Nhắc đến ẩm thực Trung Quốc người ta thường nghĩ ngay đến vị tê cay đặc trưng và hoa tiêu chính là linh hồn của các món ăn đó. Hoa tiêu được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc để làm gia vị, nhưng nó cũng có những công dụng nhất định cho sức khỏe, được dùng làm thuốc với tên gọi Xuyên tiêu (hoa tiêu của Tứ Xuyên). Ở nước ta, cây hoa tiêu mọc nhiều nhất là ở các tỉnh miền núi phía bắc, cũng là một phần trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc.

HOA TIÊU TÊ CAY CHÍNH LÀ VỊ THUỐC TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Nhắc đến ẩm thực Trung Quốc người ta thường nghĩ ngay đến vị tê cay đặc trưng và hoa tiêu chính là linh hồn của các món ăn đó. Hoa tiêu được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc để làm gia vị, nhưng nó cũng có những công dụng nhất định cho sức khỏe, được dùng làm thuốc với tên gọi Xuyên tiêu (hoa tiêu của Tứ Xuyên). Ở nước ta, cây hoa tiêu mọc nhiều nhất là ở các tỉnh miền núi phía bắc, cũng là một phần trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc.

Hoa tiêu là tên gọi của một số loài thuộc Chi Sẻn (Zanthoxylum), họ Cửu lý hương (Rutaceae), trong đó loài Zanthoxylum bungeanum được dùng phổ biến để làm gia vị tiêu Tứ Xuyên nổi tiếng.

Hoa tiêu Zanthoxylum bungeanum

 

Tên của hoa tiêu được ghi chép sớm nhất trong Thi Kinh. Thi Kinh là một tập thơ dân gian từ thời Tây Chu, cho thấy rằng người Trung Quốc đã sử dụng hoa tiêu từ hơn 2.000 - 3.000 năm trước. Người xưa tin rằng mùi thơm của hoa tiêu có thể xua đuổi tà ma, hoa tiêu được dùng để tẩm vào sơn tường ở “tiêu phòng” trong cung đình dành cho các cung nữ, hoa tiêu còn có ý nghĩa là sinh sôi này nở, có nhiều con cái.  Hoa tiêu cũng là một loại chất bảo quản có mùi thơm. Các nhà khảo cổ học đã khai quật những ngôi mộ cổ của người Hán, bên trong quan tài thường chứa đầy hoa tiêu. 

Kể từ năm 1977, hoa tiêu đã được liệt kê trong Dược điển Trung Quốc, và có hơn 30 bài thuốc có thành phần hoa tiêu đã được áp dụng để điều trị đau bụng, đau răng, khó tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, giun đũa, bệnh chàm…

1.    Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Cho đến nay, hơn 140 hợp chất đã được phân lập và xác định từ hoa tiêu (Z. bungeanum), bao gồm alkaloids, terpenoids, flavonoids, axit béo tự do và lượng nhỏ các nguyên tố vô cơ. Các chất chiết xuất và hợp chất đã được chứng minh là có hoạt tính sinh học trên phạm vi rộng như tác dụng chống viêm, giảm đau, tác dụng chống oxy hóa, chống khối u, kháng khuẩn, kháng nấm, điều hòa hệ tiêu hóa, hệ thần kinh và các tác dụng khác. 

Alkylamides (thuộc nhóm alkaloids) tạo cảm giác tê mạnh trong miệng, được coi là hợp chất đặc trưng chính. Cho đến nay, hơn 25 alkylamit đã được phân lập và xác định từ loại cây này. Hydroxy-α-sanshool (HAS), có bốn liên kết đôi trong cấu hình cis, là thành phần hoạt chất chịu trách nhiệm chính cho cảm giác tê độc đáo do lớp vỏ hạt hoa tiêu. 

Tinh dầu là thành chính của hương vị đặc biệt của hoa tiêu và terpenoid được coi là thành phần quan trọng do tỷ lệ tương đối cao trong số các hợp chất này. Cho đến nay, hơn 65 hợp chất terpenoid đã được xác định, chủ yếu là monoterpen và sesquiterpenoid với hàm lượng cao. 

Các thành phần chính của tinh dầu dễ bay hơi trong vỏ quả hoa tiêu là limonene, chiếm 25,10% tổng lượng tinh dầu, 1,8-cineole chiếm 21,79%, myrcene chiếm 11,99%, pinen, sabinene, β-phellandrene, β-oximene-X, p-cymene, α-terpinene, perillene, linalool, ter-pinen-4-ol, estragole, α-terpineol, trans-caryophllene, terpinyl acetate, humulene, neryl acetate, β-cadinene, geranyl acetate, đồng phân neroklidol... Vỏ quả cũng chứa kokusaginine, skimmianine, haplopine, 2’-hydroxy-N-isobutyl (2E, 6E, 8E, 10E) -dodecatatraenamide, schinifoline, N-methyl-2-heptyl-4-guinolinone, herniarin, n-nonacosane.

