Cúc hoa là vị thuốc thường dùng trong y học cổ truyền với các tác dụng thanh nhiệt giải độc, sơ phong tán nhiệt, thanh can minh mục. Vị thuốc là hoa của nhiều loại cúc, trong đó, Bạch cúc là hoa của loài Cúc mâm xôi (Chrysanthemum morifolium Ramat.) màu trắng, hoa nhỏ, còn gọi là cam Cúc hoa. Nổi tiếng nhất là Bạch cúc trồng ở vùng núi Hoằng Sơn, tỉnh An Huy (Trung Quốc), còn được gọi là Cống cúc bởi loại dược liệu thượng hạng này xưa được dùng làm cống phẩm cho Hoàng đế.
BẠCH CÚC HOA LÀM TRÀ CÓ NHIỀU CÔNG DỤNG TỐT CHO SỨC KHỎE
Cúc hoa là vị thuốc thường dùng trong y học cổ truyền với các tác dụng thanh nhiệt giải độc, sơ phong tán nhiệt, thanh can minh mục. Vị thuốc là hoa của nhiều loại cúc, trong đó, Bạch cúc là hoa của loài Cúc mâm xôi (Chrysanthemum morifolium Ramat.) màu trắng, hoa nhỏ, còn gọi là cam Cúc hoa. Nổi tiếng nhất là Bạch cúc trồng ở vùng núi Hoằng Sơn, tỉnh An Huy (Trung Quốc), còn được gọi là Cống cúc bởi loại dược liệu thượng hạng này xưa được dùng làm cống phẩm cho Hoàng đế.
Đối với y học cổ truyền, Cúc hoa được coi là “Hoa trung quân tử, Dược trung thánh hiền”, với nhiều công dụng tốt và chủ trị nhiều chứng bệnh tật cũng như dưỡng nhan sắc. Ngày nay, khoa học cũng quan tâm đến loại dược liệu này và có thêm những bằng chứng khoa học về tác dụng của Bạch Cúc hoa (Flos Chrysanthemi Morifolii). Dưới đây là một số nghiên cứu mới về thành phần hóa học và tác dụng dược lý của Bạch cúc hoa.
Trong Bạch cúc hoa có chứa các flavonoid (apigenin, luteolin, luteolin-7- O –glucoside, quercitrin…), carotenoid, acid caffeoylquinic, polysaccharides, sesquiterpenes, tinh dầu (camphor, chrysanthenone, chrysanthyl acetate, verbenol…)… trong đó các flavonoid và acid caffeoylquinic là nguồn giàu tiềm năng của các hợp chất hoạt tính sinh học
Bạch Cúc hoa có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, chống khối u, chống rối loạn chuyển hóa, bảo vệ thần kinh… Dưới đây là một số nghiên cứu chứng minh các tác dụng này:
• Tác dụng chống oxy hóa, chống viêm
Cúc hoa có tính chống oxy hóa, trong các loại cúc mâm xôi thì Bạch cúc là loại tác tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ nhất. Các hoạt động chống oxy hóa hiệu quả như dọn các gốc tự do, chất khử kim loại và chất thu hồi oxy hoạt động. Những đặc tính này có thể là lý do chính cho việc ức chế quá trình peroxy hóa lipid. Phenolics (đặc biệt là flavonoid) trong Cúc hoa là chất chống oxy hóa chính, hàm lượng phenolics liên quan chặt chẽ đến hoạt tính của Cúc hoa.
Bạch cúc hoa và cẩu kỷ tử được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng, Trung Quốc (2019) cho biết hai loại dược liệu này được dùng làm trà có hoạt động chống oxy hóa và chống viêm trong các đại thực bào RAW 264.7. Các hợp chất có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm có thể là do acacetin-7-O-rutinoside, luteolin-7-O-glucoside và axit chlorogenic từ hoa cúc, và polysaccharide của cẩu kỷ tử.
Luteolin, một flavonoid tự nhiên có trong Bạch cúc hoa, có tác dụng chống viêm mạnh. Luteolin có thể thông 31 con đường quan trọng để thực hiện tác dụng chống viêm có hệ thống như: con đường trao đổi chất, con đường trong ung thư, con đường tín hiệu PI3K-AKT, con đường tín hiệu Ras…
Năm 2020, nhóm nghiên cứu Đại học Trung y Hà Nam, Trung Quốc phân lập một bisepoxylignan dendranlignan A (A1) mới từ bạch cúc hoa. Chất này và hợp chất lantibeside D (D2) đã biết được đánh giá về tác dụng đối với việc sản xuất chất trung gian gây viêm trong tế bào cơ tim H9c2 được kích thích bằng lipopolysaccharide (LPS). Kết quả cho thấy A1 và D2 làm giảm sản xuất các cytokine gây viêm TNF-α, IL-2 và IFN-γ do LPS gây ra trong tế bào H9c2. Việc gắn kết phân tử chỉ ra rằng A1 và D2 chiếm vị trí liên kết phối tử của TLR4-MD2. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hợp chất bisepoxylignan A1 mới và nhận thấy rằng hợp chất này có khả năng ức chế viêm bằng cách ức chế tín hiệu TLR4. Năm 2005, các nhà khoa học Đại học Y khoa Hà Nam, Trung Quốc cũng đã đánh giá tác dụng chống viêm trên tế bào tim H9c2 bị suy giảm bởi lipopolysaccharide của các sesquiterpenoids trong Bạch cúc hoa.
