Bộ Y tế đã tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề "Lấy ý kiến góp ý cho Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2016-2020"
Tham gia cuộc hội thảo gồm có PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, và đại diện một số Vụ,Cục, đơn vị, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Tổ chức Y tế WHO; các chuyên gia Y tế về người cao tuổi.
Thứ trưởng bộ y tế PGS.TS Phạm Lê Tuấn phát biểu tai hội thảo
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: theo nhận định của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi trong dân số tăng nhanh liên tục từ 7,1% năm 1989 lên 8,7% năm 2009 và 10,5% năm 2013. Chỉ số già hoá dân số tăng nhanh, đạt 43,5% năm 2013 và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự tính trước đó (năm 2017).
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới, thì thời gian quá độ chuyển sang dân số già của Việt Nam chỉ có 15 năm. Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi.
Trước thực trạng già hóa dân số nêu trên thì chính phủ đã bước đầu xây dựng mạng lưới CSSK cho người cao tuổi, trong đó bao gồm Bệnh viện lão khoa trung ương, các khoa lão tại các BVĐK tuyến tỉnh, các nhà dưỡng lão của nhà nước và tư nhân, tổ chức CSSK người cao tuổi tại cộng đồng.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Bộ Y tế đã giao cho Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2016-2020.
Quang cảnh của buổi hội thảo
Tại cuộc Hội thảo, các đại biểu tập chung thảo luận 5 vấn đề chính:
1. Cần thay đổi tư tưởng, người cao tuổi không phải là gánh nặng mà một nguồn lực của gia đình, cộng đồng. Chăm sóc cho người cao tuổi tạo ra ngành y tế phục vụ cho nhu cầu của người cao tuổi. Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là vấn đề cần được sự quan tâm của cả xã hội, trong đó y tế đóng vai trò chủ chốt.
2. Nâng cao năng lực của hệ thống cung ứng dịch vụ y tế để đáp ứng nhu cầu CSSK cho người cao tuổi, bao gồm bệnh viện lão khoa trung ương, các khoa lão tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trạm y tế xã phường thị trấn. Khuyến khích phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và tại gia đình bên cạnh các mô hình trung tâm dưỡng lão để đáp ứng cho một bộ phận người cao tuổi có điều kiện về thu nhập.
3. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn người cao tuổi và người chăm sóc về các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe để thực hiện chiến lược “già tích cực/già khỏe mạnh”.
4. Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nhân viên chăm sóc xã hội và chăm sóc y tế để đáp ứng nhu cầu CSSK người cao tuổi; phát triển nguồn nhân lực y tế gắn với mô hình bác sĩ gia đình
5. Nghiên cứu, khuyến khích các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc NCT. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn và cơ chế tài chính cho chăm sóc dài hạn thông qua cơ chế bảo hiểm.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn hy vọng với sự tham gia của các quý vị đại biểu, các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo, Ban tổ chức sẽ thu nhận được những ý kiến quý báu, những định hướng quan trọng giúp hoàn thiện Đề án, nâng cao tính khả thi trong quá trình thực hiện Đề án.