Cỏ nhọ nồi là một loại thuốc thảo dược truyền thống, từ lâu đã được sử dụng ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ để điều trị các bệnh xuất huyết như ho ra máu, nôn ra máu, tiểu máu, chảy máu cam và băng huyết, bệnh ngoài da, rối loạn hô hấp, bệnh tim mạch vành, rụng tóc, bạch biến, rắn cắn và các bệnh do can thận hư.

Cỏ nhọ nồi, còn được gọi là cỏ mực, hạn liên thảo, mặc hán liên, tên khoa học là Eclipta prostrata, thuộc Họ Cúc (Asteraceae). Cỏ nhọ nồi là một loại dược thảo truyền thống nổi tiếng khắp thế giới, đặc biệt ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Trong dân gian, cỏ nhọ nồi được người nông dân coi là một loại cỏ dại thông thường. Nhưng nó đóng một vai trò quan trọng trong y học dân tộc và đã được sử dụng từ lâu để điều trị huyết áp cao, bệnh tim mạch vành, bạch biến, tiểu đường, bệnh ngoài da, bệnh đường tiêu hóa, bệnh hô hấp, vết thương ở người dân Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Các bộ phận trên mặt đất của cây được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền và được phân loại là loại thảo dược bổ âm, thường được sử dụng để điều trị các bệnh liên quan như răng lung lay, bạc tóc, chóng mặt, ù tai và xuất huyết.

Do cỏ nhọ nồi có nhiều công dụng chữa bệnh nên đã được khoa học đã chú ý rộng rãi và nhiều cuộc điều tra về thành phần hoạt tính sinh học và hoạt động dược lý đã được tiến hành.

Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Nhiều loại hoạt chất khác nhau đã được xác định và phân lập từ cỏ nhọ nồi bao gồm triterpenes, flavonoid, thiopenes, coumestans, steroid và các dẫn xuất của chúng. Trong số này, coumestans được cho là thành phần phổ biến nhất. Các chiết xuất thô được phân lập và các hợp chất riêng lẻ đã được báo cáo là có đặc tính dược lý đầy hứa hẹn, như bảo vệ gan, bảo vệ xương, gây độc tế bào, hạ đường huyết, chống viêm, chống oxy hóa, chống vi khuẩn, hạ đường huyết, hạ huyết áp, thúc đẩy sự phát triển của tóc, tác dụng trẻ hóa và bảo vệ thần kinh.

Cỏ nhọ nồi đã được nhiều nghiên cứu chứng minh về các tác dụng dược lý. Vì vậy, một số cách sử dụng truyền thống đã được hỗ trợ và làm rõ bởi các nghiên cứu dược lý hiện đại. Hơn nữa, cỏ nhọ nồi cho thấy tiềm năng điều trị một số bệnh khó chữa như ung thư, suy giảm trí nhớ và tiểu đường.

Tác dụng bảo vệ thần kinh

Cỏ nhọ nồi đã được nghiên cứu về tác dụng tâm thần kinh trên các mô hình động vật khác nhau. Một trong những flavonoid được tìm thấy trong loại cây này là luteolin cho thấy tác dụng tuyệt vời trong việc chống lại các bệnh thần kinh. Luteolin có tác dụng chống co giật do pentylenetetrazole cấp tính gây ra trên mô hình chuột.  Hợp chất này cũng được đề xuất để điều trị bệnh động kinh. Nó cũng cho thấy tác dụng có lợi đối với các rối loạn phổ tự kỷ, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, bệnh nhận thức liên quan đến tiểu đường, chấn thương sọ não và bệnh đa xơ cứng.

Trong một nghiên cứu gần đây cho thấy chiết xuất cỏ nhọ nồi có tác dụng chống lại tình trạng thiếu máu cục bộ não toàn cầu ở chuột bạch tạng trưởng thành được điều trị bằng chiết xuất cỏ nhọ nồi với liều 250 và 500 mg/kg/ngày trong 10 ngày. Cỏ nhọ nồi giúp xử lý cải thiện tình trạng não tổn thương do thiếu máu cục bộ và tăng cường khả năng chống oxy hóa do tắc nghẽn.

Trong một nghiên cứu, cho thấy chiết xuất cỏ nhọ nồi có tác dụng ức chế bệnh Alzheimer bằng cách ức chế enzyme acetylcholinesterase liên quan đến bệnh này.

Tác dụng kháng vi sinh vật

Các thành phần hóa học khác nhau được phân lập từ cỏ nhọ nồi cho thấy hoạt động chống lại các chủng vi khuẩn như Escherichia coli, Shigella dysenteriae, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus cholermidis, Salmonella typhi, Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae và Bacillus subtilis. Chiết xuất Ethanol và ethyl acetate từ cỏ nhọ nồi cho thấy hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất.

Các nghiên cứu về hoạt tính kháng vi sinh vật đã tiết lộ đặc tính chống virus viêm gan B, HIV của cỏ nhọ nồi.

Ngoài ra, chiết xuất lá cỏ nhọ nồi còn có tác dụng kháng nấm và chống lại ký sinh trùng sốt rét.

