Kể từ khi xuất hiện Covid-19 đến nay dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều đợt bùng phát. Nhiều quốc gia không kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc bệnh và tử vong lên tới con số hàng nghìn người mỗi ngày và sự quá tải đối với ngành y tế càng làm tình hình trở nên trầm trọng. Tại Việt Nam, nhờ đường lối sáng suốt của Đảng và Nhà nước nên công tác phòng chống dịch bệnh vẫn đang kiểm soát được, tuy nhiên cơ sở vật chất ngành y tế của chúng ta còn đang hạn chế nên rất đáng lo ngại nếu dịch bùng phát mạnh. Hiện tại, coronavirus đã trốn được một số phản ứng miễn dịch, nên có một số người tiêm vaccin vẫn mắc bệnh... nên việc tạo miễn dịch cộng đồng từ y học tự nhiên là rất cần thiết. Bởi vậy, việc tăng sức đề kháng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh là rất quan trọng. Cần thực hiện ngay các biện pháp nâng cao miễn dịch cộng đồng phòng chống Covid-19 từ y học tự nhiên.

9 BIỆN PHÁP NÂNG CAO MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG HỖ TRỢ PHÒNG CHỐNG COVID-19 TỪ Y HỌC TỰ NHIÊN

Kể từ khi xuất hiện Covid-19 đến nay dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều đợt bùng phát. Nhiều quốc gia không kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc bệnh và tử vong lên tới con số hàng nghìn người mỗi ngày và sự quá tải đối với ngành y tế càng làm tình hình trở nên trầm trọng. Tại Việt Nam, nhờ đường lối sáng suốt của Đảng và Nhà nước nên công tác phòng chống dịch bệnh vẫn đang kiểm soát được, tuy nhiên cơ sở vật chất ngành y tế của chúng ta còn đang hạn chế nên rất đáng lo ngại nếu dịch bùng phát mạnh. Hiện tại, coronavirus đã trốn được một số phản ứng miễn dịch, nên có một số người tiêm vaccin vẫn mắc bệnh... nên việc tạo miễn dịch cộng đồng từ y học tự nhiên là rất cần thiết. Bởi vậy, việc tăng sức đề kháng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh là rất quan trọng. Cần thực hiện ngay các biện pháp nâng cao miễn dịch cộng đồng phòng chống Covid-19 từ y học tự nhiên.

1.    Thuốc uống phòng bệnh từ thảo dược

Sử dụng các vị thuốc có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống viêm, ức chế virus (phù chính khu tà). Dưới đây là bài thuốc tham khảo:

Thành phần: Tỏi 15g, sinh hoàng kỳ 25g, rau má 20g, phòng phong 15g, nghệ 15g, ngũ vị tử 20g, mạch môn 15g, thiên trúc quỳ 15g, gừng 10g, thì là 15g, bạc hà 10g, quả cơm cháy 10g, cam thảo 7g, cốt khí củ 15g.

Cách dùng:

Cách 1: Đối với người lớn:

-    Sắc uống để phòng bệnh 2 ngày 1 thang

-    Sắc uống để trị bệnh 1 ngày 1 thang

Trẻ em trên 5 tuổi liều dùng bằng ½ người lớn.

Cách 2: Cắt 5 thang cho vào nồi to sắc cô đặc lấy từ 2-2,5 lít nước thuốc để nguội cho thêm 100ml rượu trắng và 70-100ml mật ong. Đóng vào chai để ngăn mát tủ lạnh mỗi ngày uống 4-5 lần mỗi lần 20-30ml với người lớn, trẻ em từ 10-15ml.

2.    Nước uống “thần kỳ”

Công thức nước uống “thần kỳ” dễ làm từ những loại gia vị có sẵn trong bếp góp phần phòng chống Covid-19. Đây là loại nước uống thơm ngon, cả người lớn và trẻ em đều có thể uống được.

Nguyên liệu: Gừng 50g, tỏi 50g, nghệ 50g, thì là 50g, nước cốt Chanh 50ml, sả 50g, giấm táo 50ml, mật ong 200ml 

Cách làm:

-    Bước 1: Thái nhỏ các nguyên liệu gừng, tỏi, nghệ, thì là, sả; Vắt chanh lấy 50ml nước cốt

-    Bước 2: Xay nhỏ các nguyên liệu đã thái với nước cốt chanh, giấm táo bằng máy xay sinh tố

-    Bước 3: Đổ hỗn hợp đã xay, mật ong vào nồi, đun nhỏ lửa cho đến khi sôi 5 phút. Sau đó để nguội.

