Hầu hết ai trong mỗi chúng ta đều có thể gặp rắc rối với hệ tiêu hóa đặc biệt là dạ dày, nhất là sau khi ăn quá no với các triệu chứng đau vùng thượng vị, đầy hơi, khó chịu và tức bụng. Glycerite là một chiết xuất chất lỏng của thảo mộc được tạo ra bằng cách sử dụng glycerine làm dung môi. Hãy tham khảo công thức glycerite hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu các triệu chứng khó chịu này để chăm sóc cho gia đình.
CHIẾT XUẤT THẢO MỘC HỖ TRỢ TIÊU HÓA THƠM NGON DÀNH CHO CẢ GIA ĐÌNH
Hầu hết ai trong mỗi chúng ta đều có thể gặp rắc rối với hệ tiêu hóa đặc biệt là dạ dày, nhất là sau khi ăn quá no với các triệu chứng đau vùng thượng vị, đầy hơi, khó chịu và tức bụng. Glycerite là một chiết xuất chất lỏng của thảo mộc được tạo ra bằng cách sử dụng glycerine làm dung môi. Hãy tham khảo công thức glycerite hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu các triệu chứng khó chịu này để chăm sóc cho gia đình.
1. Glycerite là gì?
Glycerite là chiết xuất thảo mộc sử dụng glycerine thực vật làm dung môi. Glycerine được sử dụng để chiết xuất thảo mộc một giải pháp an toàn cho trẻ em và những người nhạy cảm với cồn. Glycerine thực vật là một chất lỏng trong suốt và không mùi được sản xuất từ chất béo thực vật như cọ, đậu nành và dừa. Nó có hương vị ngọt ngào khiến chúng ta dễ dàng sử dụng thảo mộc, nhất là đối với các bạn nhỏ.
Tuy có hương vị dễ chịu, nhưng thực tế thì glycerite không phải là đồ ăn vặt. Vậy nên, chúng ta cần cất giữ ngoài tầm với của trẻ em và chỉ được sử dụng khi người lớn cho uống.
Để đảm bảo được chất lượng, khi mua glycerin tốt nhất nên chọn sản phẩm rõ nguồn gốc xuất sứ. Khi bào chế glycerite, cũng nên sử dụng dược liệu tươi bởi nó thích hợp với việc sử dụng glycerine để chiết xuất hơn là dược liệu khô. Tuy nhiên, để chiết xuất được tối ưu hơn, cần sử dụng hỗn hợp nước và glycerine. Glycerite nên chứa ít nhất 55-60% glycerine. Đối với công thức glycerite hỗ trợ tiêu hóa này, chúng ta sẽ sử dụng tỷ lệ glycerine và nước là 3:1.
2. Các thành phần thảo mộc trong công thức glycerite hỗ trợ tiêu hóa
• Hoa cúc La Mã (Matricaria chamomilla)
Hoa cúc La Mã là loại thảo mộc được sử dụng trong nhiều thế kỷ để chữa các vấn đề về tiêu hóa. Hoa cúc La Mã có tác dụng làm làm giãn cơ trơn đường tiêu hóa, giúp giảm co thắt và những triệu chứng khó chịu về tiêu hóa như đầy hơi, ợ hơi, đau bụng. Hoa cúc La Mã giúp kháng khuẩn, chống co thắt, chống viêm và an thần nên thường được sử dụng cho những người bị rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh thần kinh. Hoa cúc có thể là một trong những thảo mộc được sử dụng phổ biến với tác dụng liên quan đến thư giãn và làm dịu. Nó cũng là một trong những loại thảo mộc quan trọng trong glycerite hỗ trợ tiêu hóa.
• Tía tô đất (Melissa officinalis)
Tía tô đất là loại thảo mộc giúp giảm các vấn đề rối loạn tiêu hóa, làm ấm bụng, giúp cân bằng tâm trạng, làm tinh thần phấn chấn, cảm giác yên tâm và vững vàng đối với hệ thần kinh. Tía tô đất chứa nhiều tinh dầu, đặc biệt là citral và citronellal, có tác dụng chống co thắt và giúp làm dịu cả hệ thần kinh và tiêu hóa.
• Bạc hà mèo (Nepeta cataria)
Mặc dù nhiều người quen thuộc với tác dụng kích thích của loại bạc hà này đối với mèo, nhưng nó thực sự có tác dụng ngược lại đối với con người và hoạt động như một loại thuốc an thần và làm dịu thần kinh.
