Sự xuất hiện của rối loạn giấc ngủ trước các biến cố căng thẳng lớn bao gồm thiên tai (ví dụ như cháy rừng, động đất, lũ lụt) hoặc thời chiến đã được ghi nhận trước đây. Không giống như những sự kiện đó, đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới đã tạo ra những thay đổi chưa từng có trong cuộc sống của chúng ta. Đối với nhiều người, nó đã tạo ra căng thẳng, lo lắng và những vấn đề đáng kể về sức khỏe, sự cô lập xã hội, việc làm, tài chính cũng như thách thức trong công việc và cuộc sống. Một sự kiện căng thẳng lớn trong cuộc sống cũng có khả năng làm suy giảm nhịp điệu sinh học và giấc ngủ.

ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐỐI VỚI CHỨNG MẤT NGỦ VÀ CÁC TRIỆU CHỨNG TÂM LÝ

Sự xuất hiện của rối loạn giấc ngủ trước các biến cố căng thẳng lớn bao gồm thiên tai (ví dụ như cháy rừng, động đất, lũ lụt) hoặc thời chiến đã được ghi nhận trước đây. Không giống như những sự kiện đó, đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới đã tạo ra những thay đổi chưa từng có trong cuộc sống của chúng ta. Đối với nhiều người, nó đã tạo ra căng thẳng, lo lắng và những vấn đề đáng kể về sức khỏe, sự cô lập xã hội, việc làm, tài chính cũng như thách thức trong công việc và cuộc sống. Một sự kiện căng thẳng lớn trong cuộc sống cũng có khả năng làm suy giảm nhịp điệu sinh học và giấc ngủ.

 

 

1.    Tình trạng mất ngủ do đại dịch COVID-19

Một báo cáo (2020) về nghiên cứu kịp thời điều tra tác động sớm của đại dịch COVID-19 đối với giấc ngủ và các triệu chứng tâm lý ở một mẫu lớn người lớn (N = 5641) sống ở Trung Quốc. Cả nhân viên y tế và người lớn nói chung đã hoàn thành một cuộc khảo sát trực tuyến về chứng mất ngủ, lo lắng, trầm cảm và căng thẳng cấp tính trong thời gian cao điểm của COVID-19 lây lan ở Trung Quốc vào đầu đến giữa tháng 2 năm 2020. Các kết quả cho thấy tỷ lệ rất cao về chứng mất ngủ có ý nghĩa lâm sàng (20%), căng thẳng cấp tính (15,8%), lo lắng (18,5%) và trầm cảm (24,5%). Mặc dù phương pháp này có thể gây sai lệch, dữ liệu cho thấy tỷ lệ mất ngủ lâm sàng tăng 37% (từ 14,6% lên 20%) từ trước đến đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Nghiên cứu này rất đáng chú ý vì nó là một trong những nghiên cứu đầu tiên ghi lại chứng mất ngủ và các triệu chứng tâm lý để đối phó với đại dịch và là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng đó theo mức độ đe dọa bị nhiễm COVID-19. 

Một số nghiên cứu được công bố về chủ đề này tập trung chủ yếu vào các nhân viên y tế và phát hiện của họ cho thấy tỷ lệ mất ngủ (34% –36%), lo lắng (45%) và trầm cảm (50%) ở những người này thậm chí còn cao hơn so với tỷ lệ chung dân số, với các triệu chứng trầm trọng hơn trong số các nhân viên tuyến đầu trực tiếp liên quan đến bệnh nhân được chẩn đoán hoặc có nguy cơ nhiễm COVID-19.  

Khi các nỗ lực phòng ngừa và điều trị COVID-19 vẫn tiếp tục thì người dân đã phát triển thói quen, lối sống không lành mạnh, dẫn đến rối loạn giấc ngủ, điều này đáng được quan tâm và giải quyết.