-    Bước 4: Lọc hỗn hợp lấy nước đun sôi lại lần nữa. Sau đó đổ vào dụng cụ tiệt trùng (chai, lọ thủy tinh hoặc sứ).

Cách dùng: Mỗi lần dùng 5ml, ngày dùng 3 – 4 lần. Có thể dùng ngay hoặc pha loãng với nước ấm.

Bảo quản: Đóng kín, dán tem nhãn (tên, ngày sản xuất) để ngăn mát tủ lạnh.

Công dụng: Tăng miễn dịch, kích thích tiêu hoá, làm ấm cơ thể, bổ sung các loại vitamin, ức chế virus, phòng tránh cảm cúm và làm sạch mạch máu.

3.    Rượu thuốc tăng miễn dịch

Cúc dại tím (Echinacea), quả cơm cháy (Elderberry), nấm hương và lá bạch đàn là các loại thảo dược được sử dụng để tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng chống nhiễm trùng, nhiễm virus.

Dưới đây là công thức rượu thuốc tăng miễn dịch đơn giản từ các nguyên liệu trên, giúp phòng chống Covid-19 hiệu quả.

Công thức: Quả cơm cháy tươi 200g (hoặc 100g khô), rễ Cúc dại (Echinacea) khô 50g, lá bạch đàn 10 lá xé nhỏ, nấm hương tươi 150g, rượu vodka.

Cách làm: Cho tất cả các thành phần dược liệu vào trong một lọ thủy tinh lớn (nguyên liệu khoảng 2/3 bình chứa), đổ rượu vodka đến khi đầy bình. Bảo quản nơi mát mẻ, tránh ánh sáng, mỗi ngày lắc nhẹ 2 lần, ngâm trong 30 ngày. Sau khi ngâm đủ thời gian, lọc, bỏ phần bã, đổ dịch chiết vào chai, dán nhãn. 

Cách dùng: Uống 1 muỗng cà phê dịch chiết rượu pha loãng với một ít nước, mỗi ngày uống tối đa 3 lần.

4.    Nước sát khuẩn tay nhanh

Theo khuyến cáo của Bộ y tế về việc phòng chống Covid-19, việc rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh là một trong những điều cần thưc hiện. Ngoài những sản phẩm có sẵn trên thị trường, mọi người có thể tự làm theo công thức nước sát khuẩn tay nhanh từ các dược liệu tự nhiên dưới đây. 

Công thức: Gel lô hội 50g (có thể lấy từ lá lô hội tươi), glycerin 10ml, nước ép húng tây (basil) 5ml, tinh dầu oải hương 10 giọt, tinh dầu bạch đàn 10 giọt.

Cách làm: Cho gel lô hội vào một cái tô, sau đó thêm từ từ glycerin vào, trộn lại với nhau. Thêm các nước ép húng tây và các loại tinh dầu trộn kỹ lại một lần nữa. Đổ vào bình bơm, dán nhãn, ghi ngày tháng. Hạn dùng tối đa 1 năm, bảo quản ở nơi mát mẻ, tránh ánh sáng.

5.    Canh dinh dưỡng tăng đề kháng

Ngoài dùng thuốc ra, dinh dưỡng cũng góp phần quan trọng trong việc phòng chống bệnh dịch. Xin giới thiệu món canh dinh dưỡng tăng đề kháng, đây là một phương thuốc bổ dưỡng, có chứa nhiều loại protein, chất dinh dưỡng và khoáng chất như arginine, glutamine, calci, magie, phosphor, silic, sulphur chondroitin và glucosamine. Canh giúp cải thiện sự hấp thu các chất dinh dưỡng tại ruột cho người sau ốm, suy nhược cơ thể; tăng sức đề kháng.

Công thức: Hành tây 1 củ to, cà rốt 2 củ, cần tây 3 cây, tỏi 4 tép, gà tươi 1 con, tầm ma 2 nắm tươi hoặc 1 nắm khô, húng quế 5 ngọn, nguyệt quế (lá bay) 4 lá.

Cách làm: Băm nhỏ các loại rau thơm và tỏi, cho vào nồi lớn với thịt gà và cà rốt thái miếng, sau đó đổ 2 lít nước. Đun sôi, sau đó cho nhỏ lửa, đậy nắp và đun trong 3 – 4 giờ, cho thêm nước nếu quá cạn. Sau khi nấu chín, có thể lấy phần nước canh và bỏ đi phần chất rắn. Sử dụng canh này để làm súp, nước sốt.

Canh dinh dưỡng tăng đề kháng có thể giữ trong hộp kín, để ngăn mát tủ lạnh có thời hạn sử dụng tối đa 3 ngày, hoặc có thể đông lạnh trong 3 tháng (rã đông trước khi sử dụng).
Phiên bản canh bổ dưỡng thuần chay dành cho người ăn chay, người tu hành có thể thay gà bằng 1 tấm tảo bẹ kombu và 30g rong biển wakame, 100g nấm hương và 50g nụ tầm xuân, đun nhỏ lửa trong 2 – 3 giờ. Sử dụng nước và bỏ phần rắn.

6.    Làm sạch không khí trong nhà

Đảm bảo vệ sinh môi trường sống là yếu tố giúp phòng chống bệnh tật. Ngoài việc lau dọn sạch sẽ, sắp xếp đồ đạc gọn gàng ra cần phải làm sạch không khí, tiêu diệt mầm bệnh như các loại virus, vi khuẩn, bào tử nấm mốc trong không khí. Xông nhà bằng thảo dược là phương pháp được dùng từ lâu đời giúp loại bỏ tà khí, tăng cường năng lượng tốt. Dưới đây là cách thức xông nhà bằng thảo dược:

Nguyên liệu: Bồ kết 100g, nhục quế 100g, đinh hương 100g, đại hồi 100g, bạch chỉ 100g, vỏ bưởi 100g, than hoa 100-200g. Liều lượng dùng cho nhà 150-200m2  mặt sàn, nếu nhà to hơn thì có thể tăng lượng dược liệu. 

Cách làm:

Đóng kín các cửa phòng thông ra ngoài và mở các cửa phòng trong nhà. Đặt khay than hoa vào vị trí giữa nhà quạt cho bén than.

Cho từ từ từng thứ vào nồi đốt sau cho tất cả các loại cùng vào ủ để đốt xông khói lên các phòng trong nhà.

Sau khi xông đi ra ngoài 2 tiếng và đóng kín cửa thông ra ngoài. 

Tác dụng: làm sạch không khí, trừ uế khí tà khí, diệt virus, diệt và đuổi côn trùng.

7.    Chườm thảo dược

Chườm làm ấm vùng cột sống là phương pháp giúp tăng sức khỏe, phòng bệnh rất tốt. Đường kinh Túc thái dương bàng quang đi dọc 2 bên cột sống. Lục kinh biện chứng bao gồm Thái dương kinh, Dương minh kinh, Thiếu dương kinh, Thái âm kinh, thiếu âm kinh và Quyết âm kinh, y học cổ truyền dùng tên đường kinh để khái quát 6 giai đoạn biến hóa trong quá trình phát triển của bệnh Thương hàn, thành ra là cương lĩnh của biện chứng luận trị về bệnh Thương hàn. Thái dương kinh là nơi tà khí xâm nhập gây bệnh đầu tiên trước khi truyền bệnh sang kinh khác. Bởi vậy, tác động vào vùng sống lưng nơi kinh kinh Túc thái dương bàng quang đi qua giúp phòng chống tà khí gây bệnh.

Phương pháp khá đơn giản, hàng ngày dùng gối thảo dược làm ấm nóng, đắp chườm vùng cột sống ngày 2-3 lần mỗi lần 15-20 phút. Ngoài ra có thể sao nóng một số loại dược liệu tươi như ngải cứu, cúc tần, đại bi, kinh giới, hương nhu với chút muối, bọc vào khăn bông, chườm cột sống như trên. Nếu chưa chuẩn bị được gối thảo dược hoặc các loại dược liệu có thể dùng máy sấy để tạo nhiệt, làm ấm nóng vùng cột sống để phòng bệnh. Với phương pháp này cần lưu ý về nhiệt độ, nhất là người bệnh tiểu đường, liệt nửa người… có thể bị tê bì da, giảm cảm giác, cần có người nhà kiểm tra nhiệt độ trước khi chườm để tránh bỏng da.

