Theo YHCT, thảo quả có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng trục hàn, trừ đờm, ấm bụng, tiêu tích, giúp ăn ngon miệng.
Thảo quả, còn gọi là đò ho, tò ho; tên khoa học là Fructus Amomi aromatici, là quả chín phơi khô của cây Thảo quả, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Cây thảo quả mọc hoang hoặc được trồng ở một số vùng núi như Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Tây Bắc… Loại thảo quả phổ biến trên thị trường hiện nay có 2 loại: màu xanh và màu nâu tối.
Cây thảo quả thuộc loại cây lâu năm, cao từ 2,5-3m. Thân rễ mọc ngang, có đốt, đường kính khoảng 2,5-4cm, giữa có màu trắng nhạt, phía ngoài màu hồng, mùi thơm. Lá mọc so le, bẹ lá có khía dọc, phiến lá dài 60-70cm, rộng tới 20cm. Cụm hoa bông, mọc từ gốc, dài chừng 13-20cm, hoa màu đỏ nhạt, mỗi bông nhiều quả, khi chín quả màu đỏ nâu, dài 2,5-4cm, rộng 1,5-2cm. Vỏ quả ngoài dầy 5mm, quả chia làm 3 ô, mỗi ô có độ 7-8 hạt rất thơm, có áo hạt hình tháp, ép vào nhau
.
Thảo quả mầu nâu
Thành phần hóa học chính của thảo quả là Tinh dầu (1-1,5%), có màu vàng nhạt mùi thơm, ngọt, vị nóng cay, dễ chịu.
Theo y học cổ truyền, Thảo quả vị cay, tính ôn táo, thiên về trừ hàn thấp mà ôn táo trung cung, cho nên là vị thuốc chủ yếu để trừ hàn thấp ở tỳ vị. Thảo quả có tác dụng chữa đau bụng đầy chướng, ngực đau, ỉa chảy, ho có nhiều đờm, đờm đặc gây khó thở. Ngoài ra tinh dầu được dùng làm hương liệu, gia vị.
Còn theo y học hiện đại, Thảo quả có giá trị dinh dưỡng rất cao, với hàm lượng phong phú Carbohydrate, Protein, chất xơ; các vitamin và khoáng chất... có tác dụng tốt cho tim, bổ máu, làm giảm huyết áp, lợi tiểu và phòng chống ung thư...
Thảo quả mầu xanh
Một số đơn thuốc thường dùng
- Trị đau bụng, đầy bụng do hàn thấp tích trệ: Thảo quả (nướng) 6g, hậu phác, hoắc hương đều 10g, thanh bì, bán hạ, thần khúc, mỗi vị 6g; cao lương khương 6g, đinh hương, cam thảo, mỗi vị 4g; sinh khương, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng 3 - 5 ngày.
- Trị tiêu hóa rối loạn do ăn uống, không tiêu, vùng thượng vị đầy đau: Thảo quả (nướng) 6g, thương truật, hậu phác, trần bì, sinh khương, mỗi vị 10g; cam thảo 4g, đại táo 3 quả, sắc uống. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng 3 - 5 ngày.
- Hỗ trợ điều trị tiêu chảy phân sống ở trẻ: Thảo quả 5g, gừng tươi 3g, gạo tẻ 30g, gia vị vừa đủ. Thảo quả, gừng tươi cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước bỏ bã. Gạo xay nhỏ cho vào nồi, cho nước thuốc đun sôi quấy kỹ thành cháo, thêm gia vị trước khi ăn. Ăn ngày 2 lần vào lúc đói. Dùng 2 - 3 ngày.
- Chữa kém ăn, bụng đầy trướng: Thảo quả nướng chín 6g, thương truật 12g, hậu phác 12g, trần bì 12g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng 3 - 5 ngày.
- Hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, kém ăn, chậm tiêu: Gà trống 1 con khoảng 1kg, thảo quả 6g, riềng 6g, trần bì 3g, hồ tiêu 3g. Cách làm: Gà làm sạch, chặt miếng nhỏ; các vị thuốc cho vào túi vải xô. Cho tất cả vào nồi, thêm nước, gia vị, đun nhỏ lửa, hầm nhừ, chia 2 - 3 lần, ăn trong ngày. Tuần ăn 2 - 3 lần.
- Chữa hôi miệng: Thảo quả giã dập, ngậm nuốt dần. Có thể áp dụng thường xuyên có tác dụng giảm hôi miệng rất tốt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nga