Cơ thể dễ bị giảm sức đề kháng và nhiễm lạnh vào những ngày trời lạnh và mưa rét, do đó thường mắc một số bệnh cảm lạnh, đau bụng,…
Thời tiết khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Mùa thu đông, khí hậu lạnh đặc biệt là về đêm nên người già và trẻ nhỏ do sức đề kháng của cơ thể kém hơn nên rất dễ bị nhiễm lạnh. Nhiều người chủ quan đi ngoài đường lúc đêm tối ngoài trời lạnh, tắm muộn hoặc uống nước đá quá lạnh… cũng dễ bị đau bụng.
Đau bụng do lạnh thường có một số triệu chứng như bụng lạnh đau kèm theo đầy bụng, ăn không tiêu, tiêu chảy, buồn nôn,…nhiều trường hợp người còn thấy buồn nôn và nôn như bị ngộ độc.
Lưu ý, với những người bị các bệnh về đường ruột, tiêu hóa kém hoặc viêm đại tràng… phải luôn luôn giữ ấm vùng bụng. Bình thường khi ngủ nên có chăn mỏng đắp ngang bụng. Tránh ăn thức ăn để trong tủ lạnh chưa được hâm nóng, tránh uống nước lạnh… chú ý mặc ấm khi đi ngoài trời gió lạnh. Bởi nếu bị lạnh bụng sẽ dẫn đến đầy bụng, ăn uống không tiêu, đại tiện lỏng, khiến các bệnh tiêu hóa càng nặng hơn.
Đau bụng do nhiễm lạnh
Đông y có một số bài thuốc đơn giản trị đau bụng do lạnh như sau:
Bài 1: 20g lá lốt tươi rửa sạch đun với 300ml nước. Đun đến khi còn 100ml. Dùng nước này uống khi còn ấm và nên uống trước khi ăn tối. Nên dùng liên tục từ 2 đến 3 ngày.
Bài 2: Chuẩn bị 200g củ riềng, 80g hậu phác, 120g quế, tất cả sấy khô. Mỗi lần sắc 12g với 200ml nước, sắc đến khi còn 50ml, dùng uống luôn trong ngày. Dùng 3 ngày liên tục. Hoặc có thể dùng bài 8g củ giềng, 5g đại táo sắc cùng 300ml nước đến khi còn 100ml, chia ra 2 – 3 phần nước uống trong ngày. Liên tục 3 – 4 ngày cơ thể sẽ khỏe hơn.
Bài 3: 12g mỗi loại gồm củ sả, hoắc hương, tía tô; cùng với 8g gừng khô hoặc lấy 12g gừng tươi. Đem tất cả nấu với 0,5L nước, sắc đến khi còn 300ml thì chia làm 2 lần uống. Nên uống khi còn ấm và uống trước bữa ăn.
Bài 4: Cắt mỏng 50g – 80g gừng tươi, sao chín vàng rồi giã nát. Hòa gừng đã được giã nát này với một cốc nước sôi rồi uống từng ngụm nhỏ. Để dễ uống hơn bạn có thể thêm ít mật ong hoặc ít đường.
Bài 5:
- Thành phần: 250g thịt chó, 100g gạo lứt, cho gia vị vừa đủ.
- Cách làm: Rửa sạch thịt chó, thái nhỏ, gạo lứt vo sạch rồi nấu thành cháo cùng với thịt chó. Khi cháo chín thì thêm gia vị. Ăn ngày 1 lần.
Bài 6:
Thành phần: 250g cá diếc, 100g gạo lứt, 50g đậu đỏ, hành, gừng, rượu, gia vị.
Rửa sạch cá rồi cắt miếng, nấu nhừ lọc nước bỏ xương. Nhớ cho gia vị cho vừa ăn. Sau đó cho đậu đỏ (Lưu ý: đậu đỏ này đã được ngâm qua nước chừng 4 tiếng), cho gạo rồi đun nhỏ lửa đến khi chín gạo thì nêm nếm gia vị là ăn được. Chỉ dùng ăn trong ngày.
Bài 7: Tán nhỏ 2g hạt tiêu và 3g gừng khô. Đem bột này hòa với nước com nóng. Nên uống vào lúc bụng đang đói.
Bài 8: Canh ngải cứu nấu thịt. Dùng 100g thịt lợn thăn băm nhỏ, xào với gia vị rồi cho đun lên với một bát nước. Khi sôi cho 100g rau ngải cứu tươi. Canh này sôi được khoảng 5 phút thì ăn ngay. Có thể dùng canh ăn cùng cơm. Nên ăn canh ngải cứu này liên tục từ 2 – 3 ngày.
Bài 9: Người bị lạnh bụng, đau bụng có thể nhai rồi nuốt nước của 3 lá trầu không. Kết hợp với việc hơ nóng 3 – 4 lá trầu không rồi đắp lên rốn, băng để giữ lại. Làm tiên tục 2 – 3 lần sẽ thấy hết đau bụng.
Ngoài những bài thuốc trên, người bệnh nên chú ý giữ ấm cơ thể nhất là vùng bụng, chân tay, tránh ăn đồ ăn sống, đồ tanh lạnh như ốc, hến, trai, rau sống, hay thức ăn đã để qua đêm…