Tỏi mật ong lên men này là hỗn hợp hoàn hảo để làm để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Cả mật ong và tỏi đều có công dụng chữa bệnh mạnh mẽ, sử dụng tỏi mật ong sẽ giúp phòng chống bệnh đơn giản tại nhà.
TĂNG MIỄN DỊCH CHO CƠ THỂ BẰNG TỎI VÀ MẬT ONG LÊN MEN
Tỏi mật ong lên men này là hỗn hợp hoàn hảo để làm để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Cả mật ong và tỏi đều có công dụng chữa bệnh mạnh mẽ, sử dụng tỏi mật ong sẽ giúp phòng chống bệnh đơn giản tại nhà.
1. Tác dụng của tỏi
Tỏi thường dùng làm gia vị trong nấu ăn cũng như có lịch sử lâu đời trong việc làm thuốc chữa bệnh với nhiều công dụng tốt.
Tỏi lâu nay được sử dụng để làm tăng sức mạnh và sức chịu đựng. Những người nô lệ xây dựng Kim tự tháp của Ai Cập luôn có tỏi và hành tây trong chế độ ăn uống hàng ngày. Các vận động viên Olympic của Hy Lạp cùng thường ăn tỏi trước khi thi đấu để tăng cường thể lực, giúp nhanh chóng đạt hiệu suất trong lao động và thi đấu.
Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, được dùng trong chiến tranh thế giới thứ nhất để chống nhiễm trùng và ngăn chặn hoại tử cho thương binh từ khi chưa có thuốc kháng sinh. Louis Pasteur lần đầu tiên ghi lại hoạt tính kháng khuẩn của tỏi trong năm 1858. Albert Schweitzer dùng Tỏi để điều trị bệnh lỵ amip trong nhiều năm ở châu Phi.
Ngày nay, tỏi được sử dụng để ngăn chặn và điều trị các bệnh viêm nhiễm, tim mạch, giảm cholesterol máu, điều hòa huyết áp, ngăn ngừa huyết khối và tăng cường miễn dịch. Tỏi làm giảm bớt triệu chứng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp bởi nó có tác dụng ức chế và tiêu diệt virus, vi khuẩn. Ngoài ra, tỏi còn được sử dụng để điều trị các bệnh tiêu hóa bởi tác dụng ức chế vi khuẩn đường ruột trong đó có Helicobacter pylori (loại xoắn khuẩn liên quan đến viêm loét và ung thư dạ dày). Cho đến nay, các vi khuẩn kháng thuốc có thể được giải quyết bằng tỏi. Tỏi cũng có thể hiệp lực, tăng tác dụng của các loại thuốc điều trị nhiễm HIV.
2. Tác dụng của mật ong
Mật ong là sản phẩm được chắt lọc từ tinh hoa của trăm loại thảo mộc có chứa nhiều vitamin quan trọng như: vitamin nhóm B, vitamin C, đồng, kali, sắt, calci, các chất chống oxy hóa… Bởi vậy, mật ong có tác dụng tăng miễn dịch, cải thiện chức năng tiêu hóa, làm đẹp và chống lão hóa, bổ sung dinh dưỡng cho người suy nhược, chống viêm nhiễm, làm lành vết thương…
Theo y học cổ truyền, mật ong có vị ngọt; tính ôn hòa, nhu nhuận; có tác dụng bổ trung, nhuận táo, hoạt trường, giải độc.
Việc lựa chọn mật ong cũng rất quan trọng. Cần chọn mật ong thật, thu mật vào đúng mùa (cuối mùa xuân). Cần cẩn thận khi dùng mật ong lấy vào mua thu, vì có thể bị ngộ độc. Thời kỳ nở hoa của thực vật có độc lại thường vào mùa thu, nên dễ lẫn chất độc khi ong hút mật, độc tố trong mật ong có thể là từ nhụy hoa.
3. Cách làm tỏi và mật ong lên men
Không có công thức cố định nào cho món tỏi và mật ong lên men, bởi vậy, bạn có thể làm theo nhu cầu sử dụng, hãy quan tâm đến tỷ lệ thành phần và cách thực hiện dưới đây để thực hiện.
• Thành phần nguyên liệu
- Tỏi
- Mật ong
• Cách thực hiện
Phần khó nhất và tốn thời gian nhất là sơ chế tỏi. Dù bạn sử dụng bình kích thước nào cũng cần bỏ vào đó tỏi đã sơ chế khoảng ½ bình. Cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để chuẩn bị tỏi là đặt mặt của con dao to lên trên một tép tỏi và sau đó dùng lòng bàn tay đập mạnh nó chỉ đủ để làm bầm nhẹ tỏi. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng bóc vỏ tỏi sẽ tiết ra một chút nước.
Khi bạn đã có đủ tỏi trong lọ, hãy đổ mật ong nguyên chất vào, đậy nắp. Tỏi có thể sẽ nổi một chút nhưng không sao cả. Lượng nhỏ nước từ tỏi sẽ tạo ra chất lỏng vừa đủ để quá trình lên men diễn ra. Đem lọ đặt vào chỗ tối để lên men.
Nên đặt một chiếc đĩa bên dưới lọ khi nó đang lên men, vì nó có thể sẽ nổi bọt lên một chút và mật ong có thể chảy ra.
Mỗi ngày, cần phải nhẹ nhàng lật ngược lọ để đảm bảo tất cả tỏi vẫn được phủ bằng mật ong. Nhớ vặn chặt nắp trước khi bạn làm điều này! Sau đó đưa nó về vị trí thẳng đứng và nới lỏng nắp ra một chút.
Sau 1 tuần, bạn sẽ thấy một ít bọt bong bóng hình thành trên bề mặt của mật ong. Tỏi mật ong sẽ lên men trong khoảng một tháng, nhưng bạn có thể ăn bất cứ lúc nào trong quá trình này. Hương vị sẽ tiếp tục thay đổi theo thời gian, tỏi sẽ dịu đi và mật ong sẽ cạn hơn.
Đôi khi tép tỏi chuyển sang màu xanh lam hoặc xanh lục do phản ứng trong quá trình lên men. Tuy nhiên nó không có hại và tỏi ngâm mật ong vẫn có thể sử dụng được. Tỏi mật ong sẽ bảo quản tốt ở nơi thoáng mát trong nhiều tháng, thậm chí một năm hoặc lâu hơn.
• Cách sử dụng
Tỏi mật ong lên men có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau.
- Sử dụng trực tiếp: Ăn cả tép tỏi và uống một thìa mật ong, thậm chí là cả hai, có thể pha loãng để uống.
- Làm sốt: Đây là một loại gia vị lên men ngon, có thể dùng 2 tép tỏi băm cùng một thìa mật ong để trộn salad, sốt ướp cho các món thịt nướng hoặc ăn kèm bánh mì.
• Lưu ý
Mật ong thường có pH khoảng 3,9 nên bạn không đáng lo ngại về chất độc botulism do vi khuẩn Clostridium botulinum (một loại vi khuẩn kỵ khí) gây ra. Vi khuẩn gây ngộ độc không thể sinh sản với độ pH <4,6. Nếu cẩn thận hơn bạn có thể dùng máy đo pH cầm tay để đo pH món tỏi mật ong lên men này, nếu độ pH >4, hãy thêm một chút giấm táo để tăng thêm độ chua và thử lại.
Không nên cho trẻ nhỏ dưới một tuổi uống tỏi mật ong.
Thật dễ dàng để làm và sử dụng mật ong lên men để tăng sức khỏe, tăng miễn dịch giúp phòng chống bệnh dịch. Với nguyên liệu và quy trình đơn giản, mọi người hãy thực hiện ngay để giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Kan)