Đó là những ý kiến trong bài tham luận của Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam - Tiến sĩ, Lương y Phùng Tuấn Giang và cũng là ý kiến được đánh giá cao tại Hội thảo khoa học bàn về“Giá trị cụm Di tích Đại Danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh” vừa diễn ra sáng ngày 15/11 tại UBND huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương
XÂY DỰNG CHUỖI GIÁ TRỊ VĂN HÓA CHỮA BỆNH, DU LỊCH TÂM LINH QUANH “THÁNH ĐỊA” ĐỀN BIA ĐỂ TÔN VINH GIÁ TRỊ CỘI NGUỒN NAM Y VIỆT
Tại đây, Hội thảo đã nêu bật những đóng góp to lớn của Sư tổ Tuệ Tĩnh – Vị thánh thuốc Nam, đồng thời khẳng định giá trị tiêu biểu của cụm di tích gắn với Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh gồm đền Xưa (xã Cẩm Vũ), đền Bia (xã Cẩm Văn) và chùa Giám (xã Cẩm Sơn). 14 bài tham luận được trình bày tại Hội thảo tập trung vào các nội dung: Cụm di tích thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh từ góc nhìn di sản văn hóa; Những giá trị về kiến trúc và di sản văn hóa vật thể tại cụm di tích; Nhận thức về việc kế thừa, phát huy tri thức Y dược của Y tổ; Nhận diện giá trị Di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh; Bảo tồn và phát huy giá trị Đền Bia xây dựng chuỗi giá trị, tạo nên một Quần thể văn hóa chữa bệnh và du lịch tâm linh; Trao đổi về việc làm sao thực hiện được di nguyện của Sư tổ Tuệ Tĩnh “Ai về Nam cho tôi về với”, đưa ngọc cốt của Người từ Phương Bắc (Trung Quốc) đưa Phương Nam (đất Việt). Trong đó, bài tham luận của đại diện Viện Nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam được các đại biểu đánh giá cao vì nó mang ý nghĩa thiết thực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị vùng “thánh địa” Đền Bia. Mục đích không chỉ phục hồi lại Làng văn hóa thuốc Nam ở quê hương Sư tổ, mà còn xây dựng Bảo tàng Nam y Nam dược để lưu giữ lại những giá trị cội nguồn vô giá của nền Nam y Việt. Sống động hơn nữa là ý tưởng hình thành Công viên dược liệu và Khu trung tâm trưng bày, triển lãm và Chợ thuốc Nam ở đó. Đây thật sự sẽ là điểm đến cho bất cứ ai đến Việt Nam hay bất cứ ai theo học ngành y bởi sức hút giá trị mà vùng địa linh nhân kiệt này đem lại. Qua đây, nhân dân cả nước cũng như bạn bè thế giới biết được những giá trị quý báu của nền y học cổ truyền Việt Nam qua hàng ngàn thế kỷ. Vị thánh thuốc Nam không chỉ là Vị Sư tổ nghề thuốc tài năng, đức độ, khiêm nhường mà đây còn là biểu tượng cho một nhân cách sống nhân ái của người Việt. Sự tự tôn dân tộc của Người “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” luôn là “điểm tựa” là niềm tự hào để thế hệ sau noi theo.
Dưới đây là trích dẫn bài tham luận đại diện Viện Nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam:
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐỀN BIA - XÂY DỰNG CHUỖI GIÁ TRỊ, TẠO NÊN MỘT QUẦN THỂ VĂN HÓA CHỮA BỆNH, DU LỊCH TÂM LINH
Chủ tịch Viện NCPT Y Dược cổ truyền VN.
