Long nhãn là vị thuốc được chế biến từ cùi của quả nhãn. Theo đông y, long nhãn có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ huyết, dưỡng tâm an thần, bổ tỳ, kiện vị.
Trong long nhãn có chứa 0,85% nước, chất không tan trong nước là 19,39%, chất tan trong nước 79,77% gồm 29,91% glucose, 0,22% saccharose, 1,26% acid tartric, ngoài ra có saponin, chất béo, tanin và các chất khác.
Cách chế biến long nhãn
Vào tháng 7-8 dương lịch hằng năm khi nhãn chín đều, vỏ quả ngả màu vàng thì thu hoạch. Đem cả chùm nhãn nhúng vào nước sôi 1-2 phút để diệt men, rồi phơi nắng, sau đó sấy ở nhiệt độ 40-50oC trong 30-40 giờ đến khi quả khô lại, cùi nhãn tách khỏi vỏ, lắc quả có tiếng lọc xọc. Bỏ vỏ quả, lấy cùi nhãn sấy tiếp ở nhiệt độ 50-60oC đến khi khô, nắm không dính tay, các cùi không kết dính vào nhau. Để nguội, đóng gói bảo quản trong các chum, vại sành để nơi thoáng mát.
Theo đông y, long nhãn có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ huyết, dưỡng tâm an thần, bổ tỳ, kiện vị, thường được sử dụng để giảm thiểu chứng thiếu máu, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, mất ngủ, hay quên, tim hồi hộp, loạn nhịp, lo nghĩ quá nhiều, ăn uống, tiêu hóa kém.
Long nhãn có tác động tích cực đến sức khỏe
Một số bài thuốc thường sử dụng long nhãn trong đông y
- Long nhãn 16g, đại táo 15g, ngạnh mễ (gạo tẻ) 100g nấu cháo ăn thường xuyên mỗi ngày một thang, ăn liên tục vài ba tuần. Cháo long nhãn thường được sử dụng cho người huyết hư, để bổ huyết, kiện tỳ, dưỡng tâm an thần.
- Long nhãn 16g, hoài sơn 16g, giáp ngư 500g. Giáp ngư mổ bỏ ruột, cắt thành miếng rồi đem hầm với 2 vị thuốc trên, khi chín nhừ nêm gia vị vào, ăn thịt và uống nước. Bài thuốc trên có tác dụng ích khí huyết, bổ thận âm.
- Long nhãn 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần, uống ấm. Bài thuốc trên có tác dụng bổ huyết, điều trị chứng thiếu máu, cơ thể suy nhược, thể trạng mệt mỏi.
- Bạch truật 12g, hoài sơn 12g, long nhãn 12g, ý dĩ nhân 10g, liên nhục 10g, phục thần 12g, cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc trên có tác dụng giảm thiểu chứng ăn uống tiêu hóa kém, không ngon miệng
Nguồn: Sưu tầm