Trong y học cổ truyền, Bạch đầu ông là vị thuốc thường được dùng để điều trị nhiều chứng bệnh liên quan đến nhiệt. Ngày nay, vị thuốc này được nghiên cứu rộng rãi, với các kết quả nghiên cứu chứng minh tác dụng kháng khuẩn, chống viêm… Bạch đầu ông được ứng dụng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm và dùng để làm đẹp.
NHIỀU CÔNG DỤNG TỐT CỦA VỊ THUÔC BẠCH ĐẦU ÔNG
Trong y học cổ truyền, Bạch đầu ông là vị thuốc thường được dùng để điều trị nhiều chứng bệnh liên quan đến nhiệt. Ngày nay, vị thuốc này được nghiên cứu rộng rãi, với các kết quả nghiên cứu chứng minh tác dụng kháng khuẩn, chống viêm… Bạch đầu ông được ứng dụng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm và dùng để làm đẹp.
1. Cây thuốc Bạch đầu ông
Bạch đầu ông có tên gọi khác là: Bạch đầu công, Phấn thảo, Phấn nhũ thảo, Lão ông tu, Chú chi hoa, Miêu đầu hoa, Nại hà thảo, Dạ khiên ngưu, Bạc đầu nâu, Nụ áo tím… Cây Bạch đầu ông có tên khoa học là Vernonia cinerea (L.) Less, thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Bạch đầu ông là cây thân thảo, chiều cao đa dạng từ 20 – 80cm, sống lâu năm. Thân hình trụ, mọc thẳng, có khía dọc và lông mềm áp sát. Lá mọc so le, hình mác hoặc hình trám, gốc thuôn, đầu nhọn, mép nguyên hoặc có răng cưa nhỏ. Cụm hoa học ở đầu thân gồm 15 – 20 đầu; lá bắc có lông, đầu có mũi nhọn mảnh, xếp thành 3 hàng; hoa màu hồng hay đỏ, thùy thuôn hình chi, bao phấn có tai rất ngắn, mào lông trắng hay vàng nhạt, dài ngắn không đều. Quả bế, có lông dày. Mùa hoa quả vào tháng 4 – 5.
Loài cây này phân bố rộng rãi ở Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á, Đông Phi, lục địa Australia. Ở Việt Nam, Bạch đầu ông phân bố ở hầu hết các tỉnh. Cây Bạch đầu ông thường mọc rải rác hoặc thành đám nhỏ trên đất ẩm. Hàng năm, cây con mọc lên từ hạt quan sát được từ tháng 3 – 6; sau 3 – 4 tháng sinh trưởng cây sẽ ra hoa và quả, cây tàn lụi vào cuối mùa thu, đầu mùa đông. Mọi bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc.
2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Các nhà khoa học đã chiết xuất rễ Bạch đầu ông và xác định cấu trúc các hợp chất terpenoid như 3β acetoxy urs. 19 en, lupeol acetat; các hợp chất khác như β anyrin benzoat, lupeol và muối acetat, β sitosterol, stigmasterol và α spinasterol; các sesquiterpen lacton…
Cao khô, dịch chiết Bạch đầu ông đã được nghiên cứu đánh giá một số tác dụng dược lý như sau:
- Trên thực nghiệm, động vật dung nạp thuốc tốt, không có biểu hiện độc hại,
- Giảm sự phát triển của virus gây bệnh Ranikhet (Ranikhet disease virus),
- Gây ức chế sự tăng co bóp hồi tràng do acetylcholin trên thực nghiệm,
- Ức chế sự phát triển u báng trên thực nghiệm,
- Lợi tiểu với các liều 300mg, 700mg và 1000mg/kg trên thực nghiệm,
- Vernonin là một saponin triterpenoid chiết từ bạch đầu ông làm hạ huyết áp ở chó khi tiêm tĩnh mạch. Mặt khác, vernonin có tác dụng trên tim giống như digitalin, nhưng ít độc hơn,
- Cao chiết bằng cloroform, methanol và bằng ether từ lá cây Bạch đầu ông làm giảm số lần quặn đau, tăng ngưỡng đau trên thực nghiệm,
- Tác dụng hạ sốt
- Tác dụng chống viêm cấp với các tác nhân gây viêm thực nghiệm (carragenin, histamin và serotonin), ức chế phù,
- Tác dụng chống viêm mạn tính trên các mô hình thực nghiệm gây u hạt, gây viêm khớp,
- Tác dụng kháng khuẩn trên nhiều chủng vi khuẩn,
- Tác dụng diệt côn trùng
- Các sesquiterpene lacton của Bạch đầu ông có khả năng gây độc tế bào mạnh đối với một số dòng tế bào ung thư,
- Các hợp chất phenolic của lá Bạch đầu ông có tác dụng chống oxy hóa và tác dụng chống bệnh tiểu đường.
