Hoa ngũ sắc có nhiều tên gọi khác nhau như hoa tứ thời, cây bông ổi, thơm ổi, ổi nho, trâm anh, trâm ổi, bông hôi, cứt lợn, mã anh đơn, nhá khí mu… có danh pháp khoa học là Lantana camara, thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Loài cây có nguồn gốc từ Trung Mỹ, sau đó du nhập vào các khu vực Đông Nam Á từ lâu trong đó có Việt Nam. 

HOA NGŨ SẮC – LOÀI HOA DẠI ẨN CHỨA NHIỀU TÁC DỤNG THÚ VỊ

Hoa ngũ sắc có nhiều tên gọi khác nhau như hoa tứ thời, cây bông ổi, thơm ổi, ổi nho, trâm anh, trâm ổi, bông hôi, cứt lợn, mã anh đơn, nhá khí mu… có danh pháp khoa học là Lantana camara, thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Loài cây có nguồn gốc từ Trung Mỹ, sau đó du nhập vào các khu vực Đông Nam Á từ lâu trong đó có Việt Nam. 

Hoa ngũ sắc (Lantana camara)

 

Ở nước ta, loài cây này được trồng khá rộng rãi để làm cảnh vì cho hoa nhiều màu sắc và lâu tàn. Cây có sức sống mãnh liệt trên nhiều loại đất, thường mọc rải rác trong các quần thể cây bụi ở ven đồi, ven đường đi, ven rừng hoặc bờ nương rẫy. Hiện nay, câu cũng được trồng khá rộng rãi để làm cảnh vì cây có những chùm hoa rất đẹp và bắt mắt. 

Ngoài làm cảnh, hoa ngũ sắc còn được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian ở khắp nơi trên thế giới. 

Thành phần hóa học

Lá cây hoa ngũ sắc chứa 0,2% tinh dầu. Các thành phần được tìm thấy chủ yếu là các dẫn xuất bisabolene, các sesquiterpenes khác có mặt là humulene, caryophyllene, davanone, b-curcumene, E-nuciferal, Z-nuciferol, y-ar-curcumen-15- al, y-curcumene, ar-curcumene, y-epi-b- bisabolol, (-) - y -g-curcumen-15-al. Lá còn chứa các triterpen như acid oleanonic, lantaden A, B, C, D, acid lantanolic, icterogenin, … trong đó hai đồng phân lataden A và B được chứng minh là có độc.  Trên bề mặt của lá tiết ra là hỗn hợp của flavonoid, lantadene A và icterogenin. Hàm lượng các iridoid trong lá thay đổi theo mùa, mùa xuân và hè chiếm 3,6%, giảm đáng kể xuống còn 0,6%, ở cả lá và thân vào mùa thu. Phân đoạn chiết aceton từ lá chứa các flavonoid như 3-methoxy-, 3,7-dimethoxy- và 3,7,49-trimethoxyquercetin, flavone glycoside camaraside, pectolinarigenin 7-O-b-D-glucoside.

Trong rễ của hoa ngũ sắc chứa axit oleanolic là thành phần chính, rễ con và vỏ rễ cung cấp lượng axit oleanolic dồi dào đến 2%. Ngoài ra còn có các triterpenoid khác như acid latanolic, axit ursolic, acid 19- α –hydroxyursolic…. Các iridoid trong rễ chủ yếu là theviridosid, ngoài ra còn có geniposide, tiền chất sinh tổng hợp của theveside, cùng với 8-epiloganin, shanzhside methyl ester 40 và lamiridosid, ajugose, stachyose, verbascotetraose, verbascose, và lantanose và B. Phân đoạn chiết hexan từ rễ còn cho hợp chất quinone diodantunezone. 

Thân cây chứa 9 hợp chất triterpen là hỗn hợp α- amyrin và β-amyrin, acid aleanolic, acid 3 β- acetoxylean-12-en-28-oic, lantaden A, lantaden B, acid betulinic, acid oleanonic, acid pomolic, một số hợp chất b-sitosterol, campesterol, stigmasterol. Hàm lượng iridoid được phát hiện trong thân đến 5,.8% trọng lượng khô ở hoa màu đỏ trong mùa xuân và 4,3 và 4,9% trong cây cho hoa màu hồng thu hái vào mùa hè. Flavonoid chính được phân lập từ thân cây là hispidulin. 

