Liên mộc (Comfrey) là loại thảo mộc hoang dại, dễ dàng tìm kiếm ở khắp nơi trên thế giới. Trong các loại mỹ phẩm có thành phần tự nhiên, chiết xuất lá hoa chuông (liên mộc) được thêm vào với tác dụng dưỡng da, trị mụn, lành sẹo.
DÙNG LIÊN MỘC THẾ NÀO ĐỂ AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ?
Liên mộc (Comfrey) là loại thảo mộc hoang dại, dễ dàng tìm kiếm ở khắp nơi trên thế giới. Trong các loại mỹ phẩm có thành phần tự nhiên, chiết xuất lá hoa chuông (liên mộc) được thêm vào với tác dụng dưỡng da, trị mụn, lành sẹo.
Liên mộc còn được gọi là hoa chuông hay sẹ, có danh pháp khoa học là Symphytum officinale thuộc họ Vòi voi (Boraginaceae).
Cây liên mộc thường phát triển xung quanh những cây ăn quả. Liên mộc có một rễ củ sâu và là một bộ phận tích lũy năng lượng, mang lại các chất dinh dưỡng quan trọng từ đất mà các cây trồng khác được hưởng lợi, do đó làm cho nó trở thành bạn đồng hành tuyệt vời cho cây ăn quả. Liên mộc phát tán rất nhanh, từ một khoảng nhỏ trong vườn sẽ có thể lan rộng khắp khu vườn sau một năm.
Liên mộc là loại cây hữu ích đối với nông nghiệp, liên mộc rất tốt để phủ đất giống như phân xanh. Nó đặc biệt tốt khi được trồng với đậu răng ngựa hoặc các chất cố định đạm cho cây trồng che phủ khác. Khi những cây liên mộc đạt đến một kích thước nhất định, chúng sẽ được cắt nhỏ và để nguyên tại chỗ làm lớp phủ mặt đất và phân trộn.
Hoa của cây liên mộc tạo thành chùm rất đẹp, mùi thơm nhẹ, có tác dụng thu hút ong và các côn trùng có ích khác. Những bông hoa thường có màu trắng, hồng, xanh lam hoặc tím và chúng rủ xuống như những chiếc chuông nhỏ xinh, bởi vậy còn được gọi là hoa chuông.
Bộ phận làm thuốc thường được dùng là lá và được thu hoạch ngay trước khi cây ra hoa, vào thời điểm này, lá cây có hàm lượng hoạt chất cao nhất.
Hoạt chất chính trong liên mộc là allantoin, có tác dụng chống viêm, kích thích tăng sinh tế bào và hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Theo y học truyền thống, liên mộc được sử dụng để chữa lành xương gãy, chấn thương bên ngoài và một số bệnh ngoài da. Nếu để ý, chúng ta có thể nhận thấy hoạt chất này được dùng phổ biến trong nhiều loại mỹ phẩm hiện nay, có công dụng dưỡng ẩm, tăng lượng nước ở ngoại bào, tẩy lớp sừng hóa keratin, tẩy tế bào chết hiệu quả, kích thích tái tạo tế bào da, tăng độ mềm mịn và giúp da trắng hồng tự nhiên.
Y học truyền thống sử dụng rễ và lá cây liên mộc để làm thuốc đắp tại chỗ. Đào rễ, rửa sạch và chặt thành từng đoạn ngắn. Xay nhuyễn lá và rễ liên mộc tươi với một lượng bằng nhau và nước vừa đủ, tạo thành hỗn hợp tương đối mịn. Phủ hỗn hợp này vào một miếng gạc và đắp lên bộ phận bị tổn thương, băng lại bằng gạc sạch thoáng khí và thay hàng ngày. Thuốc đắp này có thể dùng trong gãy xương, bong gân, chấn thương thể thao, bầm tím, sẹo phẫu thuật…
Đối với tủ thuốc thảo dược của gia đình, hãy làm khô lá liên mộc và ngâm trong dầu ô liu, sau đó biến dầu thành dạng đặc bằng cách thêm sáp ong. Đun nóng dầu chiết với sáp ong (tỉ lệ 10:1 theo thể tích) cho đến khi sáp tan chảy; để nguội một chút, sau đó đổ vào hộp đựng. Loại thuốc mỡ bôi này có thể dùng trong các trường hợp viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, gout, viêm bao hoạt dịch, viêm gân, viêm giãn tĩnh mạch, co cơ, chấn thương xương khớp… Liên mộc có thể cải thiện tình trạng tuần hoàn, chẳng hạn như giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện.
Liên mộc cũng chứa tannin, chất nhầy, gôm, nhựa và tinh dầu. Rễ cây thường được sử dụng cho bệnh viêm phế quản và các vấn đề về dạ dày, nhưng hiện nay các loại thảo mộc khác có tác dụng như vậy thường được khuyên dùng hơn là liên mộc.
Tuy nhiên, liên mộc lại bất hợp pháp ở Mỹ. Cây liên mộc có chứa pyrrolizidine alkaloids, là chất độc thực vật tự nhiên. Nếu tiêu thụ một lượng lớn, chúng có thể gây độc cho gan. Năm 2001, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã khuyến cáo các nhà sản xuất thực phẩm chức năng loại bỏ các sản phẩm từ cây liên mộc ra khỏi thị trường từ tuyên bố của họ “Những thực vật này có chứa pyrrolizidine alkaloids, chất được coi là độc tố gan ở động vật. Các báo cáo trong tài liệu khoa học liên kết rõ ràng việc tiếp xúc qua đường miệng của liên mộc và pyrrolizidine alkaloids với sự xuất hiện của bệnh tắc tĩnh mạch ở động vật”.
Vấn đề là hầu hết các nghiên cứu cho thấy tác dụng phụ sau khi đã sử dụng một lượng lớn thảo mộc trong thời gian dài hoặc một số khác đã sử dụng các hợp chất cô lập thay vì toàn bộ thảo mộc. Liên mộc và chiết xuất liên mộc thường được khuyến khích sử dụng tại chỗ hơn là dùng đường uống.
Liên mộc là loại cây hữu ích cho nhà nông, có tác dụng y học nhất định và được ứng dụng trong mỹ phẩm dùng ngoài. Để đảm bảo an toàn, không nên tự ý ăn hay uống liên mộc để làm rau hoặc chữa bệnh, tốt nhất nên xin ý kiến thầy thuốc để có cách thức sử dụng loại thảo mộc này một cách hợp lý và hiệu quả.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Dr. Kan)