Thiên ma là một loại thực vật đặc biệt, khác hẳn với các loại thực vật khác vì thiên ma không có chất diệp lục, rễ thẳng đứng giống hình chân người và đặc biệt thiên ma được xem là dược liệu trời ban bởi những tác dụng bổ sung dinh dưỡng và dược tính của nó.
Thiên ma hay còn được gọi là Xích tiễn, Định phong thảo. Thiên ma là một loại thực vật đặc biệt, khác hẳn với các loại thực vật khác, không có chất diệp lục, toàn thân màu vàng đỏ, rễ đứng thẳng đứng giống hình chân người, lá hình vẩy cá. Cây thường mọc ở những nơi ẩm ướt. Bộ phận thường dùng để làm thuốc là rễ và củ. Thường để cả củ khô, khi dùng thì thái lát ngâm nước gừng.
Theo y dược cổ truyền, thiên ma có vị cay, tính bình có tác dụng bình can tức phong, hoạt lạc, thông tý.
Cây thiên ma
Một số bài thuốc thường được sử dụng trong y dược cổ truyền từ cây thiên ma.
Trị chứng nhức đầu, chóng mặt, đau khớp.
- Thiên ma 20g, Xuyên khung 6g. Những vị thuốc trên tán thành bột mịn, làm thành viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 - 8g.
Trị nhức đầu hoa mắt do phong đàm.
- Thiên ma 12g, Bán hạ 12g, Bạch truật 12g, Phục linh 12g, Quất hồng 8g, Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị trúng phong, động kinh, chân tay tê bại.
- Thiên ma, Phòng phong, Khương hoạt, Bạch phụ chế, Nam tinh chế. Những vị thuốc trên liều lượng vừa phải, tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 - 8g, uống với nước đun sôi hoặc rượu trắng.
Món ăn, bài thuốc có chứa thiên ma.
Bệnh nhân đau nửa đầu, suy nhược thần kinh.
- Óc lợn 1 cái, Thiên ma 10g. Cho vào nồi, thêm ít nước rồi đun với lửa nhỏ trong khoảng 1 giờ. Vớt bỏ bã thiên ma, thêm chút gia vị cho dễ ăn, ăn hàng ngày.
Bệnh nhân hay bị đau nửa đầu, chân tay tê bại, suy nhược thần kinh.
- Thịt gà 60g, Thiên ma 10g, Nấm hương 15g. Thịt gà chặt thành miếng, Thiên ma thái thành lát, Nấm hương ngâm mềm rồi thái thành lát, thêm gia vị, gừng, hành lượng vừa đủ. Xào nhỏ lửa trong vòng 30 phút.
Bệnh nhân đau đầu, choáng váng, ù tai hoa mắt chóng mặt.
- Thiên ma 10g, Trần bì 6g, Phục linh 15g. Sắc lấy nước uống, Chia làm 2 lần uống trong ngày.