Sáng nay ngày 8/5, Lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam đã vê dâng hương tại lễ hội Đền Bia ở Hải Dương. Dẫn đoàn là TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện; GS.TS. BSCKII Phạm Vinh Quang,Viện trưởng; Ông Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó Ban Tôn giáo Chính phủ, Trưởng ban nghiên cứu Đại Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh - Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam.
Được biết, Lễ hội Đền Bia năm nay được tổ chức trong 2 ngày 8 và 9/5 (tức mùng 1 và 2/4 âm lịch). Đền Bia gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, người mở đầu nền y dược cổ truyền dân tộc với quan điểm “Nam dược trị Nam nhân”.
Biểu diễn văn nghệ trong lễ hội
Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng). Ông mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang đón về nuôi dạy. Năm 22 tuổi, ông thi đỗ Hoàng Giáp nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu, lấy pháp hiệu Tuệ Tĩnh. Đại danh y đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách "Nam dược thần hiệu".
Căn cứ vào các nguồn tài liệu hiện còn, ông đã tham gia xây dựng được 24 ngôi chùa và biến các ngôi chùa thành các cơ sở chữa bệnh, cứu được nhiều người qua cơn bệnh tật. Với sự tận tụy của Tuệ Tĩnh, phong trào trồng thuốc Nam ngày càng có uy tín và được truyền bá rộng rãi, nhiều gia đình tự trồng thuốc và tự chữa lấy bệnh đơn giản.
Ông Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó Ban Tôn giáo Chính phủ, Trưởng ban nghiên cứu Đại Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh - Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam đọc văn tế
Năm 55 tuổi, sự nghiệp làm thuốc của ông đang nở rộ thì ông bị vua Trần xung vào đoàn đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Do có tài năng chữa khỏi bệnh cho Tống Vương Phi (vợ vua Minh), trước tài năng của ông, vua Minh phong ông là Thái y - Thiền sư và giữ lại làm việc ở Viện Thái y. Một thời gian sau, ông mất tại Giang Nam, Trung Quốc.
Đền Bia nằm trong cụm di tích quốc gia đặc biệt cùng với đền Xưa, chùa Giám của huyện Cẩm Giàng. Ngôi đền được trùng tu tôn tạo năm 2005 với 12 hạng mục trên diện tích 12.790m2. Từ năm 2013 đến nay, di tích đền Bia nhiều lần được mở rộng, nâng cấp, tôn tạo.
Lễ hội không chỉ nhằm giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", lòng tự tôn dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc... mà còn đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân và du khách thập phương.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện và GS.TS. BSCKII Phạm Vinh Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam vào dâng hương kính lễ
Lễ hội sẽ có các hoạt động đặc trưng gắn với đền Bia và khác hẳn các lễ hội khác đó là bắt mạch kê đơn, tư vấn sức khỏe, phát thuốc cho du khách... Phần hội còn có hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, viết thư pháp.
Cũng trong khuôn khổ Lễ hội, UBND huyện Cẩm Giàng phối hợp với Sở Công thương khai mạc Tuần lễ xúc tiến thương mại năm 2024; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Hải Dương và của huyện Cẩm Giàng.
Tình Vũ