm nhiễm phải khí hàn (lạnh) mùa đông mà sinh ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều chứng bệnh coi bệnh trạng thì giống với Thương hàn nhưng lại phát ra vào mùa khác, về nguyên nhân bệnh sinh cũng khác hẳn với Thương hàn.
Dưới đây là một số biện chứng để phân biệt bệnh:
1. Sáu tiết sương giáng, khí trời lạnh lẽo, người cảm nhiễm mà phát bệnh, đó tức là chính bệnh Thương hàn. Với các triệu chứng như phát sốt sợ lạnh, đầu và gáy đau, ngang lưng và đường xương sống như cứng ra vì đau, mình mẩy đau mỏi, mạch phù khẩn, không có mồ hôi. Nếu trường hợp mạch phù hoãn, có mồ hôi thì lại là Thương phong. Thương phong uống Quế chi thang, Thương hàn uống Ma hoàng thang hoặc dùng bài Gia vị Hương nhu tán để thay thế cho cả 2 bài trên cũng rất là hay.
2. Mùa đông cảm nhiễm khí hàn mà không phát bệnh ngay, tà khí ẩn nấp ở trong cơ phu, đến mùa xuân nhân cảm phải khí ôn mà phát ra bệnh thì gọi là Ôn bệnh. Đến mùa xuân vẫn không phát mà đến mùa Hạ nhân cảm nhiễm phải nhiệt khí sau mới phát thì gọi là Nhiệt bệnh. Các hiện tượng của chứng ấy: nhức đầu, phát sốt cũng giống với chứng Thương hàn, duy có một chứng không sợ lạnh mà miệng khát là khác với chứng Thương hàn thôi, nên uống bài Sài cát giải cơ thang.
3. Vô luận thuộc về mùa nào mà thấy bỗng nhiên phát ra những chứng sợ lạnh, miệng và mũi hơi thở ra đều lạnh, nôn ọe, tiết tả, mặt tái xanh đi, mạch Trì (trước khi chưa từng có chứng nhức đầu, phát sốt) đó là bệnh Trúng hàn, nên uống bài Khương phụ thang.
4. Mùa đông đáng lẽ thì phải rét mà không rét, lại thấy ấm áp, vì thế mà ăn mặc không giữ được ấm dẫn đến cảm phải khí hàn mà phát bệnh, gọi là chứng Đông ôn, chững này tuy ngoài rét mà trong thực nóng nên uống bài Hương tô tán mà gia thêm mấy vị khác cho thanh giải.
5. Trong khoảng thời khắc giao mùa giữa thu và hạ, tiết trời bỗng dưng thay đổi, người cảm phải khí đó mà phát ra bệnh chứng, đó là chứng Thời hành hàn dịch, cũng có khi không gặp phải hàn dịch mà có người chỉ vì hóng gió mát mà đến nỗi bị nhức đầu, phát sốt thì gọi là Cảm mạo. Các hiện tượng của chứng này tương tự với chứng chính Thương hàn, song chỉ nhẹ xoàng thôi. Nên uống bài Hương tô tán.
6. Ngày mùa hạ mà phát bệnh, đầu nhức, mình nóng, mồ hôi nhiều, bứt rứt, khát nước, ấy là chứng Thương thử, nên uống bài Hương nhu ẩm gia giảm.
Thử chứng với nhiệt bệnh hơi giống nhau, chỉ có một điều khác biệt là nhiệt bệnh lúc mới phát không có mồ hồi mà thương thử lúc mới phát đã có mồ hôi ngay. Nhiệt bệnh mạch thịnh mà Thương thử mạch hư. Song cứ một chứng thử lại còn có thương thử, trúng thử, bể thử khác nhau.
7. Mùa hạ mà phát ra bệnh nhức đầu, phát sốt, mình nặng, bụng đầy, hai chân giá lạnh từ đầu gối trở xuống, đó là chứng Thấp ôn. Nguyên nhân bệnh do trước đó đã từng nhiễm phải thấp khí, sau lại bị trúng thử, thử với thấp cũng trộn lẫn với nhau mà sinh ra bệnh gọi là chứng Thấp ôn, phép chữa rất kị phát hãn. Nếu phát hãn sẽ biến thành chứng Trúng yết rất khó chữa. Nên uống bài Xương truật bạch hổ thang.