Các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội kéo dài trong COVID-19 có thể làm gia tăng tỷ lệ các vấn đề về giấc ngủ. Thật vậy, đại dịch này và sự gò bó của xã hội đã tạo ra những thay đổi chưa từng có trong thói quen hàng ngày của chúng ta. Ngoài những căng thẳng và lo lắng liên quan đến sức khỏe, việc làm, tài chính và nỗi sợ bị lây nhiễm, những hạn chế xung quanh việc giãn cách xã hội đã làm đảo lộn các thói quen hàng ngày và nhịp sinh học bình thường. Một nghiên cứu được thực hiện ở Ý đã báo cáo rằng những người trẻ tuổi đi ngủ muộn hơn và dậy muộn hơn trong thời gian cao điểm của đại dịch, rất có thể góp phần gây ra một loại chứng mất ngủ kéo dài. 

Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ và ác mộng có thể vẫn tồn tại sau đại dịch và những vấn đề như vậy thường là dấu hiệu báo trước của rối loạn tâm thần, những người bị rối loạn giấc ngủ trong thời gian COVID-19 có thể có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài hơn. Mất ngủ cấp tính thường chuyển thành mất ngủ mãn tính, điều này cũng đòi hỏi cần phải xử lý sớm khi có mất ngủ xảy ra. 

Mặc dù phàn nàn về chứng mất ngủ là phổ biến, nhưng chỉ 4% –22% công chúng đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán mất ngủ. Sự bùng phát COVID-19 đã có tác động đáng kể đến chất lượng giấc ngủ chủ quan của mỗi người, có thể dẫn đến chứng mất ngủ cấp tính ở một số người và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người đã mất ngủ. 
2.    Tình trạng mất ngủ hậu COVID-19

Ngày càng nhiều bệnh nhân đã khỏi COVID-19 than phiền vì mất ngủ. Stress, lo lắng, đau buồn, mất mát do COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày… và đây được cho là những nguyên nhân gây mất ngủ. Thói quen ngủ của chúng ta cũng thay đổi trong thời đại COVID-19, liên quan đến giãn cách xã hội, các vấn đề tâm lý hoặc chính COVID-19 gây ra.

Nhiều bệnh nhân sau khi hết bệnh COVID-19 gặp phải hội chứng sương mù não với một số các triệu chứng khó chịu: Mệt mỏi, kém tập trung, thiếu minh mẫn. Từ đó, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng, học tập và làm việc kém hiệu quả, dễ xúc động, dễ cáu gắt khó chịu, rối loạn giấc ngủ... 

Bởi tình trạng mất ngủ hậu COVID-19 là phổ biến nên cần phải có biện pháp điều trị ngay để không ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Có thể thực hiện liệu pháp nhận thức - hành vi để trị mất ngủ hậu COVID-19. Về bản chất, liệu pháp này giúp bệnh nhân thiết lập lại lối sống lành mạnh, cân bằng lại nhịp sinh học liên quan đến giấc ngủ. Thầy thuốc có thể hướng dẫn bệnh nhân thực hiện những điều sau:

-    Giữ phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối, nhiệt độ thích hợp, nệm, gối thoải mái, sạch sẽ và thoáng đãng;
-    Có thể nghe nghe nhạc nhẹ nhàng trước giờ ngủ;
-    Tránh uống trà mạn, cà phê, rượu bia trong vòng 6-8 giờ trước giờ ngủ;
-    Tránh uống nhiều nước ngay trước khi ngủ để không bị tiểu đêm gây gián đoạn giấc ngủ;
-    Tránh hút thuốc trước giờ ngủ;
-    Tránh ăn quá no, hoặc vận động mạnh trước giờ ngủ;
-    Tránh xem điện thoại, tivi, laptop… trong vòng 1 giờ trước khi ngủ;
-    Thức dậy cùng 1 thời điểm vào buổi sáng, ví dụ như 6h sáng. Thói quen này sẽ giúp ổn định đồng hồ sinh học.
-    Tránh ngủ ban ngày quá nhiều, chỉ nên nghỉ trưa khoảng 30 phút. Không nên ngủ bù cho dù đêm trước mất ngủ, vì ngủ bù nhiều vào ban ngày, chắc hẳn đêm sẽ lại mất ngủ.
-    Nếu không ngủ được khi nằm trên giường quá 20 phút, nên ra khỏi giường. Sau đó làm việc nhẹ nhàng nghe nhạc, thiền, tập hít thở… Tiếp đến, hãy quay lại giường khi thấy buồn ngủ. 

