Người cao tuổi thường đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh xương khớp và rối loạn chuyển hóa do quá trình lão hóa ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Các bệnh lý như thoái hóa khớp, loãng xương, đái tháo đường, rối loạn lipid máu không chỉ làm suy giảm chất lượng sống mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời.
Lão hóa là tiến trình tất yếu của cuộc sống. Khi tuổi tác ngày một cao, cơ thể con người trải qua nhiều biến đổi phức tạp về cấu trúc và chức năng. Những thay đổi này khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh mạn tính, đặc biệt là hai nhóm bệnh phổ biến: bệnh xương khớp và rối loạn chuyển hóa. Đây là nguyên nhân chính gây đau đớn, giảm chất lượng sống, mất khả năng vận động và gia tăng chi phí chăm sóc y tế ở lứa tuổi này.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nghiên cứu trong nước, trên 80% người cao tuổi mắc ít nhất một bệnh mạn tính; trong đó, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp, loãng xương, đái tháo đường và rối loạn lipid máu chiếm đa số. Cùng với tuổi tác, các yếu tố lối sống, chế độ ăn uống, ít vận động và tình trạng suy giảm miễn dịch càng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Theo y học hiện đại
Suy giảm nội tiết – chuyển hóa
Suy giảm chức năng tụy nội tiết: Ở người cao tuổi, chức năng của tuyến tụy, đặc biệt là tế bào β tại đảo Langerhans dần bị suy giảm theo thời gian. Tế bào này chịu trách nhiệm sản xuất insulin, một loại hormone thiết yếu giúp vận chuyển glucose từ máu vào tế bào để sử dụng làm năng lượng hoặc dự trữ. Khi hoạt động tiết insulin trở nên kém hiệu quả hoặc không đủ về số lượng, glucose không được hấp thu đúng cách, dẫn đến tình trạng tăng đường huyết mạn tính.
Đồng thời, quá trình lão hóa cũng làm giảm độ nhạy của mô ngoại biên (cơ, gan, mô mỡ) với insulin, gọi là kháng insulin, khiến tình trạng rối loạn chuyển hóa đường ngày càng nặng nề hơn. Đây chính là cơ chế nền tảng của bệnh đái tháo đường type 2 thường gặp ở người lớn tuổi.
Rối loạn chuyển hóa lipid: Ở người cao tuổi, quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể bị rối loạn do sự suy giảm chức năng gan, tụy và hệ nội tiết. Gan (cơ quan chính tham gia tổng hợp và chuyển hóa mỡ) hoạt động kém hiệu quả, làm giảm khả năng phân giải acid béo và ester hóa cholesterol. Đồng thời, lão hóa làm thay đổi biểu hiện của các thụ thể LDL trên màng tế bào gan, khiến cholesterol xấu (LDL-cho) không được thu nhận và xử lý hiệu quả, dẫn đến tích tụ trong máu. Cùng với đó, hoạt động của enzym lipoprotein lipase (phân giải triglyceride trong máu) cũng suy giảm, khiến triglyceride máu tăng cao. Hệ quả là hình thành tình trạng rối loạn lipid máu, biểu hiện bằng tăng LDL-cho, triglyceride, giảm HDL-cho (cholesterol tốt), góp phần thúc đẩy xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Suy giảm hormone sinh dục: Quá trình lão hóa tự nhiên ở người cao tuổi kéo theo sự suy giảm rõ rệt nồng độ hormone sinh dục: estrogen ở nữ và testosterone ở nam. Đây là các hormone đóng vai trò quan trọng trong duy trì sự cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương.
Ở phụ nữ mãn kinh, nồng độ estrogen giảm mạnh, làm mất tác dụng ức chế hoạt động của tế bào hủy xương. Hậu quả là quá trình tiêu xương diễn ra nhanh hơn tạo xương, dẫn đến giảm mật độ xương và tăng nguy cơ loãng xương. Ngoài ra, estrogen còn giúp duy trì hấp thu calci tại ruột và giảm bài tiết calci qua thận, nên khi thiếu hụt hormone này, cơ thể càng dễ bị thiếu hụt khoáng chất cấu tạo xương.