Một nghiên cứu mới công bố (2021) của các nhà khoa học Khoa Hóa sinh, Viện Khoa học Y tế, Trường Y Đại học Quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc về tác dụng ức chế sự biệt hóa tế bào hủy xương do RANKL (kích hoạt thụ thể của phối tử yếu tố hạt nhân kappa beta) gây ra bằng cách ức chế con đường c-fos/NFATc1 của chiết xuất Bạch Cúc (CME). CME ức chế đáng kể sự biệt hóa tế bào hủy xương ở các BMM (đại thực bào có nguồn gốc từ tủy xương) mà không gây độc tế bào. Những phát hiện này cho thấy rằng CME có tiềm năng trong việc điều trị truyền thống cho các bệnh như loãng xương, viêm khớp dạng thấp và viêm nha chu.
• Tác dụng điều hòa miễn dịch
Nghiên cứu về “Một arabinogalactan từ hoa cúc (Chrysanthemum morifolium) nghiên cứu cấu trúc và hoạt tính sinh học” của các nhà khoa học của Đại học Chiết Giang, Hàng Châu, Trung Quốc (2014) cho kết quả: một polysaccharide hòa tan trong nước (arabinogalactan) được phân lập từ dịch chiết nước nóng của bạch cúc hoa. Hợp chất này có hoạt động miễn dịch tốt vì nó làm tăng cường đáng kể sự tăng sinh tế bào lách ở liều tương đối thấp 25 và 50μg/ml.
• Tác dụng gây độc tế bào ung thư
Flavonoids trong Bạch cúc hoa có tác dụng gây độc dòng tế bào ung thư đại tràng người, đặc biệt là luteolin, diosmetin.
Trong nghiên cứu của các nhà khoa học Bệnh viện Ung thư Hà Nam, Trung Quốc (2021), chiết xuất Bạch cúc hoa qua trung gian Ag NPs (nano bạc) cải thiện tác dụng gây độc tế bào ở tế bào ung thư phổi A549.
• Bảo vệ đường tiêu hóa
Năm 2016, nhóm nghiên cứu của Đại học Nam Kinh, Trung Quốc cho thấy việc dùng polysaccharides Bạch cúc làm giảm trọng lượng cơ thể một cách rõ rệt, giảm các triệu chứng của bệnh đại tràng như viêm, chảy máu trực tràng, độ đặc của phân. Các polysaccharid của Bạch cúc có thể được sử dụng như các chất tiền sinh học (prebiotic) để ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa và các bệnh đường ruột.
Các nhà khoa học Viện Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng, Trung Quốc (2019) đã nghiên cứu thành phần hóa học và tác động lên hệ vi sinh vật đường ruột, khả năng chống viêm, chống oxy hóa của các chất chiết xuất nước nóng và etanol của Bạch cúc hoa. Phân tích UPLC-IMS-QTOF-MS lần đầu tiên phát hiện thấy glucoside acid tuberonic và tasumatrol B ở Bạch cúc hoa. Dịch chiết nước nóng có hoạt tính chống viêm và loại bỏ gốc tự do mạnh hơn so với chiết xuất etanol trong các điều kiện thử nghiệm. Chiết xuất nước nóng còn có tác dụng tăng cường sự phong phú của Bacteroidetes, Firmicutes, Bifidobacteria và Precotella; điều này cho thấy rằng uống trà hoa cúc có thể điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột.
• Tác dụng bảo vệ thần kinh
Chiết xuất từ hoa Bạch cúc thể hiện hoạt tính bảo vệ thần kinh đáng chú ý, nó có tác dụng chống lại độc tính tế bào do ion 1-methyl-4-phenyl pyridinium (chất gây độc thần kinh) gây ra ở tế bào SH-SY5Y u nguyên bào thần kinh ở người. Chiết xuất từ hoa Bạch cúc cũng làm giảm sự gia tăng mức ROS (oxy phản ứng), tăng tỷ lệ Bax/Bcl-2, sự phân cắt của caspase-3 và sự phân giải protein PARP (polymerase). Dựa trên kinh nghiệm chữa bệnh của y học cổ truyền cũng như kết quả nghiên cứu trên của các nhà khoa học trường Đại học Konkuk, Hàn Quốc (2009), cho thấy Bạch cúc là dược liệu nên được lựa chọn trong việc điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson. Bạch cúc có tác dụng ức chế enzym acetylcholinesterase mạnh hơn (tác dụng bảo vệ thần kinh).
