Ngày 23/7/2020, Văn phòng chương trình Tây Bắc - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020.
TỔNG KẾT 7 NĂM CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY BẮC
Ngày 23/7/2020, Văn phòng chương trình Tây Bắc - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020.
Tham dự hội nghị có ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ/Ban/Ngành trung ương, đại diện lãnh đạo 14 địa phương thuộc vùng Tây Bắc và đông đảo các nhà khoa học.
Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) giao Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2013-2018. Chương trình tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện đến 30-6-2020 theo Quyết định số 1044/QĐ- BKHCN ngày 26-4-2018 của Bộ KH&CN.
Toàn cảnh hội nghị
Sau 7 năm triển khai, chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra với 55 đề tài, 3 dự án sản xuất thử nghiệm; 31 đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp và địa phương; 21 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ; 11 sản phẩm được công nhận độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích và tiến bộ kỹ thuật; 5 sản phẩm được thương mại hoá.
Hơn 20.000 đơn vị sản phẩm thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất thử nghiệm theo quy chuẩn; 42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, mô hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã tập hợp và kết nối hiệu quả đội ngũ 600 nhà khoa học thuộc hơn 40 cơ quan nghiên cứu trong cả nước để trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đặt ra trong thực tiễn phát triển, giải phóng tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, khai thác nguồn lực, góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc.
Lễ ký kết biên bản chuyển giao sản phẩm KHCN thuộc chương trình tây bắc cho 14 tỉnh
Chương trình đã mang lại kết quả khoa học có giá trị, làm cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô nghiên cứu trong giai đoạn tới, góp phần xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút các nguồn nhân lực khác, phát huy thế mạnh nguồn lực tự nhiên trong chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Theo PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, sau 7 năm triển khai thực hiện, chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển nhân lực, kinh tế, xã hội bền vững theo hướng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc. Toàn bộ đề tài, dự án thuộc chương trình được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao, các phương pháp nghiên cứu, triển khai, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiện đại, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ.
Nhìn nhận những kết quả của Chương trình, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, sau 7 năm thực hiện Chương trình đã chỉ ra rằng, vùng Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa được khám phá và phát huy tốt để phát triển. Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế- xã hội, chịu nhiều tác động ngày càng lớn bởi biến đối khí hậu. Trong thời gian tới, việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong vùng.
Đồng chí Hầu A Lềnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc đánh giá, Chương trình Tây Bắc đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra với sự tham gia tích cực, kịp thời, nghiêm túc của các bộ, ban, ngành, địa phương. Đồng chí bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Ban Chủ nhiệm Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình nhằm tạo động lực phát triển vùng cũng như khắc phục tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từ đó đảm bảo phát triển vùng một cách bền vững. Đồng chí đặc biệt lưu ý, Chương trình Tây Bắc cần tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ mang tính ứng dụng, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng, phục vụ phát triển sinh kế địa phương.
Tham quan các gian trưng bày sản phẩm khoa học và công nghệ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao các kết quả mà Chương trình Tây Bắc đã đạt được trong thời gian vừa qua. Các kết quả này phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc, các mô hình sinh kế, nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình lưu ý một số nội dung cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Cụ thể là một số nghiên cứu vẫn còn mang tính hàn lâm; các mô hình được xây dựng và triển khai chưa có đủ thời gian để phát huy hết các giá trị; chưa đủ thời gian và nguồn lực tài chính để triển khai xây dựng các dự án chuyển giao có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp theo hướng vùng và liên kết vùng.
Các nhiệm vụ trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp đã và đang triển khai cần có thêm thời gian để tiếp tục phát triển, mở rộng, phát huy giá trị của các đóng góp khoa học và công nghệ.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng thời gian triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn vừa qua còn ngắn, trong khi địa bàn triển khai lớn, nhiều khó khăn phức tạp.
Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính cần xem xét tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí cho chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là với các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng Tây Bắc.
Tại hội nghị, Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc đã ký kết biên bản chuyển giao sản phẩm KH&CN thuộc Chương trình cho lãnh đạo 14 địa phương vùng Tây Bắc.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tham quan triển lãm các sản phẩm KH&CN thuộc Chương trình Tây Bắc với chủ đề “Vì một Tây Bắc phát triển bền vững”.
Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam là đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện một số đề tài của chương trình như:
- Nghiên cứu tạo thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng sử dụng một số dược liệu trồng ở vùng Tây Bắc (Cám lúa gạo, Ý dĩ, Đẳng sâm, Bạch truật, Hoài sơn…)
- Nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ cây thuốc Bán chi liên (Scutellaria barbata), Bạch hoa xà thiệt thảo (Hedyotis diffusa) và nấm Linh chi (Ganoderma lucidus) tại Lào Cai và vùng Tây Bắc
- Nghiên cứu trồng và chế biến một số cây thuốc Hoàng kỳ (Astragalus sp.), Tục đoạn (Dipsacus japonicus Miq.), Thương truật (Atractylodes lancea (Thunb.) DC.) và Hoàng liên chân gà (Coptis chinensis Franch. / hoặc Coptis quinquesecta W.T.Wang) ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, tạo nguồn dược liệu sản xuất chế phẩm bảo vệ sức khỏe.
Gian trưng bày sản phẩm thuộc các đề tài do Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam chủ trì, phối hợp thực hiện
Đây là những đề tài thuộc lĩnh vực y dược, đã đóng góp ra các quy trình nhân giống, trồng, sơ chế, chế biến dược liệu; các quy trình chiết xuất dược liệu, sản xuất bán thành phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ dược liệu; các tiêu chuẩn, báo cáo, số liệu khoa học về dược liệu Việt Nam.
Vũ Tình
Báo sức khỏe cộng đồng