3. Vị thuốc Bạch đầu ông theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, Bạch đầu ông vị đắng, ngọt; tính mát; nhập dương minh (vị, đại trường) huyết phận; có công năng khu phong, tả nhiệt, lương huyết, thanh can, giải độc, an thần. Chủ trị chứng nhiệt độc huyết lỵ, cốt thống, xỉ thống (đau xương, đau răng), tị nục (chảy máu cam), đậu sang (mụn nhọt), lỗi lịch (tràng nhạc), sán hà, huyết trĩ thiên trụy, minh mục (sáng mắt), tiêu vưu (bướu).
4. Sử dụng Bạch đầu ông trong điều trị bệnh
Lá bạch đầu ông được dùng để chữa cảm sốt, sốt rét; rễ cây được dùng để chữa lỵ, tiêu chảy, đau dạ dày; toàn cây chữa viêm gan, vàng da, suy nhược thần kinh. Ngày dùng 15 – 30g sắc nước uống.
Dùng ngoài da, lấy lá rửa sạch, giã nát, đắp để chữa mụn nhọt, đầu đinh, hắc lào, chàm, rắn cắn và các bệnh gây lở loét ngoài da khác. Có thể dùng cành và lá, chặt nhỏ, nấu nước, rửa tổn thương da.
Với những tác dụng kháng khuẩn, chống viêm rõ rệt, chiết xuất Bạch đầu ông còn được dùng làm nguyên liệu mỹ phẩm giúp làm đẹp da, ngăn ngừa và trị mụn, viêm da.
Mỗi quốc gia có nền y học bản địa riêng, vì vậy cũng có những nét khác nhau trong việc sử dụng cây thuốc, vị thuốc chữa bệnh
Ở Indonesia, rễ bạch đầu ông được dùng chữa ho, đẻ khó, thấp khớp; lá để trị co thắt dạ dày, đau bụng, giải độc nọc rắn; toàn cây chữa chóng mặt, tiêu chảy. Ở Java (Indonesia), ngọn cành non có thể ăn sống và nấu chín ăn thay rau, mặc dù có vị đắng.
Ở Philippin, nước sắc toàn cây để chữa ho; nước sắc rễ để chữa tiêu chảy và đau dạ dày.
Ở Thái Lan, lá được dùng để chữa hen và viêm phế quản.
Ở Đông Phi, lá và hoa được dùng làm thuốc trị bệnh tiêu hóa.
Ở Đông và Trung Hoa Kỳ, rễ được dùng làm thuốc bổ máu, điều kinh, giảm đau sau khi đẻ, xuất huyết tiêu hóa, đau dạ dày.
Ở Trung Quốc, Bạch đầu ông được dùng để chữa cảm sốt, ho; suy nhược thần kinh, mất ngủ, trẻ con đái dầm. Ngoài ra, khi bị viếm tuyến vú, lở nhọt, chấn thương do đòn ngã, đụng dập, lấy cây tươi, rửa sạch, giã nát, đắp lên.
Ở Ấn Độ, lá và toàn cây bạch đầu ông, tốt nhất là khi cây bắt đầu có hoa được dùng chữa tăng co thắt bàng quang, không kiềm chế tiểu tiện được, tiểu dắt; làm cho ra mồ hôi, chữa sốt và sốt rét; dịch cây bôi chữa trĩ. Hạt bạch đầu ông để tẩy giun, chống đầy hơi, đau quặn ruột; còn chữa bạch biến, vảy nến và các bệnh ngoài da mạn tính khác. Rễ cây dùng chữa phù, giải độc, cũng chữa đau dụng, trừ giun. Hoa chữa viêm kết mạc mắt.
5. Một số bài thuốc có Bạch đầu ông
- Chữa sổ mũi, ho, sốt: Lá Bạch đầu ông, lá Ngũ trảo, rễ Bồ hòn, lá Gừa mỗi vị 15g khô. Sắc uống ngày 1 thang
- Chữa sốt rét: Bạch đầu ông toàn cây 15 – 30g sắc uống phối hợp với quinin 0,5g, làm tăng tác dụng và giảm độc tính quinin.
- Chữa suy nhược thần kinh: Bạch đầu ông toàn cây, Hy thiêm (toàn cây bỏ rễ), mỗi vị 15g; Chua me đất, Rau bợ nước toàn cây, mỗi vị 12g; Ích trí nhân 6g. Sắc uống ngày 1 thang
- Chữa tăng huyết áp: Bạch đầu ông, Chua me đất, Hy thiêm, mỗi vị 15g. Sắc uống ngày 1 thang
- Chữa các bệnh ngoài da (mụn nhọt, lở ngứa, bạch biến, vảy nến, viêm loét, vết thương đụng dập): Lấy lá cây tươi vừa đủ, rửa sạch, rửa sạch, giã nát, trộn với nước vôi, rồi đắp lên chỗ bị bệnh.
- Chữa chứng nhiệt lỵ, dùng bài “Bạch đầu ông thang”: Bạch đầu ông 16g, Hoàng liên 8g, Hoàng bá 12g, Trần bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân