Thầu dầu – (Ricinus communis L.) là loài cây thân thảo hoặc bán thân gỗ có nguồn gốc từ châu Phi, hiện được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Đây là loài thực vật đa dụng, nổi bật với hạt chứa dầu ricinoleic có tác dụng nhuận tràng, đồng thời cũng tiềm ẩn độc tính cao do chứa ricin. Trong y học cổ truyền, các bộ phận như hạt, lá và rễ được sử dụng làm thuốc chữa táo bón, mụn nhọt, sưng viêm, tuy nhiên cần thận trọng khi dùng vì độc tính của hạt.

Tổng quan

Tên gọi khác: thầu dầu tía, đu đủ tía.

Tên khoa học: Ricinus communis L.

Họ thực vật: Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Phân bố: 

  • Trên thế giới: Thầu dầu có nguồn gốc từ vùng Đông Bắc châu Phi (đặc biệt là Ethiopia). Hiện được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu. Ấn Độ là quốc gia sản xuất thầu dầu lớn nhất thế giới.
  • Tại Việt Nam: Cây mọc hoang và được trồng rải rác khắp cả nước, phổ biến ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Xuất hiện nhiều ở ven đường, bờ ruộng, nương rẫy, đất hoang. Một số địa phương trồng quy mô nhỏ để lấy hạt ép dầu hoặc dùng làm thuốc.

Đặc điểm thực vật

Cây thảo hoặc bán thân gỗ, sống một năm hoặc lâu năm, cao 2 – 4m. Thân đứng, màu lục hoặc tía, nhẵn, ít phân cành.

Lá mọc cách, cuống dài 10 – 30cm, mang tuyến ở gốc phiến. Phiến lá hình tròn, đường kính 15 – 45cm, chia thùy chân vịt sâu thành 5 – 11 thùy; mép thùy có răng cưa thô; gân lá nổi rõ, toả từ cuống.

Hoa đơn tính, cùng gốc, không cánh; cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc nách lá, hình chùy. Hoa đực ở phần dưới cụm, có nhiều nhị tỏa ra; hoa cái ở phần trên, bầu có gai mềm, 3 vòi nhụy tỏa rộng, màu đỏ hoặc tím.

Quả nang hình cầu hoặc hình trứng, dài khoảng 1,5 – 2,5cm, có gai mềm hoặc ít gai, khi chín nứt thành 3 mảnh. Mỗi quả chứa 3 hạt, hạt hình trứng, dài 1 – 1,5 cm, vỏ hạt cứng, màu nâu xám nhạt hoặc nâu sẫm, có vân loang như ve sầu, có một caruncle (mụn hạt) màu trắng ở đầu hạt.

Mùa hoa, quá: Tháng 5 – 8.

Công dụng

Y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền, cây Thầu dầu được sử dụng với nhiều bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận có công dụng riêng.

  • Hạt Thầu dầu là vị thuốc quan trọng, có vị ngọt, tính bình, được ép lấy dầu để làm thuốc nhuận tràng, tẩy xổ mạnh khi dùng với liều nhỏ; ngoài ra còn dùng ngoài để đắp lên nhọt mụn mủ giúp giảm sưng đau và làm mủ chóng vỡ. 
  • Lá Thầu dầu có vị cay, tính ấm, thường được giã nát để đắp chữa đau đầu, viêm tuyến vú, sưng đau do viêm. 
  • Rễ Thầu dầu ít được dùng hơn, nhưng cũng có tài liệu ghi nhận rằng rễ được sắc uống để hỗ trợ chữa phong thấp và đau khớp. 

Tuy nhiên, do cây chứa chất độc, đặc biệt trong hạt có ricin rất độc, nên khi sử dụng cần có hướng dẫn của thầy thuốc.

Y học hiện đại

Dầu thầu dầu: chứa 45 – 55% dầu béo, chủ yếu là acid ricinoleic (~85%), có tác dụng nhuận tràng mạnh. Dùng trong công nghiệp mỹ phẩm, chất bôi trơn, sản xuất nhựa, thuốc tẩy nhuận tràng (dưới sự kiểm soát y tế).

Ricin: một protein cực độc có trong hạt, không tan trong dầu; gây ngộ độc nặng nếu nhai hạt sống. Độc chất ricin từng được nghiên cứu như vũ khí sinh học do tính độc rất mạnh (1 – 2mg đủ gây chết người nếu tiêm/trực tiếp hít phải).

Lưu ý an toàn

Tuyệt đối không ăn hạt sống vì chứa ricin cực độc.

Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với độc chất trong hạt thầu dầu.

Khi sử dụng ngoài da (lá, dầu), nên thử phản ứng dị ứng trước.

Xem thêm: Danh lục cây thuốc tỉnh Bình Phước (2025)