Tính chất chống oxy hóa

Cỏ nhọ nồi cho thấy đặc tính chống oxy hóa trong các dung dịch chiết xuất khác nhau. Hoạt tính chống oxy hóa của cỏ nhọ nồi được xác định bằng một số phương pháp bao gồm FRAP, hoạt tính loại bỏ gốc tự do, hoạt tính khử và xét nghiệm DPPH. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng các chiết xuất hexane, ethyl acetate, ethanol và nước ở các nồng độ khác nhau của cổ nhọ nồi cho thấy hoạt động chống oxy hóa. Họ đã tìm thấy trong thí nghiệm rằng polyphenol hoặc flavonoid hoặc flavanone thể hiện hoạt động mạnh mẽ với độ phân cực tăng dần.

Tác dụng chống viêm, giảm đau

Hoạt động chống viêm và giảm đau của có nhọ nồi đã được báo cáo là có hoạt động chống viêm và giãn phế quản, do các hợp chất coumarin. 

Tác dụng giảm đau đã được nghiên cứu trên chuột bạch tạng sử dụng chiết xuất cỏ nhọ nồi. Các mô hình thử nghiệm tiêu chuẩn như phương pháp kẹp đuôi, búng đuôi và phản ứng quằn quại do axit axetic gây ra đã được sử dụng cho thấy chiết xuất cỏ nhọ nồi tạo ra hoạt động giảm đau tốt.

Tác dụng bảo vệ gan

Chiết xuất của cỏ nhọ nồi được biết là có tác dụng bảo vệ tổn thương gan thực nghiệm ở chuột. Loại thảo dược này đã được báo cáo là có tác dụng bảo vệ gan ở mức độ dưới tế bào của các dấu hiệu chức năng, trong tình trạng viêm và tổn thương gan.
 
Cỏ nhọ nồi có tác dụng bảo vệ đối với tổn thương gan cấp tính do carbon tetrachloride gây ra, bằng cách làm giảm hoại tử trung tâm tiểu thùy, thoái hóa nước và thay đổi chất béo của các tế bào nhu mô gan. 

Tác dụng bảo vệ thận và hỗ trợ điều trị bệnh thận

Độc tính trên thận là tác dụng phụ thường gặp nhất do tích tụ cisplatin (Cis) trong thận và hóa trị liệu để điều trị ung thư. Một nghiên cứu đã điều tra tác dụng bảo vệ thận của chiết xuất cà rốt (DC) và cỏ nhọ nồi (EP) đối với độc tính trên thận do cisplatin gây ra ở chuột bạch tạng Wistar. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng việc sử dụng đồng thời chiết xuất Cis + DC và chiết xuất Cis + EP ở tỷ lệ 400 và 600 mg/kg đã cải thiện đáng kể chức năng thận bằng cách giảm creatinine trong nước tiểu, lượng nước tiểu, tốc độ dòng nước tiểu, Na và K và nâng cao nồng độ plasmin creatinine. Người ta quan sát thấy rằng Cis + EP là 600 mg/kg cho kết quả tốt hơn so với chiết xuất Cis + DC. Phân tích vật lý, mô bệnh học và sinh hóa của cả hai chất chiết xuất đều hỗ trợ cải thiện khả năng bảo vệ thận ở chuột. Hơn nữa, Cis + DC/Cis + EP có thể được sử dụng như một loại thuốc mạnh chống độc tính trên thận do cisplatin gây ra trong tương lai gần.

Cỏ nhọ nồi thường được kê đơn kết hợp với glucocorticoid để điều trị viêm thận cầu thận, hội chứng thận hư và bệnh thận IgA trong thực hành lâm sàng của Y học cổ truyền Trung Quốc. Những kết quả của nghiên cứu cho thấy sử dụng cỏ nhọ nồi giúp cải thiện hiệu quả, giảm phản ứng bất lợi của glucocorticoid ở bệnh nhân đang điều trị phối hợp và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Hoạt động điều hòa miễn dịch 

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy hoạt động điều hòa miễn dịch của chiết xuất methanol của cỏ nhọ nồi. Wedelolactone và demethylwedelolactone phân lập từ cỏ nhọ nồi thể hiện sự ức chế trypsin trong ống nghiệm. Cả hai hợp chất đều thể hiện hoạt tính mạnh với giá trị IC50 lần lượt là 2,9 và 3,0 μg/ml.

Hoạt tính chống ung thư

Chiết xuất methanol của cỏ nhọ nồi đã được đánh giá về hoạt tính chống ung thư chống lại ung thư biểu mô Ehrlich Ascites (EAC) ở chuột bạch tạng Thụy Sĩ. Chiết xuất này đã tăng tuổi thọ của chuột và phục hồi các thông số huyết học, do đó cho thấy hoạt động chống ung thư trên mô hình động vật được thử nghiệm.

Coumesans (hoạt chất trong cỏ nhọ nồi) còn được biết là hoạt động như phytoestrogen. Ở nhiều nước, nó được sử dụng như một chế độ ăn có tác dụng như một tác nhân phòng ngừa hóa học đối với ung thư vú và tuyến tiền liệt.

