Hệ miễn dịch có chức năng vô cùng quan trọng đối với cơ thể người, nó giúp cho cơ thể chống lại các tác nhân như vi khuẩn, vi - rút. Nó hoạt động như một đội lính canh, giúp nhận diện và đào thải các yếu tố gây hại đối với cơ thể, đảm bảo sự toàn vẹn, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và hoạt động tốt các chức năng. Trong cuộc sống hiện đại, có nhiều thói quen mà nhiều người trong chúng ta vẫn thực hiện hàng ngày nhưng không biết nó có tác hại đối với hệ miễn dịch như thế nào. Đấy là lý do vì sao tỷ lệ bệnh tật đang ngày một gia tăng. Cùng điểm danh một số thói quen mà chúng ta hay gặp phải nhé!
Uống rượu
Việc tiếp xúc với rượu và đặc biệt là uống rượu nặng mãn tính, ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của hệ thống miễn dịch thích ứng. Các nghiên cứu ở cả người và mô hình động vật đều xác định rằng lạm dụng rượu mãn tính làm giảm số lượng tế bào T ngoại vi, phá vỡ sự cân bằng giữa các loại tế bào T khác nhau, ảnh hưởng đến việc kích hoạt tế bào T, làm suy yếu chức năng của tế bào T và thúc đẩy quá trình tự chết của tế bào T. Tiếp xúc với rượu mãn tính dường như cũng gây mất tế bào B ngoại biên, đồng thời làm tăng sản xuất globulin miễn dịch. Tác động của rượu lên tế bào T và tế bào B làm tăng nguy cơ nhiễm trùng (ví dụ như viêm phổi, nhiễm HIV, nhiễm virus viêm gan C và bệnh lao), làm suy yếu phản ứng với việc tiêm chủng chống lại các bệnh nhiễm trùng đó, làm trầm trọng thêm nguy cơ ung thư và cản trở quá mẫn loại muộn. Nó có liên quan đến việc tăng tính nhạy cảm với bệnh viêm phổi do vi khuẩn; nhiễm virus, chẳng hạn như HIV và virus viêm gan C (HCV); và tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong sau phẫu thuật. Tính nhạy cảm tăng lên này một phần được điều hòa bởi sự thay đổi chức năng trong các tế bào khác nhau của hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch được chia thành hai nhánh: miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng. Hệ thống miễn dịch bẩm sinh đại diện cho tuyến phòng thủ đầu tiên của vật chủ và cần thiết để tạo ra phản ứng miễn dịch thích nghi. Hệ thống miễn dịch thích ứng có thể được chia nhỏ hơn thành miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể. Thành phần chính của miễn dịch tế bào là tế bào T - CD4 và CD8. Tế bào T - CD4 đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt và biệt hóa đại thực bào, tế bào T - CD8 và tế bào B. Mặt khác, tế bào T - CD8 rất cần thiết để loại bỏ các tế bào bị nhiễm mầm bệnh nội bào, cũng như các tế bào ung thư. Miễn dịch dịch thể được trung gian bởi các tế bào B, chúng tạo ra kháng thể để loại bỏ các vi sinh vật ngoại bào và ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng.
Tuy vậy, nếu như chúng ta lựa chọn loại rượu phù hợp và sử dụng với liều thấp thì việc uống rượu cũng có một số những lợi ích nhất định.
Hút thuốc lá
Suốt một thời gian dài chúng ta đã được nghe những tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, vậy nên tác hại của nó thì chẳng có gì để bàn cãi. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của nó thì không phải ai cũng biết. Trong thành phần của thuốc lá có 4000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại độc chất có hại cho sức khỏe, có tính chất gây nghiện và gây độc. Nicotine là thành phần chính trong thuốc lá có tính chất gây nghiện. Nó tác động lên hệ thần kinh trung ương tại các thụ thể Nicotine trong não bộ. Nó tác động lên các thụ thể ở hệ thống thần kinh với chất dẫn truyền thần kinh Dopamine. Dopamin là một hoá chất chính trong não điều chỉnh mong muốn sử dụng các chất gây nghiện, gây bài tiết Adrenaline làm tăng nhịp tim, co mạch, ức chế co bóp và chế tiết dịch vị dạ dày. Hoạt chất chính thứ hai là mono dioxit, chất này làm thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến và tế bào tiết nhầy và làm tổn thương các tế bào lông chuyển. Từ đó mà dẫn tới việc giảm truyền tống dị vật, sản vật bệnh lý, tăng tiết dày, gây viêm mạn tính. Hơn nữa, trong thuốc lá còn có 40 loại hợp chất có khả năng gây ung thư, bản chất của nó là các hợp chất Cacbua Hydro thơm có vòng đóng như Benzopyrene. Hút thuốc là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp như hen, khí phế thũng, tâm phế mạn, đặc biệt là ung thư phổi, hơn nữa nó còn làm suy giảm hệ miễn dịch.
Theo một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 75 mẫu nước bọt của người khỏe mạnh kết luận rằng, việc sử dụng thuốc lá có thể làm giảm hoạt động chống oxy hóa của nước bọt và đồng thời làm tăng nồng độ IgA trong nước bọt. Vì trong nước bọt có chứa nhiều chất có khả năng chống oxy hóa như axit uric, superoxide effutase, catalase và hệ thống peroxidase, khoang miệng là nơi đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc lá. Vì vậy việc hút thuốc là hàng ngày sẽ làm cho hệ thống này bị suy yếu, mở đường cho bệnh tật phát sinh.
