Húng chanh tên khoa học là Plectranthus amboinicus, là một loại thực vật nổi tiếng thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae), có nguồn gốc ở vùng Đông Ấn Độ và đảo Ambon, một hòn đảo màu mỡ nằm trong quần đảo Maluku gần Indonesia. Từ đó, loài cây này được nhân giống khắp Đông Ấn và Châu Phi, cuối cùng được nhập tịch vào châu Mỹ La Tinh bởi người Tây Ban Nha. Tại Việt Nam, húng chanh được trồng rải rác trong nhân dân với những tên gọi khác nhau như tần dày lá, rau thơm lùn, rau thơm lông, rau tần, dương tử tô…

TỔNG HỢP NHỮNG NGHIÊN CỨU HIỆN ĐẠI VỀ CÂY HÚNG CHANH

Húng chanh tên khoa học là Plectranthus amboinicus, là một loại thực vật nổi tiếng thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae), có nguồn gốc ở vùng Đông Ấn Độ và đảo Ambon, một hòn đảo màu mỡ nằm trong quần đảo Maluku gần Indonesia. Từ đó, loài cây này được nhân giống khắp Đông Ấn và Châu Phi, cuối cùng được nhập tịch vào châu Mỹ La Tinh bởi người Tây Ban Nha. Tại Việt Nam, húng chanh được trồng rải rác trong nhân dân với những tên gọi khác nhau như tần dày lá, rau thơm lùn, rau thơm lông, rau tần, dương tử tô…

 

Trong dân gian, húng chanh được sử dụng để điều trị các bệnh như cảm lạnh, hen suyễn, táo bón, nhức đầu, ho, sốt, các bệnh ngoài da... Lá cây còn được dùng để ăn sống hoặc làm gia vị giúp tăng thêm hương vị đậm đà cho các món ăn truyền thống, toàn cây được sử dụng để sản xuất tinh dầu. 

Những nghiên cứu về thành phần hóa học

Những hợp chất hóa học tự nhiên trong húng chanh được đánh giá cao trong lĩnh vực dược phẩm. Thông qua nghiên cứu tài liệu cho thấy sự xuất hiện của các 76 hợp chất bay hơi và 30 không bay hơi trong tinh dầu cây húng chanh. 

Tinh dầu húng chanh chủ yếu được chiết xuất từ thân và lá. Đa phần trong các báo cáo thì thành phần chính là carvacrol với tỷ lệ % khác nhau tùy thuộc vào điều kiện khí hậu thổ nhưỡng nơi thu hái và phương pháp chiết xuất. Mẫu húng chanh thu hái tại Ấn Độ có carvacrol chiếm 43,1% theo báo cáo của Dutta (1959); 41,3% theo Gurib-Fakim và cộng sự (1995 – mẫu thu hái từ Mauritius), 53% –67% theo Mallavarapu (1999 - mẫu mọc hoang tại Bangalore); 70% theo Murthy (2009 – mẫu thu hái tại Mysore Karnataka), 50,98% theo Joshi (2011 – mẫu thu hái tại Belgaum, bang Karnataka)…

Carvacrol cũng là thành phần chính trong tinh dầu lá cây húng chanh thu được từ Martinique - Pháp (72%), Cuba (64%), Venezuela 65,2%, Pnom Penh – Campuchia (61,45%), Hà Nội – Việt Nam (39,5%).

Một số tác giả khác công bố thành phần chính của tinh dầu húng chanh là thymol, chiếm khoảng 41,30 % theo báo cáo của Baslas và Kumar (1981), 57,7% –66,4% theo Verma và cộng sự (2012 – mẫu thu hái tại chân đồi và giữa đồi của dãy Himalaya), thậm chí tỷ lệ này lên tới 83,39% đối với mẫu thu hái tại Uttarakhand theo công bố của Tewari và cộng sự (2012). Mẫu lá húng chanh thu hái từ Campuchia cũng cho tinh dầu chứa phần lớn lại thymol (57,4%), tương tự mẫu thu hái ở Brazil cũng chứa 64,3%. Riêng mẫu lá húng chanh thu hái tại Uganda lại cho thành phần chính là linanool chiếm đến 50,3%. 