Dasyscyphin-C (saponin), một hợp chất phân lập mới hơn từ cỏ nhọ nồi được báo cáo có hoạt động chống ung thư, đó là gây độc tế bào ở HeLa (ung thư biểu mô cổ tử cung ở người) và các dòng tế bào vero ở nồng độ 50μg/ml.

Đặc tính chống nọc độc

Các thành phần hóa học được phân lập từ cỏ nhọ nồi đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc chống lại các loại nọc độc khác nhau do rắn cắn ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. 

Thúc đẩy tăng trưởng tóc

Từ thời xa xưa trong y học dân gian và y học cổ truyền, cỏ nhọ nồi đã sử dụng để gội đầu để điều trị chứng rụng tóc và làm đen tóc. Cỏ nhọ nồi giúp ngăn chặn rụng tóc và thúc đẩy sự phát triển của tóc. Nó cũng được sử dụng làm thuốc nhuộm để duy trì màu sắc tự nhiên của tóc.

Sự hiện diện của β-sitosterol trong cỏ nhọ nồi giúp phục hồi tóc trong chứng rụng tóc nội tiết tố nam.

Tác dụng cầm máu

Nước sắc cỏ nhọ nồi khô, với liều 3g/kg thể trọng trên khỉ có tác dụng làm giảm thời gian Quick rõ rệt có nghĩa là làm tăng tỉ lệ prothrobin toàn phần. Cỏ nhọ nồi cũng như vitamin K có tác dụng chống lại tác dụng của dicumarin.

Nhọ nồi làm tăng trương lực của tử cung cô lập. Trường hợp xuất huyết tử cung, nếu dùng nhọ nồi thì ngoài tác dụng làm tăng prothrombin, còn có thể làm nén thành tử cung, góp phần thúc đẩy việc chống chảy máu.

Vai trò trong sự biệt hóa nguyên bào xương

Nguyên bào xương là một loại tế bào được tìm thấy trong xương của động vật có xương sống và tổng hợp ma trận collagen của xương. Chúng cũng tham gia khoáng hóa chất nền, mang lại cho xương sức mạnh. 

Một flavonoid (diosmetin) và hai isoflavonoid (3′-hydroxybiochanin A và 3′-0-methylorobol), được phân lập từ chiết xuất methanol của cỏ nhọ nồi làm tăng đáng kể sự biệt hóa nguyên bào xương trong tủy xương và giúp tăng sinh các tế bào xương mang lại sức mạnh cho động vật có xương sống.

Cách sử dụng cỏ nhọ nồi truyền thống

Ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ, cỏ nhọ nồi đã được sử dụng hàng nghìn năm nay. 

Theo y học cổ truyền, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) có vị ngọt, chua; tính lương (mát); quy các kinh can, thận.

Theo Dược điển Trung Quốc, cỏ nhọ nồi có tác dụng bổ can thận nên được dùng để điều trị các chứng bệnh liên quan đến can thận. Nó cũng được sử dụng để điều trị như một loại thuốc bổ và lợi tiểu.

Ấn Độ và Bangladesh, cỏ nhọ nồi có giá trị y học rộng rãi và được sử dụng để điều trị các bệnh ngoài da (ví dụ như bỏng và vết thương), dị ứng, rối loạn hô hấp, vàng da, tiểu đường, rụng tóc, mệt mỏi và sốt.

Ở Thái Lan, người ta sử dụng các bộ phận khác nhau của cây để điều trị các bệnh khác nhau. Lá dùng chữa bệnh ngoài da, rụng tóc; thân cây được dùng làm thuốc bổ máu và điều trị bệnh lao, rễ được dùng chữa bệnh hen suyễn và dùng làm chất kháng khuẩn.

Ngoài ra, trong y học cổ truyền Brazil, cỏ nhọ nồi còn được sử dụng rộng rãi để điều trị rắn cắn, bệnh phong và bệnh giang mai.

Rủi ro và tác dụng phụ

Vì có nhiều tác dụng tốt, nên cỏ nhọ nồi đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực y học và làm đẹp. Cỏ nhọ nồi an toàn và thường được dùng với liều từ 8 – 16g theo y học cổ truyền.

Tuy nhiên, cần có những lưu ý sau đây khi sử dụng cỏ nhọ nồi:

  • Những người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy, đầy bụng, âm hư không có nhiệt: Không được dùng cỏ nhọ nồi.
  • Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi khi bị sốt chỉ nên sử dụng lá cỏ mực để đắp (bẹn, nách, cổ tay). Hạn chế cho uống, để đảm bảo vệ sinh vô trùng cho trẻ.
  • Bệnh nhân suy thận, suy gan không nên tự ý sử dụng các loại thuốc, thảo dược bất kì mà không được sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
  • Phụ nữ mang thai không được dùng cỏ nhọ nồi vì có thể bị sảy thai.

Khi sử dụng cỏ nhọ nồi hoặc những bài thuốc từ cỏ nhọ nồi để điều trị bệnh, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng, cách sử dụng. Tốt nhất bệnh nhân cần được thăm khám để chẩn đoán về thể bệnh, mức độ, giai đoạn bệnh để có pháp điều trị và phương thuốc phù hợp nhất.

TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam