Hạt thì là (cumin seed) có lẽ là loại gia vị thảo mộc quen thuộc với hương vị nồng ấm, thơm và cay. Con người đã sử dụng thì là trong các món ăn từ thời cổ đại, hạt thì là cũng đã được sử dụng cho nhiều mục đích y học, từ các vấn đề tiêu hóa đến hô hấp, miễn dịch.

HẠT THÌ LÀ DÙNG TRONG ẨM THỰC GIÚP HỖ TRỢ HỆ TIÊU HÓA VÀ HỆ MIỄN DỊCH

Hạt thì là (cumin seed) có lẽ là loại gia vị thảo mộc quen thuộc với hương vị nồng ấm, thơm và cay. Con người đã sử dụng thì là trong các món ăn từ thời cổ đại, hạt thì là cũng đã được sử dụng cho nhiều mục đích y học, từ các vấn đề tiêu hóa đến hô hấp, miễn dịch.

 

Hạt thì là dùng làm gia vị nổi tiếng khắp thế giới là hạt của cây thì là Ai Cập (Cuminum cyminum) thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), có nguồn gốc từ miền đông khu vực ven Địa Trung Hải tới Đông Ấn.

Cuminaldehyde, cymene và terpenoids là những thành phần tinh dầu chính của hạt thì là. Hạt thì là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời, các khoáng chất thiết yếu như sắt, calci và các vitamin chống oxy hóa.

Một muỗng canh (khoảng 6g) hạt thì là nguyên hạt chứa khoảng: 22,5 calo; 2,7g carbohydrate; 1,1g protein; 1,3g lipid; 0,6g chất xơ; 4mg sắt; 0,2 mg mangan; 56 mg calci; 22 mg magie; 30 mg phospho; 107 mg kali; 0,1 mg đồng; 0,3 mg kẽm; 76 IU vitamin A…

Trong tiếng Phạn, thì là được gọi là Jira, có nghĩa là “giúp tiêu hóa” và nó là một trong những loại thảo mộc được nhắc đến nhiều nhất trong Kinh Thánh. 

Hạt thì là có màu vàng nâu, hình chữ nhật, dẹt; dùng làm gia vị vì mùi thơm và vị cay ngọt nồng ấm đặc trưng. Hạt thì là có thể được sử dụng nguyên hạt hoặc xay nhỏ, đây là gia vị thường dùng trong văn hoa ẩm thực của nhiều quốc gia, nhất là nơi nguồn gốc của nó. 

Loại thảo mộc này cũng có nhiều công dụng như một loại dược liệu truyền thống - đặc biệt vì khả năng hỗ trợ hệ tiêu hó và tăng cường miễn dịch.

Trong y học Ayurvedic (y học cổ truyền Ấn Độ), hạt thì là được đánh giá cao vì đặc tính làm giảm trướng bụng, chống co thắt và làm săn se.

Thì là được sử dụng để giúp giảm bớt các tình trạng rối loạn tiêu hóa, trướng bụng, tiêu chảy, đau bụng, ốm nghén và đầy hơi. Hạt thì là cũng được biết đến với công dụng cải thiện chức năng gan và thúc đẩy quá trình đồng hóa các loại thảo mộc khác.

Trong y học cổ truyền Iran, thì là được coi là một chất kích thích giúp giảm rối loạn tiêu hóa và hô hấp. Nó cũng được sử dụng để điều trị đau răng và động kinh.

Trong y học Ả Rập, hạt thì là được đánh giá cao vì có tác dụng giải nhiệt. Hạt được xay thành bột và trộn với mật ong, muối và bơ để làm dịu vết cắn của bọ cạp.

Y học cổ truyền của các nước phương Tây như Ý, Anh và Mỹ, hạt thì là được sử dụng trong y học để làm dịu các vấn đề tiêu hóa, giảm viêm và cải thiện các tổn thương da như bệnh chàm.

Dưới đây là tổng hợp những lợi ích của hạt thì là.

1.    Hỗ trợ tiêu hóa

Thymol - một hợp chất trong hạt thì là, được biết là có tác dụng kích thích các tuyến tiêu hóa tiết ra acid, mật và các enzyme.

Các nghiên cứu in vivo đã chỉ ra rằng các loại gia vị như thì là tạo ra sự kích thích đáng kể các hoạt động của lipase tuyến tụy, protease và amylase. Các nghiên cứu chứng minh rằng các enzyme này chịu trách nhiệm cho việc tiêu hóa thức ăn trong dạ dày và ruột.

Vì hạt thì là là thực phẩm giàu chất xơ, nên chúng có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, chống táo bón. Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy rằng hạt thì là có thể giúp cải thiện hội chứng ruột kích thích.

Khi bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích, có th sử dụng 20 giọt tinh dầu thì là mỗi ngày, để cải thiện được các triệu chứng bao gồm: Đau bụng, buồn nôn, đau bụng nhiều khi đại tiện, thay đổi độ đặc của phân và có chất nhầy trong phân. Bệnh nhân được dùng 10 giọt tinh dầu thì là vào buổi sáng và 10 giọt vào buổi tối pha trong một cốc nước ấm, uống sau bữa ăn 15 phút.