8.    Vệ sinh và làm ấm vùng mũi họng

Các bằng chứng hiện nay cho thấy bệnh Covid-19 lây nhiễm ở người qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh), hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi. Dịch tiết này bao gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn. Người tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh có thể mắc bệnh khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc. Bởi vậy, vệ sinh và làm ấm vùng mũi họng mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa được xâm nhập của virus gây bệnh. 

Thông dụng nhất là dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) súc miệng họng và nhỏ mũi ngày 2-3 lần. Ngoài ra, có thể điều chế nước súc họng theo công thức sau: Sinh địa 60g, huyền sâm 30g, cam thảo 10g. Sắc kỹ với 3 lít nước cho đến khi còn lại 1 lít, để nguội, chắt dịch thuốc vào chai, bảo quản ngăn mát tủ lạnh, dùng để súc họng và khoang miệng.

Làm ấm vùng mũi họng giúp tăng cường tuần hoàn tại chỗ, giúp chống lại tác nhân gây bệnh, giảm viêm nhiễm. Uống nước ấm ngày 3 lần vào sáng sớm, trước bữa ăn trưa và tối, có thể cho thêm gừng tươi, mật ong và nước cốt chanh để tăng hương vị và tác dụng làm ấm, tăng đề kháng. Làm ấm vùng mũi vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ bằng cách xoa hai bàn tay vào nhau cho ấm nóng và áp lên mũi, làm đi làm lại thao tác này 10 lần. Ngoài ra, dùng máy sấy để làm ấm vùng mũi cũng rất hiệu quả, mỗi ngày nên sấy vùng mũi 2 lần, mỗi lần từ 3-5 phút để phòng bệnh. Lưu ý, sau khi sấy, nhỏ mỗi bên mũi 3 giọt nước muối sinh lý để chống bị khô niêm mạc.

9.    Tập thở, khí công

Tập thở, khí công, dưỡng sinh đặt tư tưởng “lấy khí làm gốc”, cần phải giữ vững nguyên khí để giữ gốc bền chắc, nâng cao chính khí để chống đỡ bệnh tật. Khí công, dưỡng sinh còn có tác dụng “luyện tinh hóa khí” làm tinh sung mãn, khí hóa ra khí, thần, giúp cơ thể khỏe mạnh.

Theo lý luận y học cổ truyền, khi âm dương mất cân bằng thì bệnh tật phát sinh. Nguyên tắc chữa mọi bệnh tật đó là cân bằng âm dương mà khí công dưỡng sinh có khả năng điều tiết âm dương thông qua điều tiết khí huyết, kinh lạc, tạng phủ.

Tập thở là pháp dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích, biến năng lượng tự nhiên thành năng lượng sinh học để điều tiết thần kinh, lưu thông khí huyết, chống lại bệnh tật, phục hồi tổn thương. Mỗi ngày nên dành 30 phút để tập thở để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh dịch và cải thiện chức năng hô hấp nếu có bệnh. Trong khí công dưỡng sinh thì thở 4 thì là kỹ thuật cơ bản, sau đây là phương pháp thở 4 thì: 

-    Thì 1: Hít vào từ từ bằng mũi, hít sâu, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được (thường đếm từ 1 đến 5), đồng thời phình bụng ra. Lưu ý: Bụng và ngực phải căng lên cùng lúc.

-    Thì 2: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào. Khi đó, cơ ức đòn chũm phải căng, các hõm ở cổ rõ rệt, bụng cứng.

-    Thì 3: Thở ra từ từ, êm nhẹ tự nhiên không thúc ép, đồng thời bụng thót vào hết cỡ, thời gian bằng thì 1. 

-    Thì 4: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào. Lúc này cả ngực, bụng, tứ chi đều mềm, lép xuống và có cảm giác ấm nóng.

Có thể tập thở ở tư thế ngồi sen hoặc tư thế nằm ngửa, tốt nhất là nằm tư thế ngửa có kê mông bằng gối, chân thẳng 1 tay để lên bụng, 1 tay để lên ngực.

Ứng dụng y học cổ truyền trong việc phòng và điều trị bệnh, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với Covid-19 cần phải có sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Các trường hợp nghi nhiễm hoặc dương tính cần phải được đến bệnh viện để được cách ly, theo dõi và điều trị tích cực. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế cũng với các phương pháp y học cổ truyền kể trên sẽ giúp nhân dân tăng cường sức khỏe, hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang

Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam

Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường