Mã đề còn có tên gọi khác là xa tiền thảo, xa tiền, mã tiền á, có tên khoa học là Plantago major L., họ Mã đề - Plantaginaceae. Cây có nguồn gốc ở vùng cận nhiệt đới ở Nam Á, phân bố khắp các nơi trên thế giới từ Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi…, được dùng làm thuốc từ lâu đời ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Ở Việt Nam có hai loại, mã đề lá lớn được trồng phổ biến để làm rau và cây mã đề lá nhỏ thường mọc hoang, dùng làm thuốc.
CÂY MÃ ĐỀ VÀ CÁC TÁC DỤNG CHỮA BỆNH
Mã đề còn có tên gọi khác là xa tiền thảo, xa tiền, mã tiền á, có tên khoa học là Plantago major L., họ Mã đề - Plantaginaceae. Cây có nguồn gốc ở vùng cận nhiệt đới ở Nam Á, phân bố khắp các nơi trên thế giới từ Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi…, được dùng làm thuốc từ lâu đời ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Ở Việt Nam có hai loại, mã đề lá lớn được trồng phổ biến để làm rau và cây mã đề lá nhỏ thường mọc hoang, dùng làm thuốc.
Cây mã đề có sức sống rất cao, ưa sáng, ưa ẩm, có khả năng chịu hạn nhẹ, thích nghi cao với vùng có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Ở vùng núi cao lạnh, cây sinh trưởng kém, lá nhỏ. Cây ra hoa quả nhiều, trên một cá thể có thể thu được 10.000-14.000 hạt. Trong tự nhiên, khi cây tàn lụi, hạt giống rơi xuống đất và có thể tồn tại qua mùa đông, sau đó mới nảy mầm.
Các thành phần dược tính trong cây mã đề
Mã đề cho nhiều vị thuốc hay gồm lá, cụm hoa và hạt mã đề. Có thể dùng tươi hoặc khô. Lá thường thu hái vào lúc cây sắp ra hoa hoặc đang có hoa. Hạt thu từ quả già, còn gọi là xa tiền tử.
Các phương pháp phân tích hiện đại chứng minh, lá mã đề có chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học như hợp chất benzoic (axit vanillic), flavonoid (baicalein, baicalin, quercetin, scutelarein, hispidulin, luteolin – 7 – glycosid, luteolin – 7 – glucuronid, homoplantaginin, nopitrin), iridoid glycoside (aucubin), hợp chất phenolic (axit caffeic, axit chlorogenic, axit ferulic, p- axit coumaric) và triterpen (axit oleanolic, axit ursolic), chất nhầy với hàm lượng khoảng 20%.
Lá mã đề còn giàu canxi và các khoáng chất khác, 100g lá tươi có thể chứa một lượng vitamin A tương đương với một củ cà rốt. Ngoài ra còn chứa lipid (0,18%), chất đắng, carotin, vitamin C, vitamin K yếu tố T.
Hạt mã đề khá nhỏ, hình trứng, vị hơi đắng. Hạt có thành cellulose rất dày, nội nhũ chứa nhiều dầu và protein. Bên ngoài hạt có phủ một lớp polysaccharid, khi gặp nước sẽ trương nở và tạo thành lớp nhầy có độ nhớt cao. Lớp polysaccharid này giàu D-galactose, L – arabinose. Ngoài ra hạt còn chứa lipid, axit plantenolic, adnin và cholin.
Tác dụng dược lý cây mã đề
Các thử nghiệm trên động vật và trên người cho thấy nước sắc lá cây mã đề có tác dụng lợi tiểu, làm tăng thể tích cũng như lượng ure, acid uric và các chất điện giải trong nước tiểu. Cao cồn mã đề có tác dụng lợi tiểu mạnh hơn cao nước. Hạt mã đề cũng có tác dụng lợi tiểu, tuy nhiên không mạnh bằng lá.
Nước sắc lá cây mã đề khô giúp trừ đờm, chữa ho, làm tăng tiết niêm dịch phế quản, ức chế trung khu hô hấp, làm thở sâu và chậm. Tác dụng này chủ yếu do hoạt chất plantagin quyết định.
Nước sắc lá còn có tác dụng kháng khuẩn đối với một số chủng vi khuẩn gây bệnh ở da. Bột mã đề có thể chế thành thuốc dầu đắp lên mặt chữa mụn, làm mụn đỡ sưng tấy, mưng mủ. Hoạt chất plantamajosid phân lập từ mã đề có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn E.coli, tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, Micrococcus flavus, Proteus vulgaris. Dạng thuốc mỡ được bào chế từ nước sắc lá mã đề đậm đặc 100% dùng để điều trị bỏng do nước sôi, vôi hoặc lửa cho kết quả tốt, bệnh nhân thấy mát, dễ chịu, không xót, thay băng và gạc dễ. Vết bỏng đỡ nhiễm trùng, ít mủ, lên da non tốt, giảm được lượng kháng sinh sử dụng.