Toàn cây có chứa hederagenin, umuhengenin, acid 25-hydroxy-3-oxoolean. Hoa chứa 0,07% tinh dầu, hạt chứa dầu béo chiếm 9% trong đó có các acid béo như linoleic, oleic, stearic, palmitic.

Tác dụng dược lý

Các triterpen được chứng minh là có tác dụng kháng khuẩn trên các chủng vi khuẩn S. aureus và S. typhi ở mức độ trung bình, các hợp chất lantadene A-C ức chế sự hoạt hóa của virus EBV trong tế bào (virus gây bệnh bạch cầu đơn nhân). Trong đó, hợp chất lantadene B và C còn ức chế sự phát triển của khối u trong nghiên cứu in vivo và ức chế hai giai đoạn sinh ung thư u nhú trên da chuột. Các lantaden thô từ lá cây được chứng minh là gây ra những thay đổi các chỉ số huyết học ở cừu như làm tăng thời gian đông máu và thời gian prothrombin, làm giảm tốc độ máu lắng, tổng protein huyết tương và fibrinogen.

Một số triterpen khác như oleanolic và axit ursolic có hoạt tính ức chế đáng kể enzym HLE, enzyme này tham gia vào quá trình phá hủy elastin và có vai trò trong các rối loạn mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh xơ nang, viêm gan và viêm khớp, thấp khớp.

Iridoid là nhóm hợp chất hiện diện trong nhiều loại thực vật được sử dụng trong dân gian để làm thuốc bổ đắng, an thần, hạ sốt, ho, chữa lành vết thương và thuốc giảm đau. Một số các hợp chất thuộc nhóm này được chứng minh là có tác dụng trên tim mạch, chống độc, lợi mật, hạ đường huyết, chống viêm, chống tiêu chảy, kháng u và hoạt động kháng vi-rút. Trong số các iridoid cho đến nay được phân lập từ cây hoa ngũ sắc, chỉ có geniposide được nghiên cứu một cách chi tiết. Geniposide cho thấy hoạt tính bảo vệ gan, lợi mật trên chuột thí nghiệm. Geniposide bị phân hủy tại ruột bởi enzym β-D-glucosidase giải phóng phần aglycon là genipin. Genipin liều 50-100mg/kg thể hiện tác dụng lợi mật không phụ thuộc vào axit mật. Khi được tiêm vào tĩnh mạch mạc treo ruột ở chuột, genipin làm tăng lưu lượng mật một cách rõ rệt. Geniposide và genipin cho thấy hoạt tính giảm lipid máu ở chuột bị tăng lipid máu. Người ta cũng phát hiện ra rằng geniposide có thể ức chế phosphodiesterase của cAMP.

Sử dụng trong y học cổ truyền

Theo đông y, phần lá cây hoa ngũ sắc có mùi hôi, tính mát, hơi độc. Hoa có vị ngọt nhạt, tính mát. Rễ có vị ngọt dịu, đắng, tính mát. Ở Trung và Nam Mỹ, lá cây được dùng làm thuốc đắp chữa lở loét, thủy đậu, sởi. Người ta cũng chế ra một số chế phẩm từ cây chữa sốt, cảm lạnh, thấp khớp, hen suyễn và huyết áp cao. Ở Ghana, toàn cây được sử dụng cho bệnh viêm phế quản và rễ dạng bột pha với sữa để trị đau bụng ở trẻ em. Ở các nước châu Á, lá được sử dụng để chữa lành vết thương, vết loét, chốc lở và bệnh thấp khớp. Thuốc sắc đã được áp dụng bên ngoài cho bệnh phong và bệnh ghẻ.  

Một số bài thuốc từ cây hoa ngũ sắc:

-    Chữa ho ra máu, phổi kết hạch, lao phổi: Hoa phơi khô 6-10g hoặc để cây tươi 15-20g, nấu nước, hãm nước hoặc chế siro uống. 

-    Chữa đái tháo đường: Toàn cây bỏ rễ 40g, sắc uống thay chè. Ngoài ra ăn thêm củ mài, củ súng hoặc bột thiên hoa phấn ngày 10g.

DS. Lê Hằng