Trong nghiên cứu phân lập, tinh chế 6 hợp chất mới (1 - 6), bao gồm 2 lignans arylnaphthalene mới (Chrysanthelignanoside A và Chrysanthelignanoside B) và 4 glycoside phenolic mới, cùng với tám hợp chất đã biết (7 - 14), từ Bạch cúc hoa. Các nhà khoa học Phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước về chất có hoạt tính sinh học và chức năng của thuốc tự nhiên, Trung Quốc (2019) đã đánh giá tác dụng bảo vệ thần kinh của các hợp chất trên. Các hợp chất 1 - 3 sở hữu hoạt tính bảo vệ thần kinh đáng kể, chống lại độc tính thần kinh do hydrogen peroxide gây ra trong các tế bào SH-SY5Y u nguyên bào thần kinh ở người.
• Tác dụng chống rối loạn chuyển hóa lipid
Bạch cúc hoa là loại dược liệu giàu polyphenol có tác dụng ức chế sự tăng lipid máu trên thực nghiệm. Nghiên cứu của các nhà khoa hock Đại học Soochow, Trung Quốc (2014) nhằm mục đích kiểm tra tác động của chiết xuất cúc hoa đối với lipid trong máu và gan. Chuột bị tăng lipid máu do uống sữa giàu chất béo qua đường miệng và được điều trị đồng thời với chiết xuất cúc hoa liều 75 mg/kg đến 300 mg/kg trong 6 tuần. Sau khi điều trị, nồng độ cholesterol toàn phần trong huyết thanh và hệ số trọng lượng gan giảm, nhưng không quan sát thấy sự giảm đáng kể mức triacylglycerol trong huyết thanh. Điều quan trọng cần lưu ý là chiết xuất cúc hoa có thể làm giảm sự tích tụ lipid ở gan và các cơ chế của nó có thể liên quan đến việc điều chỉnh protein liên kết yếu tố điều hòa sterol – 1c, FAS, lipoprotein lipase và biểu hiện cholesterol 7α-hydroxylase 1 thông qua PPARα- con đường trung gian.
• Tác dụng hạ đường huyết
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2013), một endoperoxysesquiterpene lacton mới, 10α-hydroxy-1α, 4α-endoperoxy-guaia-2-en-12,6α-olide (1), cùng với flavanone, eriodictyol (2), và hai flavone glycoside, acacetin-7- O -β- d -glucopyranoside (3) và acacetin-7- O -α- l -rhamopyranoside (4), được phân lập từ chiết xuất metanol của bạch cúc hoa bằng phương pháp phân đoạn có hướng dẫn sinh học. Hợp chất 1 cho thấy tác dụng ức chế mạnh đối với hoạt động của α-glucosidase và lipase, với giá trị IC50 tương ứng là 229,3 và 161,0 μM. Các glycoside flavone 3 và 4 ức chế cả α-glucosidase và α-amylase, trong khi flavanone 2 chỉ có hiệu quả chống lại α-amylase. Kết quả có thể giải thích đặc tính hạ đường huyết của Bạch cúc hoa.
Trong nghiên cứu của Đại học Soochow, Trung Quốc (2017), các nhà khoa học đã đánh giá hoạt động của chiết xuất bạch cúc hoa trên mô hình chuột bị bệnh đái tháo đường được gây ra bởi alloxan (bệnh tiểu đường do alloxan có liên quan đến việc giảm glycogen ở gan). Kết quả cho thấy sau khi điều trị chuột bị tiểu đường bằng chiết xuất bạch cúc hoa giàu polyphenol 150mg/kg và 300mg/kg trong 6 tuần, mức đường huyết lúc đói cũng như lượng nước và thức ăn tiêu thụ đều giảm, hàm lượng glycogen ở gan đã tăng lên, đặc biệt là ở nhóm dùng liều 300mg/kg, nhưng không có sự thay đổi đáng kể nào về mức tăng trọng lượng cơ thể, insulin huyết thanh lúc đói và glycogen trong cơ. Cơ chế hạ đường huyết của chiết xuất bạch cúc hoa có thể liên quan chủ yếu đến sự gia tăng tổng hợp glycogen ở gan thông qua việc điều chỉnh glycogen synthase qua trung gian PPARα/γ (thụ thể kích hoạt peroxisome ở gan) và biểu thức protein Glut-2 (chất vận chuyển glucose-2).
Để bảo quản dược liệu lâu dài, cúc hoa thường được làm khô bằng các phương pháp phơi âm can, sấy nóng, làm khô bằng vi sóng, sấy đông khô và làm khô bằng không khí nóng chân không… Qua đánh giá chất lượng dược liệu cho thấy xử lý cúc hoa bằng vi sóng trong 30s kết hợp với sấy khô 75°C là phương pháp xử lý hiệu quả nhất trong việc giữ được các hợp chất có hoạt tính sinh học, do đó dược liệu cúc hoa khả năng chống oxy hóa cao hơn. Tương tự vậy, sấy đông khô là phương pháp làm khô dược liệu giúp giữ nguyên vẹn màu sắc và hoạt chất có trong cúc hoa. Việc sấy xông lưu huỳnh để bảo quản bạch cúc hoa làm giảm hoạt động chống oxy hóa, và dư lượng lưu huỳnh cao khiến cho được liệu không đảm bảo về chất lượng.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Kan)