Đó là  cảm xúc rất chân thật của những nhà báo trong buổi Lễ phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức cách đây gần 5 tháng (ngày 20/3), tại Hà Nội.

Nhà báo Lê Huy Hà - Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh khẳng định: “Với tôi, những người chọn ngành y đã là sự hy sinh”. Còn Nhà báo Hà Thu - Truyền hình Quốc Phòng Việt Nam chia sẻ: “Nếu không viết về họ, tôi sẽ cảm thấy trong tâm mình có lỗi”. Với Nhà báo Trần Ngọc Kha - Báo Đại Đoàn Kết thì nghẹn ngào:“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người thầy thuốc vẫn còn đang là những “chiến sĩ áo trắng” đóng góp lặng lẽ cho đời. Họ ngày ngày phải đối diện với biết bao vi trùng, biết bao khó nhọc hiểm nguy để cứu chữa biết bao con người. Dù rằng, họ vẫn còn đang chấp nhận những sự thua thiệt về mình để hết lòng cống hiến cho xã hội. Nhưng, như một sự sòng phẳng, tôi và những đồng nghiệp báo chí muốn viết để đền đáp hy sinh cho những người thầy thuốc lặng thầm.”-  Đó là  cảm xúc rất chân thật của những nhà báo trong buổi Lễ phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức cách đây gần 5 tháng (ngày 20/3), tại Hà Nội.

“Sự hy sinh thầm lặng” đã được ghi nhận
Tối ngày 16/8 vừa qua, tại Nhà Hát lớn Hà Nội đã diễn ra buổi Lễ trao giải cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV do Báo Sức khỏe & Đời sống phối hợp với Bộ Y tế và Đài THVN tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật và trao giải cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV nhằm tôn vinh các cán bộ ngành y tế đã có nhiều cống hiến, hy sinh trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Sự hi sinh thầm lặng

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao chứng nhận giải Nhất cho tác giả Hà Văn Đạo (Báo Lao động và Xã hội khu vực miền Trung và Tây nguyên) với tác phẩm ''Người bác sỹ chốn rừng sâu, núi thẳm.'' Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao 2 giải nhì, 5 giải ba và 11 giải khuyến khích cho các tác giả được chọn ra từ trên 1.000 tác phẩm gửi về dự thi lần này. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Y tế trao bằng khen cho các nhân vật trong các bài viết đạt giải để ghi nhận đóng góp của các thầy thuốc cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tác phẩm đoạt giải Nhất “Người bác sĩ nơi rừng sâu, núi thẳm” viết về bác sĩ Võ Thanh Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, người “dám làm ngược lại thần linh”, thuyết phục bà con dân bản tin vào y khoa. Hay tác phẩm “Bác sĩ của dân bản” nói về bác sĩ Và Bá Tủa, Trạm trưởng Trạm y tế xã Nhôn Mai, huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An), người luôn lặn lội tìm đến người bệnh và bằng việc chữa bệnh cứu người trên thực tế của mình chẳng những anh đã thu phục được dân làng, mà còn “chinh phục” được cả bố đẻ vốn làm nghề thầy cúng chữa bệnh bằng cách… đuổi ma. Một “Lương y trẻ hết lòng vì Nam y Việt” – TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ nhiệm Nhà thuốc Gia truyền Thọ Xuân Đường, hơn 20 năm miệt mài, nhiệt huyết với nghiệp tổ “bốc thuốc chữa bệnh cứu người”, luôn nung nấu quyết tâm giữ gìn, phát triển Nam y Việt. Với vai trò Chủ tịch Viện Nghiên cứu PT Y Dược cổ truyền Việt Nam, anh đã tích cực đưa Y học cổ truyền Việt Nam ra thế giới, tạo vị thế mới cho Nam y Việt. Có những điều dưỡng, hộ lý 30 năm vác xác tử thi, suốt bao nhiêu năm chăm sóc những bệnh nhân phong, bệnh nhân ung thư, tâm thần…; Có bác sĩ là “khắc tinh” của những khối u quái trong khi bản thân cũng là một nạn nhân của những khối u, vẫn vật lộn với bệnh tật, giành giật sự sống hằng ngày để tiếp tục chăm sóc bệnh nhân đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời; có những bác sĩ phải ngâm đôi bàn tay trong đá lạnh buốt trong hàng giờ đồng hồ xuyên Việt để đảm bảo an toàn tạng và ghép tạng thành công… 
Cảm xúc của vị Bộ trưởng
 “Đây là lần thứ 2 tôi tham dự lễ trao giải cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” viết về các tấm gương thầy thuốc tiêu biểu. Cũng là lần thứ 2 tôi được đọc những bài báo, được xem những phóng sự về các thầy thuốc- các đồng nghiệp của mình. Cảm giác lần nào cũng cho tôi xúc động, xúc động trước những sự miệt mài, vượt khó để cống hiến tâm-trí-lực của các thầy thuốc ở mọi vùng miền đất nước cho sự nghiệp cao cả: bảo vệ-chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân” - Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, chia sẻ trong bài phát biểu tại buổi lễ.