Hàm lượng nhiều nhất trong dầu bay hơi của quả hoa tiêu là 4-terpinenol chiếm 13,46%, piperitone chiếm 10,64%, linalool chiếm 9,10%, citronene chiếm 9,7%, limonene chiếm 7,30%, O-cymene chiếm 7,00%, myrcene chiếm 3,00%, α- pinen, β-pinen, α-terpineol...

Tinh dầu dễ bay hơi trong hạt hoa tiêu chủ yếu là linalool chiếm 18.5%,Myrcene chiếm 10.2%, tert-butylbenzene chiếm 11.8%,cypressene, a-pinene, limonene, 1,3,3-trimethyl-2-oxabicyclo (2.2.2), Octane,terpineol,peppermint, (E) -3-isopropyl-6-oxo-2-heptenal), (E)-8-methyl-5isopropyl-6,8-nonadiene-2-one, 4-(2,2-dimethyl-6-methylenecyclohexyl)-3-buten-2-one, α-hydroxy-4,6-dimethoxyacetophenone, 1,1-dimethyl-4,4-diallyl-5-oxocyclohex-2-one, β-gurjunene, longifolene, α-farnesene, γ-cadinene, clovene.

Cho đến nay, có hơn 25 flavonoid đã được xác định từ hoa tiêu như quercetin, rutin, quercetin 3-O-α-l-rhamnosid. Đặc biệt là lá hoa tiêu chứa nhiều flavonoid với khả năng chống oxy hóa nổi bật. Điều này cũng có thể giải thích cho việc sử dụng lá hoa tiêu trong ẩm thực của người Trung Quốc để giúp tăng cường sức khỏe. Tác dụng dược lý của chúng bao gồm hoạt động chống oxy hóa, hoạt động chống huyết khối, hoạt động chống lão hóa, hoạt động chống khối u.
Một số nghiên cứu đã được thực hiện để xác định các acid béo trong hoa tiêu. Một số loại acid béo được tìm thấy như: acid palmitoleic, acid eicosoic, acid tetradecanoic, acid pentadecanoic, acid hexadecanic, acid oleic, acid stearic, acid linolenic, acid linoleic và acid nonanoic. Các acid béo được phân lập và xác định từ hoa tiêu chủ yếu là các mạch carbon dài với một nhóm carboxyl ở đầu cuối.

Có rất nhiều công trình nghiên cứu đánh tác dụng dược lý của hoa tiêu. Kết luận cho thấy hoa tiêu có nhiều tác dụng dược lý bao gồm:

-    Tác dụng lên hệ tiêu hóa: Điều hòa cơ trơn đường tiêu hóa; ức chế sự co bóp của cơ trơn tá tràng, cơ trơn đại tràng cô lập; chống loét dạ dày, tá tràng; chống tiêu chảy; chống táo bón; giảm triệu chứng viêm đại tràng; cải thiện lưu lượng máu tới đại tràng.

-    Tác dụng lên hệ thần kinh: Chặn xung thần kinh, chống trầm cảm, bảo vệ tế bào thần kinh, tăng cường sự phát triển thần kinh.

-    Tác dụng lên hệ tuần hoàn: Giảm triglycecid, cholesterol, LDL-cho; tăng HDL-cho; chống co thắt cơ trơn động mạch chủ; chống ngưng tập tiểu cầu, kéo dài thời gian xuất huyết và đông máu.

-    Tác dụng chống viêm và giảm đau: Chống phù, chống ngứ, giảm đau… trên các thực nghiệm in vitro, in vivo.

-    Tác dụng chống vi khuẩn, nấm và côn trùng: Ức chế nhiều chủng vi khuẩn, nấm; xua đuổi và chống lại kiến, các loại mọt, muỗi vằn…

-    Tác dụng chống oxy hóa: Khử các gốc oxy hóa tự do in vitro; ức chế quá trình peroxy hóa lipid.

-    Tác dụng chống khối u: Gây apoptosis và ức chế sự phát triển nhiều dòng tế bào ung thư in vitro; ức chế sự phát triển khối u trên in vivo.

-    Các tác dụng khác: Chống ho, chống mệt mỏi, chống thiếu oxy…

Các hoạt động dược lý trên cho thấy hoa tiêu có tiềm năng chữa bệnh đầy hứa hẹn.

Hoa tiêu có độc tính thấp, có một số tác dụng không mong muốn chủ yếu là do sử dụng quá liều lượng hoặc lạm dụng vị thuốc này. Phụ nữ có thai và người âm hư nội nhiệt cần thận trọng khi xử dụng, tốt nhất nên hỏi ý kiến chuyên gia.

2.    Vị thuốc hoa tiêu (Xuyên tiêu) trong y học cổ truyền

Hoa tiêu được sử dụng như một vị thuốc cổ truyền, có tác dụng ôn trung hành khí, trừ thấp, tán hàn, chỉ thống, giải độc và sát trùng. Hoa tiêu dùng để trị thực tích, đau bụng lạnh bụng (vị phúc lãnh thống), nôn mửa (ẩu thổ), ho (khái thấu), ợ (ái), nấc (ách), tiêu chảy (tiết tả), lỵ, đau nhức xương khớp (phong hàn thấp tý), đau răng (xỉ thống), mụn nhọt ngứa (sang giới), giun sán... Ngoài ra, hoa tiêu còn được sử dụng để làm tê bì da.

