Thông tin bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, Hà Nội), sống sót sau 7 ngày bị ngã xuống vực núi Yên Tử (Quảng Ninh) nhờ ăn dương xỉ, lạc tiên đã khiến nhiều người quan tâm. Vậy cây, quả lạc tiên có tác dụng gì?
CÂY LẠC TIÊN MÀ NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU 7 NGÀY RƠI XUỐNG VỰC ĂN CÓ NHỮNG TÁC DỤNG GÌ?
Bài đăng Infonet.vietnamnet.vn ngày 06/05/2022
Thông tin bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, Hà Nội), sống sót sau 7 ngày bị ngã xuống vực núi Yên Tử (Quảng Ninh) nhờ ăn dương xỉ, lạc tiên đã khiến nhiều người quan tâm. Vậy cây, quả lạc tiên có tác dụng gì?
Chia sẻ với phóng viên, TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, lạc tiên không còn xa lạ gì với người dân Việt Nam, không chỉ là cây hoang dại, mà dương xỉ, lạc tiên cũng là những cây có thể ăn được và còn được dùng để làm thuốc trong y học cổ truyền.
Cây lạc tiên (Passiflora foetida L.), thuộc họ lạc tiên (Passifloraceae). Trong dân gian, lạc tiên còn được gọi là chùm bao, nhãn lồng, dây lưới, mắn nêm, dây bầu đường, tây phiên liên…
Lạc tiên là loại dây leo bằng tua cuốn, rỗng. Lá mọc so le, dài khoảng 7cm, rộng tới 10cm, chia làm 3 thuỳ nhọn. Lá kèm rách ở mép. Tua cuốn mọc từ nách lá. Hoa trắng, có tràng phụ hình sợi, màu tím. Quả tròn, bao bởi lá bắc tồn tại như là một cái bao ở ngoài. Quả chín vàng, ăn được. Toàn cây có lông.
Cây Lạc tiên được biết có nguồn gốc ở khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện nay, loại cây này khá dễ sống và phân bổ ở nhiều khu vực. Ở Việt Nam, có thể dễ dàng tìm được lạc tiên mọc rải rác ven đường hoặc trong rừng hay các vùng núi cao từ 100m trở lên.
Lương Y Phùng Tuấn Giang cũng cho biết thêm, vị thuốc lạc tiên được sử dụng rộng rãi trong dân gian làm thuốc chữa hồi hộp, lo âu, mất ngủ. Loài này cũng đã được đưa vào Dược điển Việt Nam và đã có nhiều chế phẩm chăm sóc sức khỏe từ Lạc tiên.
Quả lạc tiên có vị ngọt, hương thơm đặc trưng, là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào như vitamin A, vitamin C, polyphenol, beta-cryptoxanthin và carotenoid cũng như các khoáng chất khác. Quả lạc tiên là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tự nhiên, chống lão hóa, tốt cho da và thần kinh.
Lạc tiên được biết đến là loại thảo dược giúp thư giãn, giảm căng thằng và giúp ngủ ngon. Theo y học cổ truyền, lạc tiên có vị ngọt, tính mát; quy các kinh tâm, can; có tác dụng an thần, thanh can, giải độc.
Lạc tiên đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm đánh giá một số tác dụng dược lý như:
Thư giãn, an thần
Theo nhiều nghiên cứu, chiết xuất từ hoa, lá, thân và quả lạc tiên đều được sử dụng để chống lại sự lo lắng và mất ngủ. Cơ chế tác dụng lên tâm lý của lạc tiên hiện chưa được biết chính xác, có thể là do nó giúp làm tăng lượng GABA (chất ức chế dẫn truyền thần kinh; có tác dụng thư giãn, an thần).
Tăng miễn dịch
Một polysaccharide (PFP1) được phân lập từ quả lạc tiên. Phân tích cấu trúc cho thấy PFP1 là một heteropolysaccharide và bao gồm mannose (48,83%), galactose (32,46%), glucose (6,21%), arabinose (5,88%), fructose (2,24%), axit galacturonic (2,20%), xylose (1,17%), fucose (0,17%), ribose (0,05%) vàaxit glucuronic (0,78%).
Kết quả của các thử nghiệm tăng cường miễn dịch cho thấy rằng PFP1 rõ ràng có thể thúc đẩy sản xuất NO và bài tiết cytokine (TNF-α và IL-6) của đại thực bào RAW264.7. Những phát hiện này chứng minh rằng quả lạc tiên có thể được sử dụng như một loại thực phẩm chức năng tăng cường miễn dịch tiềm năng.
Giảm đau, chống viêm
Chiết xuất etanol của lá lạc tiên được đánh giá về tác dụng giảm đau và chống viêm trên thực nghiệm. Các kết quả cho thấy hoạt tính giảm đau, chống viêm rất rõ rệt.
Trong các nghiên cứu gần đây, một polyphenol trong hạt lạc tiên là piceatannol, có đặc tính chống ung thư và chống viêm.
Chống oxy hóa
Quả lạc tiên có tác dụng chống lại tác hại của các gốc tự do và stress oxy hóa nhờ các thành phần carotenoid và flavonoid polyphenol.
Chống loãng xương
Trong nghiên cứu đánh giá tác động lên xương của phân đoạn butanolic từ lạc tiên trong mô hình mất xương ở chuột bị thiếu hụt estrogen, chiết xuất này được phát hiện có tác dụng chống loãng xương khi thiếu hụt estrogen do có khả năng kích thích chức năng nguyên bào xương và ức chế chức năng tế bào hủy xương.
Một số nghiên cứu khác nữa cũng xác định được các hoạt tính của lạc tiên như: Kháng khuẩn, kháng nấm, chống tiêu chảy… cho thấy tiềm năng của loại dược liệu này đối với y học tự nhiên.
Trong y học, lạc tiên có thể kết hợp với các dược liệu khác để điều trị các chứng mất ngủ, rối loạn tâm thần, động kinh, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, hỗ trợ cai nghiện ma túy… Lạc tiên có thể làm tăng tác dụng của thuốc an thần hoặc thuốc hướng thần khác.