Chó đẻ răng cưa vốn được biết là loại cỏ mọc hoang ở các bờ ruộng hay vườn nhà. Những năm gần đây, cây chó đẻ răng cưa được nhiều người coi là một thần dược. Vậy thực hư tác dụng chữa bệnh của chó đẻ răng cưa là như thế nào? Và những lưu ý khi sử dụng chó đẻ răng cưa là gì? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

Tên gọi

Tên khoa học: Cây Chó đẻ răng cưa có tên khoa học là Phyllanthus urinaria L, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae.

Tên gọi khác: Cây chó đẻ răng cưa còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: Diệp hạ châu, cây chó đẻ, trân châu thảo, lão nha châu…

Có tên cây chó đẻ là vì theo quan sát của người dân thì chó mẹ sau khi đẻ con thường đi tìm ăn loại cây này để giúp nó mau lành vết thương sau đẻ.

Tên diệp hạ châu xuất phát từ việc dưới mỗi lá xuất hiện 1 hàng hạt tròn hình cầu như viên châu.

Đặc điểm nhận biết

Chó đẻ răng cưa là cây thân thảo, cao 20cm - 30cm, có khi tới 60-70cm. Thân cây nhẵn có màu hồng đỏ hoặc màu xanh. Thân cây có phần xốp ở giữa tạo thành một đường rỗng bên trong. Lá cây nhỏ hình bầu dục, chúng tạo thành 2 hàng ở 2 bên cành lá. Các cành lá mọc so le với nhau.

Hoa mọc ở kẽ lá, có cuống ngắn, đơn tính cùng gốc, hoa đực ở đầu cành có 6 lá dài, 3 nhị, chỉ nhị ngắn, hoa cái ở cuối cành, 6 lá dài, bầu hình trứng. Quả dạng nang hình cầu, hơi dẹt, mọc rủ xuống ở dưới lá, có khía mờ và có gai, hạt hình 3 cạnh.

Mùa hoa vào tháng 4 – 6. Mùa quả vào tháng 7 – 9.

Phân bố

Chó đẻ răng cưa là loại cây khá phổ biến ở các miền quê Việt Nam. Chúng thường mọc hoang ở ven đường, những cánh đồng khô, vùng đất hoang hoặc bìa rừng dưới độ cao 600m. Chó đẻ răng cưa còn phân bố nhiều ở các nước như: Ấn độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Việt Nam, Nam Mỹ…

Bộ phận dùng 

Sử dụng cành, lá và hạt.

Tác dụng

Theo Y học hiện đại

Một số tác dụng của cây chó đẻ răng cưa đã được Y học hiện đại công nhận như:

Bảo vệ gan

Phyllanthin và hypophyllanthin hay còn gọi là chất đắng trong chó đẻ răng cưa có tác dụng giải độc gan, đồng thời tăng cường chức năng gan.

Triterpen triacontanol cũng là một trong những hợp chất có tác dụng bảo vệ gan hiệu quả. 

Geraniin phân lập từ lá của loại cây này còn có tác dụng kháng virus viêm gan B.

Bên cạnh đó, loại cây này còn giúp cơ thể gia tăng lượng glutathione giúp tăng cường sức khỏe gan. Đây là hợp chất bảo vệ gan thường bị thiếu hụt ở những người thường xuyên sử dụng bia rượu. 

Chữa viêm gan virus

Chó đẻ răng cưa có tác dụng hạ men gan, bảo vệ gan và ức chế sự hoạt động cũng như sự nhân lên của virus viêm gan. Chó đẻ răng cưa có thành phần chất chống oxy hóa cao. Đồng thời nó còn có khả năng làm tăng hàm lượng glutathione tại gan do đó làm giảm hoạt động của các men SGOT, SGPT trong đợt cấp của viêm gan.

Tác dụng miễn dịch

Cao lỏng từ cây chó đẻ răng cưa được chứng minh về hiệu quả ức chế sự phát triển của virus HIV bằng cách ngăn chặn quá trình nhân đôi của virus.

Tác dụng điều trị các bệnh tiêu hóa

Các hoạt chất trong cây chó đẻ răng cưa có tác dụng kích thích trung tiện, ăn uống ngon miệng và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa. Ngoài ra, một số thành phần trong cây chó đẻ răng cưa có tính kháng khuẩn rất tốt, nhất là những vi khuẩn trong đường tiêu hoá, trong đó bao gồm khuẩn HP – một loại vi khuẩn phổ biến gây viêm dạ dày. Hiện nay, chó đẻ răng cưa được ứng dụng trong nhiều chế phẩm chữa táo bón, viêm gan, vàng da, viêm đại tràng và đau dạ dày…

Tác dụng lợi tiểu

Y học cổ truyền ở một số nước đã sử dụng cây chó đẻ răng cưa làm thuốc lợi tiểu, trị phù thũng. Một nghiên cứu của trường Đại học Dược Santa Catarina (Brazil-1984) đã phát hiện một alkaloid của chó đẻ răng cưa (phyllanthoides) có tác dụng chống co thắt cơ vân và cơ trơn giúp lợi tiểu và hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi mật.

Giải độc, diệt khuẩn, chống viêm

Rất nhiều quốc gia chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ đã sử dụng chó đẻ răng cưa để điều trị mụn nhọt, trị rắn cắn, nhiễm giun sán,… Ở một số quốc gia khác, người dân còn dùng cây chó đẻ răng cưa để chữa viêm đường tiết niệu, viêm phụ khoa, bệnh lậu, giang mai,…

Tác dụng giảm đường huyết

Theo kết quả thực nghiệm vào năm 1995 trên các bệnh nhân tiểu đường cho thấy: Khi sử dụng cây chó đẻ răng cưa liên tục trong 10 ngày có thể làm giảm lượng đường huyết đáng kể.

Tác dụng giảm đau

Cây chó đẻ răng cưa có tác dụng giảm đau mạnh gấp 3 lần so với Morphin và gấp 4 lần so với Indomethacin. Tác dụng giảm đau ở chó đẻ răng cưa được xác định là do sự hiện diện của hỗn hợp steroid (beta-sitosterol, stigmasterol), ester ethyl và acid gallic có trong dược liệu.

Tác dụng khác

Ngoài ra, thảo dược này còn có tác dụng điều trị viêm phế quản, ho, hen suyễn, lao phổi, sốt rét, viêm da thần kinh…

Theo Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, cây chó đẻ răng cưa có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, quy vào 2 kinh can và thận. Có công dụng là thanh can nhiệt, lợi tiểu, lương huyết, giải độc, sát trùng.

Theo kinh nghiệm thì cây chó đẻ răng cưa được dùng để trị mụn nhọt, giải độc rắn cắn. Vừa dùng ngoài vừa uống trong được. Đặc biệt, có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh gan, bệnh ngoài da, tiểu đường, viêm ruột, viêm phụ khoa…

Một số bài thuốc từ cây chó đẻ răng cưa

Thuốc tiêu độc

Bài 1: Lấy 1 nắm cây chó đẻ răng cưa tươi, giã hoặc xay nát với ít muối, ép nước uống, bã đắp vào chỗ đau. Chữa nhọt độc sưng đau.

Bài 2: Dùng lá chó đẻ răng cưa, lá thồm lồm liều lượng bằng nhau; đinh hương 1 nụ. Tất cả giã nát, đắp chỗ đau. Chữa lở loét không liền miệng.

Chữa viêm gan

Bài 1: Chó đẻ răng cưa 24g, nhân trần 12g, chi tử 8g, sài hồ 12g, hạ khô thảo 12g. Sắc uống; uống liên tục 3 tháng. Trị viêm gan virus B.

Bài 2: Chó đẻ răng cưa 30g, mã đề thảo 20g, chi tử 12g. Sắc uống. Chữa viêm gan vàng da, viêm ruột tiêu chảy.

Bài 3: Chó đẻ răng cưa 16g, bồ bồ 16g, vỏ bưởi khô 5g, hậu phác 8g; thổ phục linh, tích huyết thảo, chi tử, rễ đinh lăng mỗi vị 12g; vỏ cây đại 8g. Sắc uống. Chữa viêm gan virus.

Chữa xơ gan cổ trướng

Lấy 100g chó đẻ răng cưa khô sắc liên tiếp 3 lần. Trộn chung nước sắc và thêm 150g đường, đun sôi cho tan đường rồi chia thành nhiều lần uống trong ngày. Liệu trình thực hiện 30 – 40 ngày.

Thông huyết, hoạt huyết

Bài 1: Lá chó đẻ răng cưa, mần tưới mỗi thứ 1 nắm, có thể thêm bột đại hoàng 8g. Tất cả giã nhỏ, thêm đồng tiện, vắt lấy nước uống; bã đắp. Chữa vết thương ứ máu.

Bài 2: Lá chó đẻ răng cưa 1 nắm, giã nhỏ, thêm ít vôi tôi, đắp lên vết thương khi bị thương, bị chảy máu.

Trị mụn nhọt

Dùng 12g chó đẻ răng cưa, 12g cam thảo đất. Đun nước uống thay trà hàng ngày. Uống đến khi hết mụn thì dừng, không dùng liên tục quá 30 ngày. Mỗi đợt uống uống tối đa 1 tháng phải dừng khoảng 7 -10 ngày rồi mới được tái uống.

Trị mề đay

Dùng bôi ngoài : Khi bị nổi mề đay, dùng cây chó đẻ răng cưa tươi rửa sạch, giã nát rồi đắp lên nốt mề đay. Chó đẻ răng cưa có tác dụng giải độc, giúp vết mề đay bớt ngứa và giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu hơn.

Dùng uống trong: Lấy cây chó đẻ răng cưa phơi khô rồi sắc nước uống. Mỗi ngày uống từ 10-15g. Có tác dụng mát gan và giải độc, hỗ trợ điều trị mề đay.

Chữa sỏi thận

Dùng 24g chó đẻ răng cưa, sắc nước uống. Nếu bị đầy bụng có thể cho thêm gừng tươi hoặc trần bì lúc đun. Khi bệnh ổn định thỉnh thoảng nên dùng chó đẻ răng cưa hãm trà thay uống nước. Mỗi ngày 8-10g, uống không quá 30 ngày liên tục.

Chữa sốt rét

Bài 1: Cây chó đẻ răng cưa 8g, dạ giao đằng 10g, thường sơn 12g, thảo quả 10g, lá mãng cầu tươi, dây gân 10g, dây cóc 4g, binh lang 4g, ô mai 4g. Sắc uống trước khi lên cơn 2 giờ.

Bài 2: Cây chó đẻ  răng cưa 10g, cỏ nhọ nồi 20g, xuyên tâm liên 10g. Các vị tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 - 5g. 

Những lưu ý khi sử dụng chó đẻ răng cưa

Mặc dù, cây chó đẻ răng cưa có nhiều công dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, việc dùng cây chó đẻ răng cưa phải đúng bệnh, đúng liều lượng và phối hợp đúng thuốc mới đem lại hiệu quả điều trị cao và không gây ra tác dụng phụ. Khi sử dụng chó đẻ răng cưa cần lưu ý một số điều sau:

Không sử dụng khi sức khỏe hoàn toàn bình thường: Do cây chó đẻ răng cưa có chức năng mát gan lợi mật, vì vậy nhiều người đã dùng với mục đích để phòng bệnh. Tuy nhiên, theo nhiều khuyến cáo nếu không có bệnh về gan, mật mà sử dụng thì sẽ khiến cho các cơ quan này phải hoạt động liên tục, lâu dần dẫn đến suy giảm chức năng gan, mật.

Không nên uống hàng ngày: Chó đẻ răng cưa là cây thuốc để chữa bệnh, không nên uống hàng ngày để phòng bệnh.

Không dùng cho những người thể hàn: Tính mát của cây chó đẻ răng cưa có thể khiến những người thể hàn bị đầy bụng, khó tiêu, ức chế nhiệt trong người.

Không dùng cho phụ nữ có thai: Bởi vì cây chó đẻ răng cưa có đặc tính gây co mạch máu và tử cung, nên phụ nữ có thai mà sử dụng thì rất dễ làm trụy thai. Nghiêm trọng hơn là chó đẻ răng cưa còn có tính phá huyết, gây ra hiện tượng băng huyết.

Không cho trẻ em sử dụng: Cơ thể trẻ chưa phát triển toàn diện như người lớn nên khó có thể hấp thụ được những hoạt chất có trong cây chó đẻ răng cưa, cũng như khó chống lại độc tố có trong thảo dược này, vì vậy việc sử dụng sẽ rất nguy hiểm.

Không nên uống một mình cây chó đẻ: Cây chó đẻ răng cưa có tác dụng phụ là gây giảm hồng cầu, hạ huyết áp và tăng nguy cơ gây suy giảm miễn dịch, vì vậy khi điều trị bệnh thì cần phối hợp cây chó đẻ răng cưa với các vị thuốc khác.

Tóm lại, việc tự ý sử dụng chó đẻ răng cưa có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

BS. Hoàng Ly