Tương tự ở nam giới, testosterone suy giảm chậm rãi theo tuổi, làm giảm khối lượng cơ, ảnh hưởng gián tiếp đến xương do giảm áp lực cơ học cần thiết để kích thích tạo xương. Ngoài ra, một phần testosterone cũng được chuyển hóa thành estradiol (một dạng estrogen) có tác dụng trực tiếp bảo vệ xương, nên khi testosterone giảm, estradiol cũng giảm theo, làm tiến trình mất xương càng nhanh.
Kết quả là xương trở nên xốp, giòn, dễ gãy ngay cả khi chỉ chấn thương nhẹ, đặc biệt là xương hông, cột sống và cổ tay gây tàn phế hoặc tử vong ở người cao tuổi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thoái hóa hệ cơ – xương – khớp
Mất dần khối lượng và sức mạnh cơ: Ở người cao tuổi, mất dần khối lượng và sức mạnh cơ vân là một quá trình tiến triển tự nhiên, bắt đầu từ khoảng sau tuổi 40 và tăng nhanh rõ rệt sau 65 tuổi. Nguyên nhân bao gồm: giảm hormone tăng trưởng, testosterone, tình trạng viêm mạn tính nhẹ, giảm hoạt động thể lực và hấp thu kém protein qua chế độ ăn. Kết quả là các bó cơ teo nhỏ lại, sức cơ giảm, phản xạ chậm hơn, đặc biệt ở các nhóm cơ nâng đỡ như cơ đùi, cơ bụng và lưng.
Cùng lúc đó, mật độ xương cũng giảm do loãng xương tiến triển âm thầm làm cho bộ khung nâng đỡ của cơ thể yếu đi và trở nên dễ tổn thương trước các chấn động nhẹ. Khi khối cơ bị suy yếu, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp động tác trở nên kém hiệu quả, khiến người cao tuổi dễ bị té ngã trong sinh hoạt hằng ngày.
Trong bối cảnh đó, một cú ngã nhẹ cũng có thể dẫn tới gãy xương nghiêm trọng, đặc biệt là gãy cổ xương đùi, gãy lún đốt sống hoặc gãy cổ tay. Đây là những chấn thương nguy hiểm, không chỉ gây tàn phế lâu dài mà còn làm tăng tỷ lệ tử vong.
Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mạn tính, thường gặp nhất ở người cao tuổi, đặc biệt tại các khớp chịu lực như gối, háng, cột sống cổ và thắt lưng. Một trong những thay đổi chính trong quá trình này là sự thoái hóa của sụn khớp. Theo thời gian, tế bào sụn giảm hoạt động tổng hợp collagen và proteoglycan, đây những thành phần chính tạo nên độ đàn hồi và bền chắc của sụn.
Đồng thời, quá trình phân hủy sụn lại gia tăng, dẫn đến sụn bị mỏng, nứt, thậm chí bong tróc, làm lộ đầu xương dưới sụn. Lúc này, mỗi chuyển động đều gây ma sát xương – xương, kích thích phản ứng viêm nhẹ và gây đau.
Ở người cao tuổi cũng bị giảm tiết dịch khớp (chất lỏng có vai trò bôi trơn và nuôi dưỡng sụn). Khi dịch khớp giảm, độ trơn của khớp kém đi, khớp dễ cứng lại sau khi nghỉ lâu (cứng khớp buổi sáng), và vận động trở nên khó khăn.
Hậu quả của quá trình này là:
- Đau âm ỉ hoặc đau tăng khi vận động;
- Cứng khớp, giảm tầm vận động;
- Biến dạng khớp ở giai đoạn muộn;
- Tăng nguy cơ teo cơ, lệch trục chi, khiến người bệnh phụ thuộc vào người khác hoặc các phương tiện trợ giúp.
