Cây mã đề thường mọc hoang dại ở ven đường, đồng cỏ hay bờ ao, đây là loại cây quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết đến công dụng của nó. Thậm chí mã đề còn bị loại bỏ như một loại cỏ dại. Mã đề có một lịch sử lâu dài về việc được sử dụng để chữa bệnh trong y học cổ truyền. Các công dụng làm thuốc và làm thực phẩm của mã đề là những thông tin cần biết về loài cây hữu ích nhưng thường bị đánh giá thấp này.

CÂY MÃ ĐỀ - CÁCH SỬ DỤNG TRONG Y HỌC VÀ ẨM THỰC

Cây mã đề thường mọc hoang dại ở ven đường, đồng cỏ hay bờ ao, đây là loại cây quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết đến công dụng của nó. Thậm chí mã đề còn bị loại bỏ như một loại cỏ dại. Mã đề có một lịch sử lâu dài về việc được sử dụng để chữa bệnh trong y học cổ truyền. Các công dụng làm thuốc và làm thực phẩm của mã đề là những thông tin cần biết về loài cây hữu ích nhưng thường bị đánh giá thấp này.

Cây mã đề (Plantago major L.)

 

1.    Giới thiệu về cây mã đề

Mã đề (Plantago spp.) là những loài cây mọc hoang khắp nơi trên thế giới. Tại nước ta, loài Plantago major L. thường hay thấy, còn được gọi là mã đề lá rộng.

Mã đề là một loại cây có sức sống mãnh liệt, phát triển quanh năm ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, mặc dù vào mùa đông khắc nghiệt có thể bị lụi tàn.

Mã đề không kén chọn nơi phát triển và nó được tìm thấy ở nhiều môi trường sống khác nhau, phổ biến đến nỗi nhìn dọc đường cũng thấy.

Cây mã đề mọc thấp dưới mặt đất, những chiếc lá đặc biệt với những đường gân song song nổi rõ. Những chiếc lá này mọc theo hình hoa thị từ gốc cây, các lá chồng lên nhau tạo thành hình dạng giống như bông hồng. Mã đề cũng có thể được nhận dạng bởi cành hoa nổi bật ở giữa (bông mã đề). Cành hoa được bao phủ bởi những nụ hoa và bông hoa rất nhỏ, mỗi bông có bốn cánh hoa trong suốt.

Mã đề có thể được thu hoạch quanh năm. Lá non mã đề là một loại rau ngon. Ngoài ra lá bánh tẻ, bông mã đề, hạt mã đề cũng được thu hoạch, phơi hoặc sấy khô để làm thuốc. 

2.    Công dụng chữa bệnh của mã đề

Mã đề có rất nhiều công dụng chữa bệnh, có thể nói đây là cây dược liệu đa năng với các đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và làm săn se.

Lá cây vò nát dùng để bôi tại chỗ ngoài da các vết côn trùng cắn, vết xước cho chấn thương và phát ban do nọc dịch côn trùng. Khi đi cắm trại, đi bộ đường dài hay dã ngoại không may bị ngã, và chạm hay bị côn trùng tấn công, hãy tìm ngay lá mã đề quanh đó để xử lý vết thương.

Lá cây mã đề có hiệu quả cao trong việc giúp chữa lành các vết thương nhỏ, vết cắt, vết xước cũng như tác dụng làm đẹp da. Một số công thức làm đẹp da từ lá mã đề như:

-    Dịch ép lá mã đề hòa quyện với gel lô hội làm đông lạnh và bôi dưỡng da giúp da mềm mại, dịu nhẹ, làm giảm sự nguy hại của ánh nắng mặt trời. 

-    Kem dưỡng da chiết xuất từ hoa oải hương và lá mã đề là một loại kem dưỡng da ban đêm, giúp chăm sóc da sâu, hãy sử dụng trước khi đi ngủ.

Lớp vỏ bên ngoài của hạt cây mã đề được gọi là psyllium và nhờ hàm lượng chất xơ cao nên được sử dụng để hỗ trợ tiêu hóa, nhuận tràng chống táo bón, hạn chế hấp thu cholesterol.

Từ lâu đời bông mã đề hoặc hạt mã đề (xa tiền tử) thường được dùng trong các bài thuốc lợi tiểu để điều trị các bệnh viêm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, bí tiểu cơ năng…

Theo y học cổ truyền, xa tiền tử có vị cam (ngọt), tính lạnh (hàn); quy các kinh túc thiếu âm thận, túc quyết âm can, thủ thái âm phế. Xa tiền tử có tác dụng lợi thủy, thanh thấp nhiệt, thấm thấp chỉ tả, thanh can minh mục, thanh phế hóa đàm. Chủ trị các chứng: phù thũng, chứng lâm, thấp tả, xích mục, phế nhiệt khái thấu. 

3.    Công dụng trong ẩm thực của mã đề

Giống như các loại rau xanh khác, rau non mã đề là siêu dinh dưỡng và chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Lá cây có nhiều vitamin A, C và K, là nguồn cung cấp sắt, calci và magie.

Lá cây non có hương vị của đất, hơi đắng nhẹ, thường được dùng cho các món canh, xào hoặc nhúng lẩu.
Việc thu hoạch hạt giống cây trồng tốn nhiều công sức và chỉ cho năng suất nhỏ, hạt mã đề thường được nghiền thành bột hoặc để nguyên hạt và rắc lên trên món salad.

Biết được công dụng của mã đề cũng như các đặc điểm nông sinh học, loại cây này nên được đưa vào vườn trồng như một loại rau hay cây thảo dược.

Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Kan)