“Bản kinh”: Chủ phong tà khí, ôn trung trừ hàn (ấm trung tiêu, trừ lạnh), kiên xỉ phát (làm chắc răng tóc), minh mục (sáng mắt), chủ tà khí khái nghịch, trị cốt tiết bì phu tử cơ, hàn thấp tý thống, hạ khí 

“Biệt lục”: Trị hầu tý (đau cổ họng), thổ nghịch (nôn mửa), sán hà (khối tắc), khử lão huyết (loại máu cũ xấu), sản hậu dư tật phúc thống (đau bụng sau sinh), lợi ngũ tạng, trừ lục phủ hàn lãnh, thương hàn, ôn uẩn, đại phong hãn bất xuất (cảm mạo không ra mồ hôi), tâm phúc lưu ẩm, túc thực (tích trệ thức ăn), trường du hạ lỵ, tiết tinh, nhũ bệnh phụ nữ, tán phong tà hà kết, thủy thũng (phù), hoàng đản (vàng da), sát trùng ngư độc. Khai thấu lý, thông huyết mạch, kiên xỉ phát, điều quan tiết, nại hàn thử.

“Dược tính luận”: Trị ố phong (trị gió độc), toàn thân tứ chi ngoan tý, khẩu xỉ phù thũng dao động (sưng miệng răng lung lay), nữ nhân nguyệt bế bất thông, trị sản hậu ác huyết lỵ, đa niên lỵ, chủ sinh phát (mọc tóc), liệu trung lãnh thống (trị đau bụng do lạnh). Trị đầu phong hạ lệ, yêu cước bất toại, hư tổn lưu kết, phá huyết, hạ chư thạch thủy (làm tiêu hạ các loại sỏi, sưng), phúc nội lãnh thống (lạnh trong bụng), trừ xỉ thống (chống đau răng).

“Thực liệu bản thảo”: Diệt ban (làm lành sẹo), hạ nhũ chấp (làm xuống sữa).

“Nhật hoa tử bản thảo”: Phá chứng kết, khai vị, trị thiên hành thời khí ôn tật, sản hậu túc huyết (sau sinh huyết không xuống), trị tâm phúc khí, tráng dương, liệu âm hãn (trị mồ hôi trộm), noãn yêu tất (làm ấm thắt lưng, đầu gối), súc tiểu tiện.

“Bản thảo cương mục”: Tán hàn trừ thấp, giải uất kết, tiêu túc thực, thông tam tiêu, ôn tỳ vị, bổ hữu thận mệnh môn (thận phải thuộc mệnh môn hỏa), sát hồi trùng (diệt giun đũa), chỉ tiết tả (cầm tiêu chảy).

3.    Ứng dụng của hoa tiêu trong đời sống

Cho đến nay, giá trị chính của hoa tiêu là làm dược liệu (nhiều bộ phận), làm gia vị (quả) và vật liệu gỗ (thân).

•    Các dược liệu từ cây hoa tiêu

Quả hoa tiêu được dùng làm thuốc, là thành phần trong các phương thuốc trị các chứng bệnh về tiêu hóa, đau răng, ký sinh trùng…

Lá hoa tiêu có vị cay nồng, tính ôn có tác dụng tiêu thực, trừ thấp; được dùng để chữa các bệnh khó tiêu, lở ngứa, đau nhức. 

Dầu hạt hoa tiêu thường được sử dụng làm thuốc hạ sốt và lợi tiểu.

Rễ hoa tiêu còn có thể được áp dụng để điều trị các vết thương bầm tím, đau vùng thượng vị, chàm và rắn cắn.

•    Làm gia vị

Hoa tiêu được sử dụng rộng rãi như một loại gia vị và là một trong “tám loại gia vị thiết yếu” trong nấu ăn bởi hương vị cay nồng độc đáo. 

Trong ẩm thực truyền thống Trung Quốc cũng sử dụng lá non hoa tiêu để làm tăng hương vị, trộn với nước tương tạo thành sốt rưới lên các món ăn cũng như là thành phần của món muối chua, món lẩu.

•    Vật liệu, nguyên liệu trong đời sống

Gỗ hoa tiêu thường có màu vàng nhạt, khi tiếp xúc với không khí màu trở nên sẫm hơn một chút. Sự khác biệt giữa tâm gỗ và dát gỗ không rõ ràng. Cấu trúc xylem dày đặc và đồng đều. Mặt cắt dọc có độ bóng mượt. Gỗ có giá trị nghệ thuật.

Dầu hạt hoa tiêu là nguồn nguyên liệu để sản xuất dầu diesel sinh học, tại Trung Quốc sản xuất được khoảng 1 triệu tấn mỗi năm.

Tóm lại, hoa tiêu đã được sử dụng phổ biến ở các nước châu Á từ lâu đời trong ẩm thực và y học cổ truyền. Cũng đã có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng dược lý của hoa tiêu nhưng vẫn cần thêm các đánh giá sâu hơn và rộng hơn để có cơ sở ứng dụng đầy đủ các công dụng chữa bệnh có thể có của loại dược liệu này.

Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Kan)