Hãy kiên trì thực hành các phương pháp trên, chúng ta sẽ cải thiện được tình trạng mất ngủ và có được giấc ngủ ngon. Ngoài ra, với bệnh nhân hậu COVID-19, việc duy trì các thói quen này cũng góp phần giúp ổn định tâm lý, giúp người bệnh bớt lo lắng, căng thẳng.

Ở những người mất ngủ trầm trọng, đã có những ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe cần phải điều trị thêm bằng thuốc. Bệnh nhân nên tránh tự sử dụng, lạm dụng các loại thuốc ngủ thuộc nhóm benzodiazepine vì chúng có nhiều tác dụng phụ, dễ gây nghiện khiến việc điều trị rối loạn giấc ngủ khó khăn hơn. Thuốc từ thảo dược và các phương pháp điều trị mất ngủ theo y học cổ truyền sẽ đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn. 

Theo y học cổ truyền, âm dương không cân bằng, ngũ tạng thất hoà, tinh khí hư tổn là nguyên nhân chủ yếu mất ngủ (thất miên). Người mắc COVID-19 mất ngủ là do sức suy, khí huyết hư tổn, dưỡng khí không thông, khí của ngũ tạng đảo lộn, âm huyết suy yếu, tinh thần bất an… 

Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh mất ngủ theo y học cổ truyền, có thể chia thành năm thể bệnh sau:

•    Thể tâm huyết hư

Chứng hậu: Mất ngủ, hồi hộp, trống ngực, ngũ tâm phiền nhiệt, hoa mắt chóng mặt, hay quên, miệng khát, chất lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Bổ tâm dưỡng huyết, an thần.

Phương: 

Thiên vương bổ tâm đan: Nhân sâm 10g, huyền sâm 10g, đan sâm 15g, bạch linh 10g, ngũ vị tử 12g, viễn chí 08g, cát cánh 10g, đương quy15g, thiên môn 15g, mạch môn 15g, bá tử nhân 15g, táo nhân 15g, sinh địa 10g. Các vị thuốc tán bột mịn, làm viên hoàn bằng hạt ngô, lấy thần sa làm áo, uống ngày 2 lần, mỗi lần 12 - 16g, uống lúc đói. Nếu dùng thang sắc thì uống 1 thang/ngày; sau khi sắc được nước thuốc, khi thuốc còn nóng, hòa thần sa 6g vào cho tan rồi uống. Kỵ tỏi, la bặc tử, ngư tinh thảo, rượu cao lương.

Thuốc nam: Tâm sen 10g, lạc tiên 12g, vông nem 12g, hà thủ ô 12g, bá tử nhân 12g, long nhãn 10g. Sắc uống ngày 1 thang. 

•     Thể tâm tỳ lưỡng hư

Chứng hậu: Mất ngủ, ngủ hay mê, hồi hộp, trống ngực, hay quên, chóng mặt, sắc mặt vàng nhợt, mệt mỏi, chán ăn, tứ chi tê nặng, chất lưỡi đạm nhạt, mạch nhược.

Pháp điều trị: dưỡng tâm, kiện tỳ, an thần.

Phương:

Quy tỳ thang: Đảng sâm 15g, phục thần 12g, bạch truật 15g, cam thảo 6g, hoàng kỳ 15g đương quy 15g, táo nhân 12g, viễn chí 6g, mộc hương 10g, long nhãn 12g, đại táo 12g, sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống trước ăn 30 phút. 