Bạc hà mèo thường được sử dụng để làm dịu cơn đau bụng, giảm sự tức bụng và những biểu hiện của hội chứng dạ dày, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nhiều người cũng sử dụng bạc hà mèo để điều trị chứng khó chịu khi mọc răng ở trẻ em. Theo kinh nghiệm dân gian, người ta đeo túi có chứa bạc hà mèo nghiền mịn ở cổ để thư giãn, giảm căng thẳng.
• Tiểu hồi hương (Foeniculum vulgare)
Tiểu hồi hương cũng là một trong những loại thảo mộc chống co thắt, có thể giúp đẩy khí ra khỏi đường tiêu hóa, chống lại sự khó chịu, tức bụng và hữu ích cho chứng đầy hơi, khó tiêu và đau bụng. Tiểu hồi hương có thể trung hòa acid trong dạ dày, tá tràng. Tiểu hồi hương có chứa tinh dầu thơm có thể giúp giãn cơ trơn đường tiêu hóa, làm giảm nhu động ruột. Nếu chúng ta ăn quá no gây khó chịu bụng có thể nhai một vài hạt tiểu hồi hương để cải thiện tình trạng này.
Một số nghiên cứu ngẫu nhiên, có đối chứng được thực hiện bởi Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ cho thấy Tiểu hồi hương được chiết xuất trong dầu hoặc làm trà có hiệu quả trong việc điều trị đau bụng ở trẻ em.
• Bạc hà (Mentha x piperita)
Bạc hà là một loại thảo mộc khác được biết đến rộng rãi, được yêu thích không chỉ vì hương vị của nó mà còn được sử dụng như một loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa mạnh. Một cốc trà bạc hà là thức uống ngon và phổ biến để hỗ trợ tiêu hóa sau bữa ăn. Bạc hà có các loại tinh dầu dễ bay hơi bao tạo nên mùi thơm đặc trưng và được mô tả là vừa làm mát khi thoa lên cơ đau và vừa làm ấm khi dùng bên trong. Bạc hà, cũng là một loại thuốc chống co thắt đường tiêu hóa và tiêu chảy, có thể giúp hỗ trợ các vấn đề tiêu hóa, hữu ích đối với hội chứng ruột kích thích.
Với tác dụng như trên chính là lý do tại sao bạc hà là một thành phần quan trọng trong công thức glycerite hỗ trợ tiêu hóa.
• Công thức glycerite hỗ trợ tiêu hóa
Với các nguyên liệu trên chúng ta có được một công thức đơn giản để tạo ra một loại glycerite hỗ trợ tiêu hóa cho cả gia đình.
Thành phần:
2 phần hoa cúc La Mã (Matricaria chamomilla)
2 phần lá tía tô đất (Melissa officinalis)
2 phần lá bạc hà mèo (Nepeta cataria)
1 phần tiểu hồi hương (Foeniculum vulgare)
1 phần lá bạc hà cay (Mentha x piperita)
3 phần glycerine thực vật
1 phần nước lọc
Cách làm:
Chuẩn bị các thảo mộc trên (cân đong đúng tỷ lệ) cho vào một bình thủy tinh và trộn đều (tốt nhất nên đậy nắp kín và lắc).
Chuẩn bị phần chất lỏng bằng cách trộn 3 phần glycerine với 1 phần nước (tổng dung tích vừa đủ lọ chứa thảo mộc). Đổ chất lỏng vào lọ lên trên các loại thảo mộc. Hỗn hợp này nên phủ lên trên cùng của các loại thảo mộc và để cách miệng lọ khoảng 1,5-2cm.
Dùng thìa gỗ hoặc đũa khuấy hỗn hợp glycerine/nước và thảo mộc để trộn đều và giải phóng bọt khí.
Đậy nắp lọ và dán nhãn (thành phần các loại thảo mộc được sử dụng, tỷ lệ, ngày tháng). Đặt bình ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp. Lắc lọ glycerite nhẹ nhàng và thường xuyên trong ít nhất 4 tuần.
Lọc glycerite vào lọ khác sau 4 tuần. Dùng túi lọc hoặc khăn sạch bóp chặt để chắt từng giọt chất lỏng để sử dụng, loại bỏ đi phần bã thảo mộc. Glycerite thành phẩm có màu hổ phách bắt mắt.
Đối với người lớn, uống khoảng 2-3ml (1/2 muỗng cà phê) sau bữa ăn hoặc khi cần thiết. Đối với trẻ em dưới 7 tuổi dùng liều bằng ¼ người lớn và trẻ từ 7-12 tuổi dùng liều bằng ½ người lớn).
Công thức glycerite hỗ trợ tiêu hóa này thơm ngon, nhẹ nhàng và có thể sử dụng thường xuyên để chống lại sự khó chịu sau khi ăn quá no hoặc mắc các vấn về đường tiêu hóa.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Kan)