Bên cạnh thành phần chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe, hồ đào nhục (óc chó) còn biết đến với nhiều tác dụng chữa bệnh rất hay. Từ bệnh lý tạng phế đến tạng can, tạng thận, khi phối ngũ với các vị thuốc khác, tạo nên bài thuốc điều trị một số chứng đặc hiệu mà các vị thuốc khác không có được.
GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG VÀ CHỮA BỆNH CỦA HỒ ĐÀO NHỤC
Bên cạnh thành phần chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe, hồ đào nhục (óc chó) còn biết đến với nhiều tác dụng chữa bệnh rất hay. Từ bệnh lý tạng phế đến tạng can, tạng thận, khi phối ngũ với các vị thuốc khác, tạo nên bài thuốc điều trị một số chứng đặc hiệu mà các vị thuốc khác không có được.
Hồ đào nhục – tưởng lạ hóa ra một loại quả quen thuộc
Sự giao thoa y học hiện đại và y học tự nhiên đang là xu thế mà các thầy thuốc đều đang muốn hướng tới. Việc sử dụng các loại cây cỏ, hoa trái vào làm thuốc hay ăn uống dưỡng sinh đang được phổ cập hơn, giúp nhiều người tiếp cận và biết cách áp dụng trong đời sống hàng ngày hơn.
Một trong những loại quả từ xa xưa các cụ đã biết thu hái làm thức ăn, làm thuốc chữa bệnh đó là quả hồ đào – quả óc chó ngày nay hay gọi. Đa số mọi người biết đến quả, hạt óc chó như một loại hạt dinh dưỡng ăn vặt, hay gần đây khi biết càng nhiều hơn giá trị dinh dưỡng của nó, thì nhiều người còn đưa vào chế độ ăn healthy (ăn tốt cho sức khỏe) như một cách bổ sung chất béo tốt, thay thế chất béo bão hòa từ động vật, hay đặc biệt là một trong những nguồn chất béo chính từ thực vật cho người ăn chay trường.
Bên cạnh thành phần chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe, hồ đào nhục còn biết đến với nhiều tác dụng chữa bệnh rất hay. Từ bệnh lý tạng phế đến tạng can, tạng thận, khi phối ngũ với các vị thuốc khác, tạo nên bài thuốc điều trị một số chứng đặc hiệu mà các vị thuốc khác không có được.
Việc sử dụng các loại hạt, quả, lá… vào chế biến thức ăn làm tăng mùi vị thơm ngon, hay có tác dụng phòng tránh bệnh tật là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người phương Đông mà người thời nay đang dần tìm hiểu và giải thích được cơ chế mà cha ông ngày xưa đã áp dụng. Ví dụ: Thịt gà ăn cùng lá chanh, vừa thơm dậy vị, vừa giúp định phong. Hay như ăn xào nhục đậu khấu với các loại thịt và rau củ để kiện tỳ, tránh tích đàm. Hồ đào nhục cũng có những cách sử dụng riêng để phát huy tác dụng của nó.
Giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của hồ đào nhục (quả óc chó)
Theo các phân tích gái trị dinh dưỡng gần đây, trong 100 gam hạt óc chó sau khi tách vỏ có chứa hơn 600 calo, 6-8% carbohydrate (13.5 g), 9-10% protein (15.3 g) và chất béo chiếm khoảng 80% (65 g). Có thể thấy được hàm lượng calo và chất béo trong quả óc chó là khá cao nhưng thành phần đều là các loại chất béo tốt (chất béo chưa bão hòa) không những không gây tình trạng thừa cân béo phì, mà còn tốt cho sức khỏe.
Trong chất béo của hạt óc chó rất giàu acid béo Omega 6 (acid linoleic) và Omega 3 (acid alpha-linolenic) các tác dụng tích cực đối với sức khỏe của hai loại acid béo phải kể đến như:
- Bảo vệ các tế bào thần kinh, hạn chế mắc các bệnh lý tâm thần kinh (rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt), cũng như hỗ trợ suy giảm trí nhớ (Alzheimer, Parkinson…) ở người lớn tuổi;
- Tăng cường phát triển não bộ, thị lực của thai nhi và trẻ nhỏ ở độ tuổi phát triển;
- Giảm chất béo xấu trong máu (triglycerid) giúp bảo vệ trái tim và thành mạch, giảm thiểu các bệnh lý rối loạn chuyển hóa lipid, xơ vữa…;
- Bổ sung các nhóm chất có lợi cho mẹ và bé trong quá trình mang thai và cho con bú;
- Giảm khô khớp, cứng khớp và các bệnh lý xương khớp khác.