Hạt thì là cũng giúp hỗ trợ tiêu hóa bằng cách ngăn chặn sự hình thành khí trong đường tiêu hóa, có đặc tính chống đầy hơi gây đau trướng bụng.

2.    Tăng cường hệ thống miễn dịch

Một đánh giá được công bố trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế cho thấy thì là và các loại gia vị khác như đinh hương, oregano, cỏ xạ hương và quế - có các hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm đáng kể. Đó là lý do tại sao hạt thì là có thể được sử dụng để ngăn chặn thực phẩm bị hư hỏng do vi khuẩn và nấm gây hại.

Thì là cũng có thể làm tăng lượng vitamin C. Vitamin C có lợi cho những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do Stress. Sự căng thẳng đã trở thành một tình trạng phổ biến trong xã hội hiện đại, việc bổ sung đủ lượng vitamin C là cần thiết để cải thiện sức khỏe tổng thể.

3.    Cải thiện chức năng hô hấp

Hạt thì là hoạt động như một chất long đờm và chống sung huyết. Chúng hỗ trợ làm sạch chất nhầy từ đường hô hấp như họng, khí quản, phế quản phổi.

Thì là cũng hoạt động như một chất kích thích và khử trùng. Vì vậy, một khi chất nhầy được làm sạch khỏi đường hô hấp, hạt thì là cũng có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ giảm bớt tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp.

Thì là cũng hoạt động như một chất giảm co thắt cơ trơn, các nghiên cứu in vivo chỉ ra rằng chúng có thể giúp giảm các triệu chứng hen suyễn. Hen suyễn là một bệnh về đường hô hấp gây co thắt cơ phế quản, phù nề niêm mạc đường hô hấp và tăng sản xuất chất nhầy - dẫn đến các cơn khó thở.

Bằng cách cải thiện các triệu chứng hen suyễn, hạt thì là chính là một phương thuốc tự nhiên cho bệnh hen suyễn.

4.    Tăng cường sức khỏe làn da

Hạt thì là rất giàu chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa và tổn thương trên da. Đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn của thì là cũng có thể giúp cải thiện tình trạng nhiễm trùng da.

Thì là cũng chứa một lượng nhỏ vitamin E cùng với vitamin C. Hai loại vitamin này giúp chống lại chứng viêm da sau khi tiếp xúc với bức xạ UV và cũng có thể hữu ích trong việc làm giảm các dấu hiệu của bệnh chàm và mụn trứng cá một cách tự nhiên.

Dầu thì là có thể được sử dụng để giúp tăng tốc độ tái tạo tế bào và giảm sự xuất hiện của sẹo, mụn và nếp nhăn.

5.    Cải thiện giấc ngủ

Mất ngủ là tình trạng nhiều người mắc phải, thậm chí có người còn bị mất ngủ mãn tính, gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Nguyên nhân chính của chứng mất ngủ bao gồm căng thẳng, khó tiêu, đau đớn, tình trạng bệnh lý khác…

Việc bổ sung hợp lý các loại vitamin, đặc biệt là vitamin B-complex và duy trì tiêu hóa tốt đã được chứng minh là những cách giúp giảm bớt chứng mất ngủ mà không cần thuốc. Thì là hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy hơi và khó chịu, do đó có thể cải thiện được giấc ngủ.

Ngoài ra, hạt thì là được biết là có tác dụng làm dịu tâm trí và giúp kiểm soát các rối loạn nhận thức.

6.    Phòng chống bệnh tiểu đường

Hạ đường huyết có thể dẫn đến một số triệu chứng, bao gồm: Vã mồ hôi, run rẩy, mệt mỏi, vụng về, khó nói, hoang mang, mất ý thức, co giật… Nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn ở những bệnh nhân tiểu đường ăn ít hơn bình thường, tập thể dục nhiều hơn bình thường hoặc uống rượu hoặc do thuốc hạ đường huyết. Hạt thì là có thể giúp ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường bằng cách giảm nguy cơ hạ đường huyết - biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường. 

Một nghiên cứu năm 2005 được công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Thực phẩm cho thấy rằng cuminaldehyde, một thành phần của hạt thì là, có thể hữu ích như một hợp chất dẫn và một tác nhân mới để điều trị bệnh tiểu đường vì nó giúp cải thiện khả năng dung nạp glucose.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy việc bổ sung thì là cho bệnh nhân tiểu đường type 2 làm giảm nồng độ insulin trong huyết thanh, lượng đường trong máu lúc đói và hemoglobin glycosyl hóa (HbA1c). 

Một nghiên cứu năm 2019 cũng chỉ ra rằng thì là hoạt động như một chất chống tiểu đường đầy hứa hẹn và có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh tiểu đường.

7.    Có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn

Hạt thì là giúp chống lại bệnh nhiễm trùng và bệnh do virus, chẳng hạn như giúp ngăn ngừa cảm lạnh thông thường hoặc cúm. Thì là đã được thử nghiệm tác dụng chống lại vi khuẩn E. coli, là vi khuẩn thường gây bệnh đường tiêu hóa.