Suy giảm miễn dịch: Ở người cao tuổi, hệ miễn dịch trải qua một quá trình gọi là lão hóa miễn dịch, trong đó các tế bào miễn dịch trở nên kém linh hoạt, phản ứng chậm hơn với các tác nhân lạ và đồng thời dễ mất khả năng phân biệt giữa “nội” và “ngoại”. Điều này dẫn đến tình trạng rối loạn điều hòa miễn dịch, làm gia tăng nguy cơ bệnh tự miễn (nhóm bệnh mà hệ miễn dịch tấn công chính các mô lành trong cơ thể). Một trong những bệnh tự miễn thường gặp nhất ở người lớn tuổi là viêm khớp dạng thấp, bệnh lý mạn tính với đặc điểm viêm kéo dài tại các khớp nhỏ như bàn tay, cổ tay, gây sưng, đau, cứng khớp buổi sáng kéo dài và nguy cơ biến dạng khớp nếu không điều trị đúng cách.
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn hệ thống có thể gây viêm tại nhiều cơ quan như khớp, da, thận, tim và hệ thần kinh. Ở người cao tuổi, lupus có thể khởi phát âm thầm hơn nhưng dễ tiến triển mạn tính, khó kiểm soát hơn do sức đề kháng và chức năng tạng phủ đã suy yếu.
Sự mất cân bằng giữa tế bào T điều hòa (Treg) và các tế bào miễn dịch hoạt hóa, cùng với việc tăng sản xuất các cytokine tiền viêm như IL-6, TNF-α… chính là nền tảng sinh học gây nên hiện tượng viêm mạn tính và rối loạn tự miễn ở người lớn tuổi.
Theo y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, nguyên nhân của các bệnh xương khớp và rối loạn chuyển hóa ở người cao tuổi là do:
Suy giảm chức năng tạng thận: Thận chủ cốt, tàng tinh, sinh tủy, đồng thời là gốc của sự sống. Khi con người bước vào tuổi lão niên, thận khí dần suy yếu. Thận khí hư đồng nghĩa với việc tinh khí không đầy đủ để sinh tủy, dẫn đến cốt tủy bất túc. Hậu quả là xương trở nên khô, xốp, giòn, mất tính dẻo dai; đau mỏi lưng gối, đặc biệt là khi vận động hoặc thay đổi thời tiết; tình trạng gãy xương tự phát hoặc gãy do chấn thương nhẹ xảy ra phổ biến hơn, nhất là vùng xương hông, cột sống. Ngoài ra, thận chủ tủy thông lên não, nên thận khí suy còn liên quan đến giảm trí nhớ, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, tinh thần giảm sút.
Suy giảm chức năng tạng tỳ: Tỳ chủ hậu thiên, chủ vận hóa thủy cốc, tức là đảm nhiệm việc tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn thành tinh vi, từ đó sinh ra khí – huyết – tân dịch để nuôi dưỡng toàn thân. Khi tỳ khí hư, công năng vận hóa giảm sút, thức ăn và đồ uống không được tiêu hóa, hấp thu tốt thì tinh vi không sinh đầy đủ dẫn đến: Khí huyết bất túc: da dẻ xanh xao, sắc mặt vàng úa, mệt mỏi, kém ăn; cơ nhục không được nuôi dưỡng: biểu hiện rõ là cơ teo mềm, yếu lực, đặc biệt ở các nhóm cơ vận động nhiều như bắp chân, đùi, tay; cơ thể gầy gò, ốm yếu, dễ mỏi mệt khi hoạt động nhẹ, mất sức hồi phục sau vận động. Tỳ chủ “thăng thanh”, nếu hư yếu sẽ gây đầu choáng, chóng mặt, thức ăn dễ “trọc hạ”, sinh đầy bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, Tỳ còn “thống nhiếp huyết”, khi tỳ hư, chức năng thống nhiếp suy giảm dẫn đến dễ xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng. Đối với người cao tuổi, Tỳ hư là căn nguyên phổ biến do tuổi tác làm suy hao khí huyết, ăn uống kém, ít vận động, dẫn đến sự sa sút cả về cơ thể lẫn tinh thần.