Mặc dù có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng không thể ăn hạt óc chó quá nhiều hoặc sử dụng chưa đúng cách làm giảm giá trị và tác dụng:
- Ăn thừa lượng chất cơ thể có thể hấp thu, phần thừa sẽ được thải ra ngoài gây lãng phí, đôi khi còn tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Nếu sử dụng thường xuyên, không ăn quá 9 quả trong một ngày và chia đều trong ngày, đây là lượng vừa đủ cung cấp các chất dinh dưỡng trong loại quả này với một người trưởng thành bình thường;
- Buổi tối ăn nhiều hạt óc chó có thể gây lâu tiêu, ảnh hưởng giấc ngủ, do dạng hạt cứng nên vẫn cần thời gian để nghiền nhỏ và tiêu hóa;
- Đây là loại hạt hàm lượng dầu (chất béo chưa no) cao, nên việc bảo quản cũng cần chú ý vì dễ bị oxy hóa, hư hỏng. Khi phát hiện có biến đổi về màu sắc, mùi vị cần bỏ ngay, tránh để lại sử dụng vì tiếc (loại hạt này khá đắt);
- Phụ nữ có thai và những người ăn theo chế độ, khi đưa óc chó vào khẩu phần cũng nên cân đối với các nhóm thức ăn và các loại hạt khác. Với vị nhạt, ngậy, hơi chát của màng đỏ ngoài nhân, loại hạt này cũng kén người ăn hơn hạt hạnh nhân hay macca; những người lần đầu ăn cũng nên thử trước 1-2 quả và cảm nhận, tránh bị nhanh ngán. Có thể ăn kèm sữa chua, yến mạch, hay sấy mật ong để tăng hương vị.
Vị thuốc chữa nhiều bệnh trong đông y
Hồ đào nhục vị ngọt, nóng mà không có độc.
Mạnh thân thể và bổ cho hạ tiêu, nhưng uống nhiều thời động phong sinh đàm (lí do bên trên nói không nên ăn quá nhiều trong ngày). Lại giúp cho thêm hỏa, thông kinh mạch, nhuận huyết mạch, dưỡng huyết, nhuận gân, liễm phế, mạnh cho việc phòng sự của cả đàn ông và đàn bà, nhất là chữa chứng lưng gối đau mỏi và nhuận cho cơ thể, lợi khí cho tam tiêu, thêm hỏa mệnh môn.
Gói vào trong cật con lợn đã làm sạch hết phần ống nước tiểu mà nướng lên, chấm với nước mắm cho ít tỏi, có thể uống cùng rượu trắng.
Vị này đốt cháy hợp với nhựa thông để chữa chứng loa lịch ở cổ (chính là Lao hạch nổi nhiều hạch ở vùng cổ, thường hạch sẽ xuất hiện số lượng nhiều và xếp từ mang tai dọc cơ ức đòn chũm xuống hố đòn hay vòng dưới hàm và lên tai phía bên còn lại, hình ảnh liên tưởng đến cái nhạc ngựa, nên còn hay gọi là Tràng Nhạc. Theo Đông y bệnh nguyên bởi tạng Can và Đởm. Can đởm sơ tiết kém, làm cho can khí uất kết dẫn đến tân dịch bị ngưng tụ lại thành đờm sinh bệnh, đờm và khí uất lâu ngày hóa hỏa, ảnh hưởng đến âm phận, thành chứng âm hư nội nhiệt).
Cùng với vị hồ phấn tán ra xoa vào chân chữa chứng huyết ứ do đòn đánh hay bị vật gì đè phải.
Nấu cháo với gạo mà ăn để chữa chứng đái rắt ra sỏi, uống với vị bổ cốt chi thời thủy hỏa lại tương sinh.
Uống với nhân sâm để chữa chứng đàn bà trẻ con thở suyễn.
Sắc với vị quất hạch rồi chế thêm rượu mà uống để chữa chứng vì nghiện rượu mà mũi đỏ.
Tuy nhiên, uống nhiều vị này thời lông mày và tóc rụng nhiều, vì nóng nhiều sinh ra phong mà lay rụng. Có sách nói: “sau hạ chí không nên uống”. Có sách nói: “người đương hỏa vượng không nên uống”.
Xét mệnh môn ở khe hai quả thận, vị hồ đào giống như quả thận mà đen, cho nên thông đến mệnh môn, mệnh môn đã thông thời tam tiêu lợi mà thông lên đến phổi. Cụ Hải Thượng có viết lại trước có đứa bé đàm suyễn, dùng phương thuốc sắc nước nhân sâm, hồ đào bỏ màng đi mà uống thì lại suyễn lên sau phải uống cả màng đỏ ngoài nhân ấy. Là vì nhân sâm đại bổ phế trung nguyên khí, dẹp được chứng suyễn, vị hồ đào nhuận được phế mà màng ngoài lại liễm tạng phế.
Thu hái và phép chế:
Có vài nơi dùng lá tươi cây hồ đào làm thuốc, thì có thể thu hoạch vào mùa hạ, thường vào tháng 6-7. Còn để lấy quả hồ đào, hồ đào nhục lại hái tốt nhất vào tháng 9-10 (khi quả đã chín, thu nhận đủ tinh hoa đất trời thành những chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu sử dụng).
Quả thu hái về bóc vỏ xanh xơ bên ngoài, lấy phần hạch gồm vỏ nâu cứng và phần thịt (nhân) bên trong. Để bảo quản lâu thì phơi khô, để nơi thoáng mát, tránh nhiệt và độ ẩm cao. Ghè bỏ vỏ lấy nhân, nghiền nhỏ rồi gói vào vải đập bớt dầu đi (nên giữ lại cả màng đỏ ngoài nhân) để dùng chế vào các bài thuốc.
BS. Tú Uyên