“Chúng ta đang có mặt trên mảnh đất địa linh, nhân kiệt - nơi sinh dưỡng và hội tụ nhiều danh nhân nổi tiếng như Trần Quốc Tuấn, Mạc Ðĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi,… Đặc biệt, tại vùng đất Cẩm Giàng - Hải Dương đã sinh ra một Vị Thánh thuốc Nam - Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Trong lịch sử nền Y học nước nhà, hiếm có bậc Danh y nào xuất thân nơi cửa Phật, cả cuộc đời dành trọn cho Phật, cho chúng sinh. Người đã để lại cho dân tộc Việt và thế hệ muôn đời sau di sản quí báu: Một đường lối tự chủ, tự lực, tự cường - “Nam dược trị Nam nhân”; một mô hình chăm sóc sức khoẻ “gần dân” mà ngày nay gọi là mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu; một Nam Dược thần hiệu, một Hồng Nghĩa giác tư Y thư là những bộ sách giáo khoa kinh điển về Dược học, Y học Việt… Để tưởng nhớ đến Vị Thánh thuốc Nam, nhân dân đã dựng bia, lập đền thờ cụ ngay tại doi đất hình con dao cầu (con dao thái thuốc Nam) trên cánh đồng Văn Thai, tiếp giáp giữa làng Văn Thai và Làng Nghĩa Phú - quê hương của cụ và đặt tên là Đền Bia. Ngày 10/3/1994 Đền Bia được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2003, dự án trùng tu Đền Bia đã được Nhà nước phê duyệt và tu sửa.
Ngày nay, Đền Bia đã trở thành một công trình khang trang bề thế với tổng diện tích gần 4ha gồm Khu thờ tự với 5 công trình tổng số 23 gian và Khu y xá có 3 công trình: Nhà bắt mạch kê đơn, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị, mỗi công trình 5 gian được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn. Ngoài lễ hội lớn vào ngày rằm 15/2 hằng năm, thì từ mùng Một Tết đến hết tháng giêng, ngôi đền linh thiêng này đã đón hàng vạn khách thập phương các nơi đến du xuân, cầu mong sức khỏe bình an cho năm mới. Giá trị di sản của Đền Bia là rất to lớn vì đây chính là “chiếc nôi” của nền Nam y Việt đã xuất hiện và trường tồn qua gần 7 thế kỷ qua. Giá trị của Đền Bia xứng đáng là giá trị mang tầm di tích quốc gia đặc biệt, bởi lẽ, nó không chỉ là ghi dấu về một Danh y đất Việt đầu tiên - Sư tổ Tuệ Tĩnh - Vị Thánh thuốc Nam, mà còn là một minh chứng cho sự hiện diện của Nền văn hóa chữa bệnh bằng thuốc Nam lâu đời của dân tộc Việt. Đền Bia vừa là di tích lịch sử, vừa là niềm tự hào của người dân đất Việt về giá trị tri thức bản địa trong văn hóa chữa bệnh. Vì vậy, việc nâng tầm Đền Bia lên thành di tích quốc gia đặc biệt là hoàn toàn xứng đáng.
Kính thưa các quý vị!
Với giá trị đặc biệt kể trên của Đền Bia, thì mục tiêu tiếp theo là chúng ta cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy những giá trị đó? Làm thế nào để nâng cao hơn nữa giá trị Đền Bia, để nó xứng tầm là nơi lưu giữ giá trị của nền văn hóa chữa bệnh bằng thuốc Nam của 54 dân tộc trên đất Việt? Từ đó tôn vinh nền Y học cổ truyền của nước Nam, cho thế giới biết đến một nền Nam y kỳ diệu, tinh tế và đầy bản sắc dân tộc.