Thuốc nam: Rễ vú bò 15g, hoài sơn 12g, bạch truật 12g, lạc tiên 12g, long nhãn 12g, vông nem 12g, kê huyết đằng 12g, hạt sen 8g, lá dâu non 12g, ý dĩ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

•    Thể tâm đởm khí hư

Chứng hậu: Mất ngủ, ngủ hay mê, dễ tỉnh giấc, cảm giác sợ hãi, hay giật mình, hồi hộp, trống ngực, sắc mặt nhợt, chất lưỡt nhạt, mạch huyền tế.

Pháp điều trị: Ích khí trấn kinh, an thần định chí.

Phương:

An thần định chí hoàn gia giảm: Phục linh 15g, viễn chí 12g, nhân sâm 15g, thạch xương bồ 6g, long xỉ 12g, táo nhân sao đen 12g, phục thần 15g, mẫu lệ 12g, dạ giao đằng 12g. Tất cả các vị thuốc sấy khô, tán bột mịn, làm hoàn với mật ong, uống ngày 2 lần, mỗi lần12 - 16g. Có thể dùng thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Thuốc nam: Bình vôi 20g, táo nhân sao đen 12g, thạch quyết minh 12g, thảo quyết minh sao đen 12g, lạc tiên 12g, vông nem 12g, hạt sen 12g, đan sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

•    Thể thận âm hư

Chứng hậu: Mất ngủ, ngủ hay mê, hay quên, hoa mắt chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi, di tinh, mộng tinh, đại tiện phân táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch trầm nhược.

Pháp điều trị: Tư bổ thận âm, giao thông tâm thận.

Phương:

Lục vị địa hoàng hoàn hợp Giao thái hoàn: Thục địa 320g, hoài sơn 160g, sơn thù du160g, trạch tả 120g, bạch linh 120g, đan bì 120g, hoàng liên 120g, nhục quế 40g. Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 8 -12g với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt. 

Thuốc nam: Đỗ đen sao chín 15g, vừng đen sao chín 10g, lạc tiên 12g, dây hà thủ ô 12g, lá vông non 12g, vỏ núc nác sao rượu 8g, lá dâu non 12g, thảo quyết minh sao đen 12g. Sắc uống ngày 1 thang. 

•    Thể vị bất hòa

Chứng hậu: Các triệu chứng thường xảy ra sau ăn no, mất ngủ, ngủ không yên, bụng căng tức, đau, khó chịu, ợ hơi, đại tiện không thông khoái, rêu lưỡi dày, mạch hoạt.

Pháp điều trị: Tiêu đạo, hòa vị, hóa đàm.

Phương:

Bảo hòa hoàn: Thần khúc 80g, trần bì 40g, sơn tra 240g, liên kiều 40g, phục linh 120g, la bặc tử 40g, bán hạ chế 120g. Các vị thuốc tán bột mịn, hòa nước cơm làm hồ, hoàn thành viên bằng hạt ngô, uống ngày 2-3 lần mỗi lần 8 - 12g với nước sôi để nguội hoặc nước sắc mạch nha sao. 

Thuốc nam: Sâm nam 15g, hoài sơn 12g, sơn tra 12g, trần bì 8g, vỏ vối 12g, hạt cải trắng 8g, chỉ xác 8g, thần khúc 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bởi vậy, bệnh nhân cần gặp thầy thuốc để được thăm khám trực tiếp, xem mức độ tổn thương khí huyết, tạng phủ nông sâu tới đâu. Từ đó, thầy thuốc sẽ có pháp điều trị, phương thuốc và phương huyệt châm cứu, cấy chỉ phù hợp. Khám và điều trị bằng y học cổ truyền không chỉ giúp giải quyết tình trạng mất ngủ mà còn giúp phục hồi cơ thể, chống tái phát và xử lý các vấn đề hậu COVID-19 khác.

TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường