Tinh dầu sả được chiết xuất từ thân và lá của cây sả (chi Cymbopogon) thuộc họ Hòa thảo (Poaceae), tinh dầu sả đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ ở nhiều quốc gia trên thế giới với các công dụng giúp giảm phát ban, viêm nhiễm và đau...
TINH DẦU SẢ - XUA ĐUỔI CÔN TRÙNG, GIẢM CƠN ĐAU VÀ STRESS
Tinh dầu sả được chiết xuất từ thân và lá của cây sả (chi Cymbopogon) thuộc họ Hòa thảo (Poaceae), tinh dầu sả đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ ở nhiều quốc gia trên thế giới với các công dụng giúp giảm phát ban, viêm nhiễm và đau...
Tinh dầu sả được sử dụng phổ biến bởi hương thơm tự nhiên, là thành phần trong các loại sản phẩm dùng ngoài da như thuốc xoa bóp, mỹ phẩm và cả những sản phẩm xua đuổi côn trùng.
Theo các nghiên cứu khác nhau, tinh dầu sả đã được chứng minh là có các tác dụng đối với sức khỏe như: Xua đuổi côn trùng tự nhiên, chống lại tác hại của các gốc tự do, chống vi sinh vật và nấm, giảm viêm, thúc đẩy sự thư giãn tinh thần…
Ngày nay, có hơn 30 loài thuộc chi Cymbopogon mọc hoang khắp các nơi trên thế giới và được sử dụng trong nấu ăn và dược liệu.
Có 2 loại sả chính được sử dụng để tạo ra tinh dầu sả nguyên chất là sả Java và sả Ceylon (sả Sri Lanka).
Tinh dầu Sả Ceylon được lấy từ cây sả (Cymbopogon nardus) có những hoạt chất như: Citronellal (27,87 %), geraniol (22,77 %), geranial (14,54 %), citronellol (11,85 %), neral (11,21 %).
Tinh dầu sả Java được lấy từ cây sả (Cymbopogon winterianus). Các thành phần hoạt chất chính của sả Java bao gồm: Geraniol (40,06 %), citronellal (27,44 %), citronellol (10,45 %).
Geraniol được cho là thành phần chính đóng góp vào các hoạt động dược lý khác nhau, bao gồm tác dụng kháng khuẩn, tẩy giun sán, chống oxy hóa, chống co giật và chữa lành vết thương.
Trong hai loại, sả Java được cho là mạnh hơn và do đó nó thường đắt hơn. Nó có màu đậm hơn (còn gọi là sả đỏ) và mùi hương tươi mát hơn tương tự như chanh và tinh dầu chanh.
Trong số các thành phần hoạt tính của sả, 3 thành phần được nghiên cứu và đánh giá cao nhất bao gồm citronellol, citronellal và geraniol.
Tinh dầu sả được sử dụng rộng rãi với các công dụng giúp giảm căng thẳng, khử trùng và làm đẹp. Tinh dầu sả là một trong những loại tinh dầu thơm phổ biến nhất được sử dụng trong nhiều sản phẩm. Ngoài ra, tinh dầu sả còn có thể được sử dụng như một chất phụ gia thực phẩm để tạo hương vị và bảo quản.
Cây sả và cây sả chanh có giống nhau không? Tinh dầu sả có thể bị nhầm lẫn với tinh dầu sả chanh và ngược lại. Chi sả (Cymbopogon) bao gồm hơn 50 loài, bao gồm cả sả chanh (Cymbopogon citratus). Tuy chúng khác loài nhưng cùng chi và có mùi hương và công dụng tương tự. Sả chanh (Lemongrass) thân sả có màu xanh hơi trắng, được dùng nhiều để làm gia vị cho bữa ăn hàng ngày và sản xuất tinh dầu. Tinh dầu sả chanh có mùi thơm hòa quyện giữa chanh và sả rất dễ chịu nên thường được dùng để thư giãn, đuổi muỗi, dùng trong ẩm thực…
Dưới đây là một số lợi ích và công dụng tinh dầu sả.
1. Chống côn trùng tự nhiên
Cây sả được coi là là một loại thuốc chống lại các loài côn trùng có khả năng gây hại một cách tự nhiên và an toàn. Tinh dầu sả đã được chứng minh là có tác dụng xua đuổi muỗi Aedes aegypti nguy hiểm, có khả năng lây lan bệnh sốt xuất huyết và virus Zika.
Sả có tác dụng xua đuổi muỗi, bởi vậy sả có thể bảo vệ, ngăn ngừa các bệnh do muỗi truyền, chẳng hạn như sốt rét, giun chỉ, virus chikungunya, sốt vàng da và sốt xuất huyết.
Một báo cáo năm 2015 được công bố trên báo Rural Remote Health cho biết: “Việc bôi dầu sả tại chỗ có thể được sử dụng như một loại thuốc chống muỗi dễ mua, giá cả phải chăng và hiệu quả để ngăn ngừa các bệnh do muỗi truyền ở các vùng nông thôn”.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Israel cũng cho thấy rằng cây sả cũng có tác dụng giúp ngăn ngừa chấy, ruồi và bọ ve.
Theo một số nghiên cứu, cần thoa lại tinh dầu sả khoảng 30–60 phút một lần để tác dụng ngăn chặn côn trùng kéo dài. Có thể kết hợp vài giọt tinh dầu sả với dầu dừa và thoa đều lên cơ thể như kem dưỡng da.
2. Giúp kiểm soát viêm và đau
Tinh dầu sả có chứa các hợp chất chống lại tác hại của các gốc tự do và giúp đảo ngược stress oxy hóa.
Một đánh giá năm 2000 được công bố trên Tạp chí Hóa học Thực phẩm Nông nghiệp đã nghiên cứu 34 loại tinh dầu khác nhau và các thành phần của chúng đối với các hoạt động chống oxy hóa. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều thành phần dễ bay hơi trong các loại tinh dầu cam quýt và sả gọi là geraniol, có khả năng chống oxy hóa cao để chống lại các gốc tự do có thể gây bệnh và tổn thương tế bào.
Do đặc tính chống oxy hóa, sả có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị giảm đau tự nhiên. Nó có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm và các triệu chứng đau đớn như trong bệnh viêm khớp.
Kết hợp 2-3 giọt tinh dầu sả với dầu nền như dầu dừa hoặc dầu ô liu và xoa bóp vào các khớp, mô và cơ bị sưng, sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng viêm đau.
3. Nâng cao tinh thần và giảm căng thẳng
Hương thơm của sả có thể giúp nâng cao tinh thần và thư giãn. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu sả kích hoạt cả hoạt động thần kinh giao cảm và phó giao cảm, có lợi cho việc kiểm soát sự lo lắng.
Sả có thể góp phần làm giảm căng thẳng tự nhiên khi sử dụng trong nhà hoặc văn phòng. Khi hít vào, tinh dầu sả có thể giúp thư giãn, tràn đầy sinh lực và tạo ra cảm giác dễ chịu, thậm chí nó còn có thể làm giảm chứng khó ngủ và trầm cảm.
Một số nghiên cứu in vivo còn chỉ ra rằng mùi hương sả có thể giúp giảm sự thèm ăn và giảm trọng lượng cơ thể, bằng cách giảm cảm giác thèm ăn do căng thẳng.
4. Tiêu diệt ký sinh trùng
Tinh dầu sả được sử dụng để tẩy giun và ký sinh trùng ra khỏi đường ruột. Nghiên cứu in vitro cho thấy geraniol có hoạt tính chống giun sán mạnh. Sả hiệu quả tẩy giun và các ký sinh trùng bằng cách làm choáng hoặc làm chết chúng mà không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho vật chủ.
5. Hương thơm tự nhiên giúp làm sạch vật dụng và không khí
Sả có mùi hương tươi mát, sả là một thành phần phổ biến trong xà phòng, nến, hương nhang, nước hoa và mỹ phẩm. Chúng ta có thể khử mùi hôi trong nhà, tủ lạnh, máy giặt và các dụng cụ khác bằng cách khuếch tán vài giọt tinh dầu sả.
Được chứng minh là có đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn mạnh, tinh dầu sả có thể được sử dụng để giúp làm sạch các bề mặt sàn nha, nhà bếp, phòng tắm và đồ gia dụng mà không cần đến các hóa chất mạnh.
Khi xịt tinh dầu sả lên đồ đạc hoặc gà trải giường sẽ giúp chúng không bị nhiễm vi khuẩn, bọ rệp và mùi hôi.
Xông nhà bằng tinh dầu sả giúp làm sạch không khí, tăng năng lượng tốt, xua đuổi tà khí, chống lại các tác nhân gây bệnh trong không khí.
6. Tác dụng kháng nấm và kháng vi sinh vật
Ngoài việc tránh bị côn trùng cắn, sả có thể tiêu diệt vi khuẩn, virus và nấm. Sả có thể giúp chữa nhiều vấn đề về da phổ biến như bệnh nấm da và mụn trứng cá.
Tinh dầu sả tinh được chứng minh tác dụng ức chế nấm candida. Candida gây nhiều vấn đề về da và móng.
Tinh dầu sả được sử dụng trong nước súc miệng để tiêu diệt vi khuẩn có hại trong miệng.
Để sử dụng dầu sả tại chỗ, hãy pha loãng theo tỷ lệ 1: 1 với dầu nền, chẳng hạn như dầu dừa, dầu ô liu, dầu hạnh nhân. Một phương pháp trị mụn dễ làm tại nhà - hãy thử chấm một giọt tinh dầu sả nguyên chất trộn với một giọt dầu dừa lên mụn 3 lần một ngày bằng tăm bông tiệt trùng.
7. Điều khiển vật nuôi
Mặc dù nghe có vẻ lạ, nhưng tinh dầu sả có thể giúp chó ngừng sủa. Đây là lý do tại sao có những vòng cổ chống sủa có chứa sả.
Theo ASPCA (American Society for the Prevention of Cruelty to Animals), nghiên cứu đã chỉ ra rằng vòng đeo cổ sả có thể hiệu quả trong việc loại bỏ tiếng sủa như vòng cổ điện tử và nó được những người nuôi chó thích sử dụng hơn.
Mèo nhạy cảm với sả hơn chó, vì vậykhông nên sử dụng sả này khi ở xung quanh mèo.
8. Dầu gội và dầu xả tự nhiên
Một trong những công dụng phổ biến nhất của tinh dầu sả là làm sạch, dưỡng tóc và da đầu. Nó có thể giúp loại bỏ độ nhờn của tóc đồng thời tạo thêm độ bóng. Sả còn làm tăng độ phồng cho tóc và giúp gỡ tóc rối.
Để sử dụng tinh dầu sả cho tóc, hãy thêm vài giọt vào dầu gội đầu hoặc dầu xả tóc.
Để tăng hiệu quả trị liệu và trải nghiệm thêm những mùi hương tự nhiên, chúng ta có thể kết hợp tinh dầu sả với các loại tinh dầu khác như: Phong lữ, cam, chanh, vani, bạc hà, khuynh diệp… Tinh dầu sả dùng bôi ngoài da cần phải được trộn với dầu nền, tránh bôi tinh dầu nguyên chất bởi nó có thể gây bỏng rát. Tinh dầu sả an toàn để sử dụng tại chỗ (không dùng bên trong) cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi. Tinh dầu sả không được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Dr. Kan)