Suy giảm chức năng tạng can: Can chủ sơ tiết, tàng huyết, chủ cân, khai khiếu ra mắt và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự thư giãn tinh thần, điều hòa khí cơ cũng như việc nuôi dưỡng hệ thống cân – cơ. Khi tuổi tác tăng cao, cùng với áp lực tâm lý tích tụ, can khí dễ bị uất kết, khí không điều đạt, gây khí trệ huyết ứ, khiến đường vận hành khí huyết trong kinh lạc bị cản trở. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là: Căng tức vùng mạn sườn, ngực nặng, hay thở dài, dễ cáu giận; đau nhức cơ khớp lan tỏa, có xu hướng tăng khi xúc động hoặc thay đổi thời tiết. Đồng thời, quá trình lão hóa làm hao tổn can huyết, mà can lại là nơi tàng huyết, đóng vai trò điều tiết huyết dịch theo nhu cầu hoạt động. Khi can huyết hư, hệ thống cân mạch không được tư nhuận đầy đủ, dẫn đến: cân cơ yếu, co rút, run tay run chân, khó phối hợp động tác; tê bì chân tay, cảm giác kiến bò, nhức mỏi ê ẩm toàn thân, nhất là vào đêm hoặc sau vận động; mắt mờ, hoa mắt, móng tay móng chân nhợt nhạt, không bóng khỏe vì “can vinh nhuận ra móng, khai khiếu ra mắt”. Tình trạng can khí uất kết phối hợp với can huyết hư là nguyên nhân phổ biến gây nên các chứng “can phong nội động”, “chứng tý”, hoặc “hư phong” ở người cao tuổi.
Khí huyết hư suy: Ở người cao tuổi, khí huyết hư suy khiến cho kinh lạc không được nuôi dưỡng đầy đủ, máu huyết ứ trệ sinh ra đau nhức kéo dài. Đồng thời, tỳ vận kém sinh đàm thấp nội sinh, đàm và thấp này tích tụ tại khớp, gây cảm giác nặng nề, tê mỏi, co cứng, đặc biệt rõ khi thay đổi thời tiết. Khi khí huyết không thông, đàm thấp bế tắc lại kết hợp với huyết ứ sẽ hình thành các chứng thấp khớp mạn tính, biểu hiện bằng đau âm ỉ, sưng tái phát, vận động khó khăn và rất khó điều trị dứt điểm nếu không xử lý tận gốc.
Các yếu tố khác: ăn uống thất thường, khí hậu ẩm thấp, lao động quá độ, ít vận động và tuổi cao chính là nguyên nhân hình thành các thể bệnh xương khớp, chuyển hóa mạn tính.
Các bệnh xương khớp và rối loạn chuyển hóa thường gặp ở người cao tuổi
Nhóm bệnh xương khớp
Thoái hóa khớp (gối, cột sống thắt lưng, cổ): Biểu hiện bằng đau tăng khi vận động và thay đổi thời, có thể cứng khớp buổi sáng, biến dạng khớp ở giai đoạn muộn.
Loãng xương: Âm thầm, thường chỉ phát hiện sau biến chứng như gãy xương hông, gãy cột sống, đau lưng mạn tính.
Viêm khớp dạng thấp: Bệnh tự miễn, biểu hiện sưng đau các khớp nhỏ đối xứng, cứng khớp buổi sáng, có thể gây biến dạng khớp nếu không điều trị đúng cách.
Nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa
Đái tháo đường type 2: Khởi phát âm thầm, phát hiện muộn, dễ biến chứng cấp tính và biến chứng mãn tính như thần kinh ngoại biên, bệnh lý võng mạc, tổn thương mạch vành.