sự hi sinh thầm lặng

Trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng tâm sự: “Ngành y là một ngành đặc biệt, chịu trách nhiệm về sức khỏe của con người, phải chịu đựng rất nhiều áp lực của nghề nghiệp. Đó là tai biến y khoa, đó là gánh nặng của xã hội. Mọi thời khắc quan trọng của đời người đều gắn liền với ngành y tế. Trong cuộc sống, chúng ta thường chỉ nghĩ cha mẹ là người nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta khôn lớn. Tuy nhiên luôn đồng hành với mỗi con người trong cuộc đời không thể thiếu bàn tay chăm sóc cứu chữa của người thầy thuốc... Ngành y chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của đời người khi cất tiếng khóc chào đời, cũng như chứng kiến sự đau đớn của con người lúc nhắm mắt xuôi tay. Để làm tốt vai trò một người thầy thuốc, các cán bộ, nhân viên y tế phải có sự hy sinh thầm lặng…”
Theo Bộ trưởng: “Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” mà báo Sức khỏe & Đời sống định kỳ tổ chức 2 năm một lần mang ý nghĩa văn hóa quan trọng, vừa soi sáng những điều tốt đẹp bị che khuất của ngành y, vừa góp phần khôi phục những phẩm chất cao đẹp như tình thương, sự hy sinh, lòng vị tha, nhân ái... đang có nguy cơ mai một trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Tiếp bước các cuộc thi trước, cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV này đã cho chúng ta thấy được, đằng sau sự vất vả đó là sự yêu thương hết lòng của nhiều cán bộ y tế, nhiều tấm gương qua các bài thi đã gây xúc động lớn. Bằng những bài viết chân thực, cuộc thi cũng đã động viên khích lệ toàn thể cán bộ nhân viên ngành y tự tin hơn và thanh thản hơn để nỗ lực vượt qua những trở ngại, những dư luận trái chiều đối với công việc ngành y”.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Hằng năm, ngành Y tế khám, chữa bệnh cho trên 150 triệu lượt người; toàn ngành có gần 500.000 cán bộ đang ngày đêm làm việc kể cả ngày lễ và ngày nghỉ, tham gia cấp cứu, xử trí các tình huống khẩn cấp, căng mình trong các đợt dịch bệnh...Thời gian gần đây, nhờ những nỗ lực, ngành y tế đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống bình yên cho nhân dân”.  
Thành công của “Sự hy sinh thầm lặng” đến từ sự trân trọng và tri ân…

“Việc phát hiện những tấm gương và nhân lên các điển hình người thầy thuốc tâm đức của các cây bút chuyên và không chuyên trong việc tìm tòi, phát hiện là rất đáng trân trọng. Để từ đó, hình ảnh của những thầy thuốc áo trắng ngày đêm âm thầm vượt qua khó khăn, gian khổ, chiến đấu với bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân dần trở nên thân thuộc, gần gũi hơn với cộng đồng...” – Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh.
Các tác giả đã biến những câu chuyện cảm động có thật từ các bệnh viện, các trung tâm y tế xã, các trạm xá… thành những chân dung có số phận, có sức lay động hàng triệu trái tim. Thậm chí, có tác giả vượt hàng chục hải lý ra đảo Lý Sơn, có người tìm về trạm y tế ở vùng sâu biên giới Tây Nam, có người phải vượt qua nhiều đèo cao dốc đứng, suối sâu vực thẳm, đến vùng sơn cước Mù Cang Chải… để khắc họa được những nguyên mẫu rất cảm động. 
Bởi vậy, không chỉ thành công về số lượng, về sự đa dạng vùng miền, Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” còn quy tụ rất nhiều bài viết chất lượng cao, có giá trị hiện thực và nghệ thuật. Ban Tổ chức đã chọn ra hơn 30 bài viết xuất sắc để tập hợp in thành cuốn sách cũng mang tên “Sự hy sinh thầm lặng” (Nhà xuất bản Văn học tháng 6/2017).

Sự hi sinh thầm lặng

Năm 2010, Báo Sức khỏe&Đời sống lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng. Đến nay, cuộc thi đã bước sang năm thứ bảy. Qua 4 lần tổ chức, với cùng một chủ đề, nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của đông các tác giả và độc giả. Điều đó chứng tỏ tình cảm của xã hội dành cho ngành y là rất to lớn – Đó chỉ có thể là sự đồng cảm, trân trọng và tri ân trước những người thầy thuốc.

Hàn Thi.