Hoạt chất ucubin là iridoid glycoside chính có trong lá mã đề được chứng minh là có đặc tính chống viêm, khi bôi aucubin tại chỗ có tác dụng ức chế TPA (12-O-tetradecanoylphorbol acetat) gây phù tai chuột với tác dụng tối đa với liều 1 mg/tai. Tác dụng này gần với hiệu quả của indomethacin ở liều 0,5 mg/tai. Aucubin cũng có tác dụng bảo vệ gan chuột chống lại các tổn thương do hoạt chất a-amanitin có trong nấm thuộc chi Amanitin gây ra. Cơ chế được cho là do tác dụng ức chế cạnh tranh của aucubin đối với a-amanitin trong tổng hợp RNA ở gan. Nó cũng có hoạt tính bảo vệ gan chống lại tổn thương do CCl4 gây ra ở chuột và hoạt tính kháng virus chống lại virus viêm gan B. Aglycon của aucubin là aucubigenin, có hoạt tính kháng khuẩn chống lại vi khuẩn và nấm mốc.
Hạt mã đề có tác dụng nhuận tràng do lớp nhầy chứa polysaccharid rất hút nước. Cơ chế được giải thích là do các đại phân tử polysaccharid trương nở tạo lớp gel làm tăng thể tích chất chứa trong ruột, kích thích nhu động ruột và làm dễ dàng vận chuyển xuống ruột. Tác dụng nhuận tràng đã được chứng minh trên lâm sàng. Người ta cũng dùng chất nhầy trong liệu pháp điều trị tiêu chảy do hút nước và thời gian vận chuyển chất chứa trong ruột kéo dài.
Sử dụng mã đề trong y học cổ truyền
Lá mã đề có vị nhạt, tính mát, hạt có vị ngọt, nhớt, tính mát, quy 4 kinh can, phế, thận, tiểu tràng, có tác dụng thanh nhiệt, lợi phế, tiêu thũng, thông tiểu tiện. Lá cây được sử dụng từ những thế kỷ trước như một phương thuốc chữa lành vết thương rất hiệu quả. Tác dụng này được mô tả trong nhiều cuốn sách cũ của người Hy Lạp, người Viking (những nhà thám hiểm, thương nhân, chiến binh, hải tặc đến từ bán đảo Scandinavia - lãnh thổ các nước Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Iceland và Phần Lan của khu vực Bắc Âu ngày nay).
Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng nước ép hoặc nước hãm lá mã đề chữa vết thương, viêm phế quản, viêm màng phổi, chảy máu, phối hợp với các vị thuốc khác trong điều trị bệnh viêm thận mạn tính, liều dùng 5-15g mỗi ngày. Y học cổ truyền Nhật Bản sử dụng nước sắc để trị ho hen, bệnh tiết niệu, tiêu thũng, tiêu viêm. Y học cổ truyền Thái Lan dùng toàn cây hoặc lá chữa sốt, lợi tiểu, nhuận tràng, chống viêm, chữa đầy hơi. Ở Ấn Độ, người ta sử dụng để cầm máu, trị vết thương, bỏng và viêm các mô. Ở Indonesia, cao toàn cây là thuốc lợi tiểu trong sỏi thận, ngoài ra còn dùng trong đái tháo đường và các bệnh ngoài da. Ở Triều Tiên, lá được dùng chữa các bệnh về gan. Ở Haiti, người ta dùng lá chữa choáng thần kinh và đau mắt.
Đối với phụ nữ có thai khi dùng nên thận trọng, người già thận kém, đái đêm nhiều thì không nên dùng.
Một số bài thuốc chữa bệnh chứa mã đề:
- Thuốc lợi tiểu: hạt mã đề 10g, cam thảo 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml rồi chia làm 3 lần, uống trong ngày.
- Chữa trẻ em khó đái: Lá mã đề giã nát vắt lấy nước cốt, hòa với mật ong uống.
- Chữa bỏng: nước sắc mã đề 100%, trộn đều với lanolin 50g, dầu parafin 50g, bôi thuốc mỡ lên vết bỏng và băng lại.
- Chữa sỏi niệu thể nhẹ (đối với sỏi có đường kính 0,5-0,9cm): Hạt mã đề 12-40g, kim tiền thảo 40g, thạch vĩ 20-40g, hoạt thạch 20-40g, hải sa 12-40g, đông quỳ tử 12-20g, ngưu tất 12g, chỉ xác 12g, hậu phác 12g, vương bất lưu hành 12g. Sắc uống.
- Chữa sỏi niệu thể nặng (đối với sỏi có đường kính trên 0,9cm, lâu không di động): Hạt mã đề 12-40g, kim tiền thảo 40g, thạch vĩ 20-40g, hoạt thạch 20-40g, miết giáp 12-40g, tam lăng 20g, ý dĩ 20g, ngưu tất 20g, nga truật 20g, chỉ xác 12g, hậu phác 12g, tạo giác thích 12g, hạ khô thảo12g, xuyên sơn giáp12g, bạch chỉ 12g. Sắc uống.
- Chứa bí tiểu, đái buốt, đái dắt: Bông mã đề 12g, cao ban long 20g, rễ cỏ tranh 12g, nhục quế 4g, sắc uống ngày một thang.
DS. Lê Hằng