Rối loạn lipid máu: Gồm tăng cholesterol, LDL-cho, triglyceride là nguyên nhân chính gây xơ vữa mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Tăng acid uric máu (gout): Gây viêm khớp cấp tính, đặc biệt khớp ngón chân cái, tái phát nhiều lần và dẫn đến gout mạn nếu không kiểm soát tốt.
Hệ quả nghiêm trọng đối với người cao tuổi
Suy giảm vận động, mất tự chủ trong sinh hoạt
Ở người cao tuổi, khả năng vận động giảm sút do yếu cơ, thoái hóa khớp và mất thăng bằng khiến họ gặp khó khăn khi đi lại, đứng lên hoặc thực hiện các công việc cá nhân. Tình trạng này dẫn đến sự phụ thuộc vào người chăm sóc và tăng nguy cơ té ngã trong sinh hoạt hằng ngày.
Đau mạn tính ảnh hưởng đến tinh thần và trí nhớ
Những cơn đau khớp kéo dài không chỉ làm giảm chất lượng sống mà còn gây trầm cảm, mất ngủ, dễ dẫn đến suy giảm trí nhớ và rối loạn nhận thức. Tình trạng này thường tạo nên một vòng xoắn bệnh lý giữa đau thể chất và sa sút tinh thần ở người già.
Tăng gánh nặng y tế và phụ thuộc thuốc men
Việc điều trị các bệnh lý xương khớp và rối loạn chuyển hóa thường kéo dài, phải dùng nhiều loại thuốc, gây ra tác dụng phụ và chi phí điều trị cao. Điều này đặt ra gánh nặng tài chính và y tế lớn đối với gia đình và xã hội, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số.
Nguy cơ tàn phế và tử vong
Gãy xương do té ngã, loét do nằm lâu, biến chứng tim mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu hay nhiễm trùng đều là những hậu quả nặng nề có thể dẫn tới tàn phế vĩnh viễn hoặc tử vong sớm nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Giải pháp chăm sóc và phòng ngừa
Theo TS. Lương y Phùng Tuấn Giang – Trưởng ban chuyên môn Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam, Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường: “Việc phòng ngừa và điều trị bệnh xương khớp, rối loạn chuyển hóa ở người cao tuổi cần được tiếp cận một cách toàn diện, cá thể hóa, kết hợp hài hòa giữa y học hiện đại và Nam y truyền thống”.
Cụ thể như sau:
Theo y học hiện đại
Khám sức khỏe định kỳ: Người cao tuổi nên được kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các rối loạn chuyển hóa và bệnh lý xương khớp. Các xét nghiệm cần thiết bao gồm: đo mật độ xương, xét nghiệm đường huyết lúc đói, kiểm tra lipid máu, chức năng gan thận nhằm đánh giá nguy cơ loãng xương, tiểu đường và rối loạn mỡ máu.
Dinh dưỡng cân bằng, phù hợp tuổi già: Chế độ ăn đóng vai trò then chốt trong phòng và điều trị các bệnh mạn tính ở người lớn tuổi:
- Tăng cường thực phẩm giàu calci và chất bổ sung calci để ngăn ngừa loãng xương.
- Hạn chế đường, tinh bột tinh luyện và chất béo bão hòa để kiểm soát đường huyết và mỡ máu, phòng ngừa béo phì và tiểu đường.
- Ưu tiên rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, đậu đỗ, dầu thực vật (dầu ô liu, dầu mè) để bổ sung chất xơ, vitamin và acid béo không no có lợi cho tim mạch và chuyển hóa.
Tăng cường vận động thể chất: Duy trì vận động nhẹ nhàng và đều đặn mỗi ngày giúp nâng cao sức khỏe tim mạch, xương khớp và tinh thần. Tối thiểu 30 phút mỗi ngày với các môn phù hợp như đi bộ, đạp xe chậm, tập yoga, khí công dưỡng sinh hoặc thái cực quyền. Những hoạt động này không chỉ giúp tăng cường mật độ xương, cải thiện tuần hoàn, mà còn hỗ trợ ổn định đường huyết và giữ cho tinh thần minh mẫn, vui vẻ.