Trước hết, để bảo tồn những giá trị Nam y mà Sư Tổ để lại, chúng ta phải hình thành một Bảo tàng Nam y và cần xây dựng xung quanh Đền Bia là các ngôi làng văn hóa thuốc Nam. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân hiểu cội nguồn giá trị của nền y học dân tộc và cho bạn bè trên thế giới biết đến vì đây là niềm tự hào của dân tộc Việt. Chúng ta cần xây dựng thành chuỗi giá trị gắn kết với các hoạt động như tham quan, du lịch và trải nghiệm chữa bệnh và mua sắm các sản phẩm Nam dược. Tạo cho Đền Bia chuỗi giá trị “vệ tinh” xung quanh để làm nổi bật giá trị cốt lõi của Nền Y học dân tộc: Hình thành Bảo tàng Nam y Việt; Khu Công viên dược liệu; Làng Văn hóa chữa bệnh; Khu triển lãm, trưng bày và mua sắm các sản phẩm của 54 dân tộc Việt Nam,…
Đền Bia có thể trở thành một Quần thể Văn hóa - Du lịch tâm linh chữa bệnh mà ở đó du khách trong nước và quốc tế có thể coi Đền Bia như một điểm đến đầy sức hút bởi giá trị vật thể và phi vật thể. Bất kể ai đặt chân đến Đền Bia, cũng không thể nào quên được mảnh đất linh thiêng mang nặng dấu ấn cảm xúc này. Từ cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Sư tổ Tuệ Tĩnh đã là một bản trường ca về nhân cách sống, tài năng trí tuệ của người Việt, đến Trung tâm triển lãm, trưng bày tất cả các vị thuốc của 54 dân tộc Việt Nam, để du khách có thể ngỡ ngàng với bao sản vật từ cỏ cây, hoa lá bình dị mọc trên đất Việt đều là những vị thuốc nam linh nghiệm xóa tan bệnh tật, mang lại hạnh phúc cho người bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Hẳn bất kể ai đến thăm Đền Bia cũng không thể không ghé thăm Bảo tàng Nam y Việt. Trong Bảo tàng sẽ giới thiệu y học cổ truyền qua các thời đại, trưng bày các hiện vật của y dược cổ truyền VN…Hay tại Công viên Dược liệu, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những khu vườn thuốc Nam phong phú đa dạng về chủng loại từ khắp các vùng miền trong nước và cả trên thế giới. Ngoài việc được khám chữa bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền, mọi người đến đây còn được trải nghiệm nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên…
Những giá trị tuy giản đơn nhưng vô cùng to lớn mà Sư tổ đã để lại cho hậu thế cần nhân rộng qua các hoạt động xung quanh Đền Bia. Trước đây, Người đã gây dựng phong trào “cây thuốc vườn nhà”, biến vườn chùa thành vườn thuốc, biến nhà chùa thành bệnh xá, biến Phật tử thành lương y để trị bệnh cứu người. Người đã đặt nền móng cho việc trị bệnh bằng ăn uống: "Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn" và đưa ra lời khuyên: “Muốn cho phủ tạng được yên, bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau”. Vậy hôm nay, chúng ta cũng nên khai thác những giá trị văn hóa chữa bệnh đặc biệt đó của cổ nhân, thành những giá trị chữa bệnh tốt đẹp lan tỏa trong cộng đồng.
Trước là Bảo tồn di tích, sau là để tuyên truyền giáo dục người dân coi đây như là niềm tự hào của dân tộc Việt. Vấn đề ở đây là sau khi xây dựng thành chuỗi giá trị đó thì công tác truyền thông cho nó cần phải được đẩy mạnh, để không chỉ trong nước mà còn trên thế giới khi nói đến Việt Nam là cũng biết đến Đền Bia - Chiếc nôi của nền y học cổ truyền của dân tộc. Cho bất cứ ai đến Việt Nam hay bất kỳ ai theo học ngành Y cũng sẽ muốn một lần đặt chân đến “Thánh địa” Đền Bia. Cũng như tất cả những người con đất Việt, đều coi đây là vùng đất thiêng - Nơi lưu giữ giá trị văn hóa chữa bệnh truyền thống của dân tộc Việt.
Nếu chúng ta quy hoạch và phát triển khu di tích Đền Bia mang tính hệ thống, gắn kết tất cả các giá trị thành chuỗi với nhau để vận hành một cách đồng bộ, thì chúng ta vừa phát huy được giá trị di sản, vừa tạo được việc làm cho nhân dân và nguồn an sinh xã hội cho địa phương. Muốn làm được những điều này cần có sự chung tay, chung sức của tất cả các cơ quan ban ngành, sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước”
Hiện nay, Huyện Cẩm Giàng – Hải Dương đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận Cụm di tích Đền thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh trở thành di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm nay. Hy vọng tiếp theo đó, khu vực “Thánh địa” này sẽ quy hoạch xây dựng thành Quần thể Văn hóa - Du lịch tâm linh chữa bệnh để nâng cao hơn nữa giá trị văn hóa chữa bệnh của người Việt. Đây sẽ thực sự là điểm đến để nhân dân gần xa trong nước và ngoài nước tụ hội về chiêm bái “chiếc nôi” của Nền Nam y Việt.
GN