Chứng Thương hàn có quyết lãnh mà lạnh cả chân, tay, chứng Thấp ôn cũng có quyết lạnh nhưng chỉ lạnh chân mà tay không lạnh. Hai chứng này lấy đó làm phân biệt.
8. Chứng nhức đầu mình nóng giống với Thương hàn mà thân thể nặng nề, cứ lìm lịm đi như muốn ngủ, hơi thở khò khè như ngạt mũi, nói năng khó ra lời, chân tay rã rời không nhấc lên được. Đó là chứng Phong ôn, không nên uống hãn, nên uống bài Đậu xị thang gia giảm.
9. Có chứng cũng phát sốt, sợ lạnh giống như Thương hàn mà mạch tế, mình nặng không tự trở mình được hoặc ở trên đầu dâm dấp rịn mồ hôi, đó là chứng Phong thấp (không nôn ọe, không khát nước) nên uống bài: Phụ tử thang gia Quế chi.
10. Nếu bệnh nhân nôn ọe, tiêu chảy, nhức đầu, bụng đau, sợ lạnh, phát sốt thì bị chứng Hoắc loạn, nên uống bài: Hoắc hương chính khí tán.
11. Bệnh nhân mình nóng, mặt đỏ, mắt cũng đỏ, gáy cứng đầu hay lắc, bỗng nhiên cấm khẩu, lưng cứng đờ ra đó là bệnh Kính (tức co cứng), không có mồ hôi là chứng Cương kính (tức co cứng), có mồ hôi là chứng Nhu kính. Lúc này dùng bài Tục mệnh thang gia giảm đều được cho cả 2. Tuy nhiên cũng cần chú ý là bệnh Kính còn có nội thương, ngoại thương, ba âm, ba dương khác nhau.
12. Bệnh nhân phát sốt như Thương hàn nhưng mình không đau, mạch ở Khí khẩu bên hữu khẩn chỗ trung quản (ngực) đầy tức, khó chịu, lại hay ợ hăng, nuốt chua, ấy là chứng Thương thực, nên uống bài Bảo hòa thang.
13. Bệnh nhân đờm, thở như Thương hàn, nhưng bụng đầy hơi gấp, mạch thấy Huyền hoạt, đó là bệnh đờm. Nên uống bài Nhị trần thang. Nếu đờm mà có ghé cả phong với hàn nên gia thêm vị phát tán.
14. Bệnh nhân sợ lạnh mà phát sốt như Thương hàn, mà bệnh khởi lên tự gót chân, hai ống chân sưng nề đó là bệnh Cước khí. Phàm bệnh Cước khí đều phải do thấp nên uống bài Binh lang tán. Lại có khi ống chân bỗng dưng khô đét đi, tục gọi là Can cước khí, đó là chứng do phong táo. Nên uống bài Tứ vật thang gia Ngưu tất, Mộc qua.
15. Bệnh nhân thấy mạch phù sác phát sốt, sợ lạnh, mình thì đau nhưng cứ đau từng giờ một, ăn uống thì bình thường, đó là do trong mình có chỗ đang mang mủ. Có thể là nội ung hoặc ngoại ung. Nếu ho mà ngực thấy lâm râm, đờm tanh thối là phế ung. Da bụng mà trướng lên, khẽ ấn tay vào thì đau, đi tiểu từng giọt như mắc chứng Lâm lậu, trở mình nghe trong bụng có tiếng óc ách như nước, đó là chứng Trường ung. Chỗ vị quản cứ thấy râm râm đau, không thể ấn tay vào được, thỉnh thoảng thở ra như mủ, đó là chứng vị quản ung.
16. Bệnh nhân phát sốt như Thương hàn, nhưng trước kia mà có vấp ngã, tổn thương hoặc giận giữ kêu gào, thất tình quá độ, hoặc làm lụng quá độ, đến nỗi trong khoảng hông sườn đau tức, không thể ấn tay vào được, đó là chứng Súc huyết. Nên uống bài Trạch lan thang.
Trên đây là các chứng bệnh giống với Thương hàn nhưng kì thực không phải Thương hàn. Do đó, thầy thuốc cần phải phân biệt đúng bệnh ngay từ đầu mà chữa trị cho đúng, tránh tình trạng dùng nhầm thuốc mà dẫn đến chứng nhẹ hóa nặng, chứng nặng hóa nguy.
DS. Lê Hằng