Một nghiên cứu năm 2008 đã nghiên cứu cơ chế kháng khuẩn của carvacrol và thymol, hai thành phần trong hạt thì là, chống lại vi khuẩn E. coli. 

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm năm 2015 cho thấy sự kết hợp của tinh dầu thì là và nisin làm giảm đáng kể sự phát triển của Salmonella typhimurium và Staphylococcus aureus.

Một nghiên cứu năm 2020 chỉ ra rằng hạt thì là không chỉ thể hiện hoạt tính chống oxy hóa cao, mà chúng còn có hoạt tính kháng khuẩn, mang lại tác dụng bảo quản thực phẩm.

8.    Chống thiếu máu

Sắt đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể, gan và tủy xương có thể dự trữ sắt trong trường hợp cần thiết. Nếu không có sắt, các tế bào sơ cấp trong cơ, được gọi là myoglobin, không thể giữ oxy. Nếu không có oxy, các tế bào này không thể hoạt động bình thường, dẫn đến yếu cơ.

Bộ não cũng phụ thuộc vào oxy để đảm bảo chức năng. Nếu thiếu sắt, não sẽ không nhận được lượng oxy cần thiết, dẫn đến trí nhớ kém, giảm năng suất làm việc và tâm trạng thờ ơ.

Các loại thực phẩm giàu chất sắt như hạt thì là có thể làm giảm nguy cơ rối loạn nhận thức như chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi và bổ dưỡng cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt, giúp cải thiện các triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, lo lắng, rối loạn nhận thức…

9.    Tốt cho xương

Thì là có chứa calci, sắt và mangan - ba khoáng chất quan trọng cho sức mạnh của xương. Nghiên cứu cho thấy thiếu sắt mãn tính gây ra sự tiêu xương và nguy cơ loãng xương.

Sắt, calci, mangan và kẽm có thể giúp giảm mất xương. Mangan giúp hình thành các enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa xương.

Một nguyên nhân chính gây loãng xương là thiếu dinh dưỡng, vì vậy tiêu thụ hạt thì là giàu chất dinh dưỡng và các thực phẩm khác có nhiều khoáng chất giúp xương khỏe mạnh như yến mạch, đậu gà, gan, thịt bò, kefir, sữa chua, hạnh nhân và bông cải xanh… là một phần của một kế hoạch điều trị loãng xương tự nhiên giúp tăng khối lượng xương.

10.    Cải thiện rối loạn chuyển hóa lipid và hỗ trợ giảm cân

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống chiết xuất thì là có thể hữu ích để cải thiện mức cholesterol. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Y tế Quốc tế cho thấy khi thêm 3-5 giọt chiết xuất thì là vào chế độ ăn uống của bệnh nhân 3 lần mỗi ngày trong khoảng 45 ngày, nó làm giảm đáng kể mức LDL-cho.

Một nghiên cứu khác năm 2014 cho thấy rằng việc thêm 3g bột thì là mỗi ngày vào sữa chua vào hai bữa ăn trong ba tháng đã làm giảm mức độ cholesterol, triglycerid và LDL-cho; làm tăng HDL-cho; giảm cân nặng, chỉ số khối cơ thể, khối lượng mỡ tích trữ và vòng eo.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược được công bố vào năm 2016 kết luận rằng uống viên nang thì là và chanh nhỏ giúp cải thiện sự trao đổi chất ở những người thừa cân. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người dùng cumin liều cao (75 miligam) kết hợp với chanh đã giảm cân đáng kể sau 8 tuần. Thêm vào đó, chế độ này có tác dụng có lợi đối với chỉ số BMI, triglycerid, tổng lượng cholesterol và mức LDL-cho.

11.    Sử dụng hạt thì là trong nấu ăn

Khi nấu ăn với hạt thì là, chúng ta thường cho vào nước dùng đun nóng để phân tán hương vị và mùi thơm của hạt.

Cũng có thể thêm hạt thì là vào dầu, nước sốt để chúng có thể ủ lâu hơn và thêm hương vị trước khi sử dụng để nấu ăn. Rang hoặc nướng hạt thì là trước khi sử dụng sẽ làm tăng hương vị của chúng.

Bột hạt thì là thường được sử dụng để ướp các loại thịt, cá để thơm ngon hơn và khử mùi tanh. Cũng có thể thêm bột hạt thì là vào súp, món hầm và nước sốt.

Ngoài hạt ra, lá thì là cũng được sử dụng làm gia vị, dùng để trang trí món ăn, cho vào các món canh, súp hoặc sốt tạo mùi thơm và màu sắc đẹp.

Một số loại hạt khác có gần giống với hạt thì là Ai Cập nói trên (cumin seeds) về cảm quan như hạt thì là Ba Tư (caraway seeds), tiểu hồi hương (Fennel seeds) … chúng khác nhau một chút về hương vị nhưng đều được dùng làm gia vị và có những công dụng tốt đối với sức khỏe.

Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Dr. Kan)