Sản lượng tinh dầu và các thành phần hóa học chính của nó cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường và các mùa khác nhau. Nghiên cứu của Mallavarupu và cộng sự (1999) đã tiết lộ rằng chất lượng của tinh dầu sẽ tốt hơn khi được thu hái trong tháng chín so với các tháng khác trong năm. 

Thành phần không bay hơi trong cây thuộc các nhóm chất khác nhau như monoterpenoid, diterpenoid, triterpenoid, sesquiterpenoid, phenolic, flavonoid, este, rượu và andehid.

Tác dụng dược lý của cây húng chanh

Tác dụng kháng khuẩn

Từ lâu người ta đã dùng húng chanh để chống lại sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Ở Cuba, nước sắc lá được dùng cho những bệnh nhân bị ho mãn tính trong bệnh lao. Sau này, khoa học hiện đại đã chứng minh được hoạt tính kháng vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis của thảo dược này. Chiết xuất nước nóng lá húng chanh còn ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại trong ruột như Escherichia coliSalmonella typhimurium, đồng thời kích thích sự phát triển của lợi khuẩn Lactobacillus plantarum. Cơ chế kháng khuẩn rất có thể là do tác động kết hợp của sự hấp phụ polyphenol vào màng vi khuẩn làm phá vỡ màng và sự rò rỉ các thành phần bên trong tế bào, và việc tạo ra hydro peroxit từ polyphenol. Ngoài ra, chiết xuất etanol lá húng chanh chưa qua khử trùng cũng thể hiện tính kháng khuẩn, chống lại các mầm bệnh gây nhiễm trùng vết thương ở bệnh tiểu đường như E. coli, S. aureus, P. mirabilis, P. aeruginosaK. pneumonia. Tinh dầu của húng chanh được báo cáo là có tác dụng hiệp đồng, tăng cường hoạt tính kháng sinh trên các chủng vi khuẩn kháng thuốc khi kết hợp với các thuốc thuộc nhóm aminoglycosid.

Tác dụng kháng nấm

Cũng có nhiều bằng chứng cho thấy tinh dầu húng chanh đóng một vai trò quan trọng trong việc cản trở sự phát triển của nấm gây bệnh. Một nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng nấm Candida của tinh dầu húng chanh khi sử dụng cùng với một số thuốc kháng nấm trên lâm sàng như itraconazole, ketoconazole và amphotericin B, cho thấy mức độ can thiệp đa dạng. Trong đó, tinh dầu húng chanh có tác dụng hiệp đồng cùng với thuốc itraconazole trên các chủng nấm gây bệnh như C. albicans, C. Tropicalis, C. krusei C. stellatoidea; tác dụng đối kháng với ketoconazole trên các chủng nấm C. albicans, C. guilliermondii và C. stellatoidea. Còn đối với amphotericin B, tinh dầu húng chanh chỉ can thiệp nhỏ vào hoạt tính chống nấm men.

Trong một nghiên cứu khác, hoạt tính chống nấm của các hợp chất dễ bay hơi trong tinh dầu húng chanh đã được chứng minh là ức chế sự phát triển của các loại nấm Aspergillus ochraceus, Aspergillus niger Penicillium sp trong môi trường thạch với tỷ lệ bị ức chế lần lượt là 60%, 64% và 60% ở nồng độ 10 µL.

Tác dụng kháng virus

Chiết xuất từ húng chanh đã được thử nghiệm và báo cáo là có hoạt tính kháng virus HSV-1 và ức chế chống HIV. Bên cạnh đó, chiết xuất ethanol của húng chanh được báo cáo là có hoạt tính kháng virus chọn lọc trên các dòng tế bào Vero ở nồng độ ức chế tối thiểu 0,1 mg / mL khi thử nghiệm chống lại virus HSV1và virus VSV.

Tác dụng trên hệ hô hấp

Húng chanh thường được sử dụng lâu đời trong dân gian để điều trị ho mãn tính, hen suyễn, viêm phế quản và viêm họng. Các nghiên cứu thử nghiệm đã chứng minh lá của húng chanh có hoạt tính giãn phế quản tích cực khi thử nghiệm trên chuột lang. Nước ép từ lá cùng với các loại thảo mộc khác cũng được dùng bằng đường uống để kiểm soát bệnh hen suyễn. Nước ép lá cũng được sử dụng để điều trị bệnh viêm catarrhal, là một tình trạng viêm niêm mạc ở một trong các đường dẫn khí hoặc khoang của cơ thể, thường có liên quan đến cổ họng và xoang cạnh mũi. Cơ chế có thể do húng chanh chứa một lượng lớn carvacrol hoặc thymol có tác dụng long đờm, giúp làm sạch sự tích tụ quá mức của đờm đặc hoặc chất nhầy trong đường thở hoặc các khoang này. 

Tác dụng chống lại các bệnh tiêu hóa

Lá húng chánh cũng được sử dụng phổ biến để điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa. Ở Ấn Độ, người ta dùng lá húng chanh kết hợp với sữa chua hoặc các thực phẩm giàu lợi khuẩn để điều trị tiêu chảy. Một nghiên cứu của Shuba và Bhatt đã chứng minh, chiết xuất nước nóng lá húng chanh có tác dụng cân bằng hệ vi sinh đường ruột thông qua ức chế sự phát phát triển của các vi khuẩn gây bệnh như Escherichia coliSalmonella typhimurium, đồng thời kích thích sự phát triển của lợi khuẩn Lactobacillus plantarum. Cơ chế tác dụng này liên quan đến sự tác động của các phenolic hoặc đường có mặt trong lá húng chanh. Ngoài ra, nước ép lá húng chanh còn được sử dụng làm nước uống chữa táo bón ở Indonesia và Malaysia.

Hoạt tính chống co giật

Ở Cuba, người ta dùng lá húng chanh làm thuốc chống co giật và chống động kinh. Hai nhà khoa học Bhattacharjee và Manjumder đã thử nghiệm hoạt tính chống co giật của các loại chiết xuất cồn từ lá, thân và rễ cây húng tranh trên mô hình chuột nhắt trắng chủng Swiss bị gây co giật do sốc điện và do pentylenetetrazole. Kết quả cho thấy, chiết xuất cồn lá cây có hoạt tính chống co giật cao nhất, cơ chế được giải thích là có liên quan đến sự hiện diện của các alkaloid, flavonoid và saponin trong lá.

Hoạt tính chống ung thư

Hoạt tính chống ung thư của phân đoạn chiết hexan của lá húng chanh đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy nó ức chế đáng kể sự phát triển của khối u Sarcoma-180 chuột ở liều 350 mg/kg, với sự ức chế lên tới 66%. Trong khi các liều 100, 150 và 250 mg/kg làm giảm sự ức chế xuống tương ứng còn 44%, 45% và 47%. Không có sự khác biệt đáng kể về trọng lượng chuột trước và sau khi điều trị. Điều này có thể so sánh với metrotexat, một loại thuốc điều trị ung thư có thể gây ra các tác dụng phụ rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nhưng làm giảm 100% sự phát triển của khối u. Trong khi đó, chiết xuất hexan lá húng chanh có thể giảm bớt sự phát triển của khối u trong khi không gây độc tính. Chiết xuất cồn ethanol cũng cho thấy hoạt tính kháng ung thư đáng kể thông qua việc gây ra sự chết theo chu trình trong dòng tế bào ung thư phổi người - A549.
Ngoài các tác dụng trên, lá cây húng chanh cũng đã được các nghiên cứu hiện đại chứng minh là có hoạt tính làm lành vết thương, hạn chế nhiễm trùng ở bệnh nhân tiểu đường, lợi sữa sau sinh, trị côn trùng cắn, dị ứng da, chống oxy hóa, chữa sâu răng, xua đuổi côn trùng, chống rối loạn tim mạch, ….

DS. Lê Hằng