Theo y học cổ truyền
Y học cổ truyền Việt Nam (Nam y) chú trọng toàn diện, điều chỉnh từ bên trong khí huyết, tạng phủ và lối sống.
Dưỡng sinh và chế độ sống điều độ: Sống điều độ, thuận theo tự nhiên, lấy sự điều hòa về thân – tâm – trí làm gốc. Người cao tuổi nên ngủ sớm, dậy sớm, ăn uống đúng giờ, hạn chế thức khuya và tránh lao lực. Đồng thời, việc giữ tâm lý thư thái, tránh lo âu, sân giận cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì khí huyết ổn định và phòng ngừa bệnh tật.
Tập luyện khí công, thiền, hít thở sâu: là những phương pháp giúp người cao tuổi điều hòa khí huyết, ổn định tinh thần và tăng cường sức đề kháng. Việc duy trì luyện tập hằng ngày không chỉ giúp cải thiện chức năng hô hấp và tim mạch, mà còn làm chậm quá trình lão hóa, giảm lo âu, mất ngủ. Đây là những liệu pháp tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả bền vững cho sức khỏe thể chất và tinh thần ở người cao tuổi.
Ẩm thực liệu pháp – dược thiện: là phương pháp chữa bệnh và bồi bổ cơ thể thông qua chế độ ăn uống kết hợp với dược liệu tự nhiên, được Nam y đặc biệt chú trọng. Nguyên lý của liệu pháp này là “lấy thực phẩm làm thuốc”, dùng món ăn phù hợp để điều chỉnh âm dương – khí huyết – tạng phủ, từ đó phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh. Với người cao tuổi, ẩm thực liệu pháp đóng vai trò quan trọng trong việc bồi bổ tỳ vị, kiện thận, dưỡng can huyết, mạnh xương khớp, đồng thời hỗ trợ ổn định đường huyết, mỡ máu và chức năng tiêu hóa. Một số nguyên liệu thường dùng trong món ăn dược thiện gồm:
- Mướp đắng, dây thìa canh, lá xoài non: hỗ trợ hạ đường huyết.
- Nghệ vàng, đậu phụ, rong biển: giảm viêm, bổ ngũ tạng, tốt cho xương.
- Ngải cứu, quế chi, độc hoạt: giảm đau khớp, trừ hàn thấp.
Châm cứu – Cấy chỉ – Xoa bóp: Là những phương pháp trị liệu không dùng thuốc, giúp thông kinh hoạt lạc, điều hòa khí huyết và giảm đau mạn tính. Những liệu pháp này đặc biệt phù hợp với người cao tuổi, giúp cải thiện vận động và nâng cao chất lượng sống.
Phác đồ điều trị trong Nam y luôn được xây dựng theo nguyên tắc cá nhân hóa, tùy theo thể bệnh, mức độ nặng nhẹ, tình trạng khí huyết – âm dương và thể trạng tổng thể của từng bệnh nhân.
Thuốc từ dược liệu cổ truyền: Các bài thuốc sử dụng thường là sự kết hợp hài hòa giữa cổ phương kinh điển, phương thuốc gia truyền và các dạng thuốc hiện đại có nguồn gốc từ thảo dược chuẩn hóa giúp tiện dùng, dễ hấp thu, phù hợp với người cao tuổi trong chăm sóc sức khỏe hằng ngày.
TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang nhận định: “Người cao tuổi cần được chăm sóc theo hướng chủ động và cá thể hóa. Việc kết hợp giữa y học hiện đại trong chẩn đoán, kiểm soát chỉ số sinh hóa và Nam y trong việc điều hòa tạng phủ – khí huyết – lối sống là con đường tối ưu để nâng cao chất lượng sống, kéo dài tuổi thọ, phòng tránh tàn phế và tử vong sớm.”
BS. Nguyễn Thùy Ngân