Tập thể dục không đúng cách
Tập thể dục luôn là khuyến cáo được các nhân viên y tế đề xuất cho tất cả mọi người kể cả người bệnh cũng như người khỏe mạnh. Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của việc hoạt động thể lực đối với việc nâng cao sức khỏe, đặc biệt là với hệ miễn dịch ví dụ như tăng cường tuần hoàn máu giúp tế bào miễn dịch di chuyển tự do hơn, tăng khả năng nhận diện của các tế bào miễn dịch, tăng sản xuất các tế bào miễn dịch,… Tuy nhiên, nếu chúng ta không lựa chọn đúng bài tập hay cường độ thì đấy có thể là việc làm “lợi bất cập hại” cho sức khỏe. Nếu tập luyện quá sức sẽ làm cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, tăng gánh nặng cho hệ tim mạch, tăng sản xuất các chất có hại cho cơ thể. Ngoài ra, nếu tập không đúng cách còn gây ra các chấn thương, vi chấn thương ở các hệ cơ xương khớp, đây cũng là một yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Chế độ ăn uống không khoa học
Các chất béo bão hòa có trong các loại đồ ăn chiên, rán, nướng, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều đường, nước ngọt có ga, đồ uống có cồn… có thể làm suy giảm hệ miễn dịch. Vậy nên, mặc dù đây là món ăn khoái khẩu và gây kích thích vị giác thì chúng ta cũng nên kiềm chế để duy trì được một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Uống ít nước
Trong có thể người có đến 70% là nước. Nước là chất có mặt trong rất nhiều quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Chúng ta có thể nhịn ăn nhiều ngày nhưng không thể nhịn uống quá 3 ngày, cho thấy nước có tầm quan trọng đặc biệt đối với một cơ thể sống. Vì nước vẫn hàng ngày bị thất thoát trong các hoạt động sống của chúng ta qua các con đường như qua tiểu tiện, qua hơi thở, qua da. Vậy nên chúng ta không thể để chúng mất đi mà không bù đắp. Mỗi ngày chúng ta nên bổ sung lượng nước khoảng 1,5-2 lít, lượng nước có thể dao động tùy vào thể trọng và mức độ hoạt động, tình hình bệnh lý của mỗi người.
Rửa tay không đúng cách
Bàn tay là vị trí chứa nhiều vi khuẩn do quá trình tiếp xúc và cầm nắm đồ vật hàng ngày. Nếu chúng ta không giữ thói quen rửa tay hay rửa tay sai cách thì bàn tay cũng có thể là con đường gián tiếp gây ra bệnh tật. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyên chúng ta nên rửa tay bằng xà phòng trong vòng 15 đến 20 giây.
Không kiểm soát tốt cân nặng
Các nghiên cứu cho rằng, béo phì, thừa cân có thể làm suy giảm hệ miễn dịch. Vậy nên, để có một thể trạng tốt, một cơ thể khỏe mạnh thì chúng ta nên kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh để thừa cân cũng tránh để cân nặng thấp quá mức bằng việc duy trì thói quen lành mạnh, chế độ ăn uống tập luyện hợp lý, lên kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Căng thẳng, lo âu
Có một mối liên hệ được chứng minh rõ ràng giữa hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống miễn dịch. Khi bị căng thẳng, hệ thống thần kinh trung ương giải phóng các hormone gây căng thẳng làm xáo trộn sự cân bằng và ổn định được duy trì bởi nhiều thành phần của hệ thống miễn dịch, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Các nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng hệ thần kinh trung ương tương tác với hệ thống nội tiết và miễn dịch và những tương tác này là hai chiều. Hai khía cạnh quan trọng của những tương tác này bao gồm việc sản xuất các hormone gây căng thẳng bởi trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận (HPA) và trục giao cảm-tuyến thượng thận-tủy (SAM). Sự tương tác giữa các tế bào miễn dịch cũng diễn ra thông qua việc sản xuất các cytokine. Hormon có thể điều chỉnh chức năng miễn dịch bằng cách liên kết với các thụ thể của chúng, được biểu hiện trên hầu hết mọi loại tế bào miễn dịch. Việc điều chỉnh các cytokine đã được chứng minh là phản hồi tới não, tạo ra những thay đổi trong trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, cũng như gây ra hành vi ốm đau như sốt, chán ăn, thay đổi kiểu ngủ và trầm cảm.
Ngủ không đủ giấc
Giấc ngủ được coi là yếu tố điều biến quan trọng của phản ứng miễn dịch. Vì vậy, thiếu ngủ có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch, làm tăng khả năng nhiễm trùng của cơ thể. Ví dụ, thời gian ngủ ngắn hơn có liên quan đến sự gia tăng bệnh cảm lạnh thông thường. Có một số cách giải thích về khả năng dễ bị nhiễm trùng hơn sau khi ngủ ít, chẳng hạn như sự tăng sinh tế bào lympho bị suy giảm, giảm biểu hiện HLA-DR, sự điều hòa của CD14+ và các biến thể của tế bào lympho T CD4+ và CD8+, đã được quan sát thấy trong tình trạng thiếu ngủ một phần.
Lạm dụng thuốc kháng sinh
Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay có lẽ chẳng có gì xa lạ đối với chúng ta. Việc này xuất phát từ thói quen sử dụng kháng sinh bừa bãi, không trải qua thăm khám và chỉ định của bác sĩ, uống không đủ thời gian, liều lượng. Nguyên nhân là bởi vì kháng sinh sẽ phá vỡ sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch đối với các vi khuẩn tốt và xấu, làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong cơ thể. Không những vậy, kháng sinh còn có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, giảm tế bào bạch cầu cũng như các phân tử protein tự nhiên chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh.
BS. Nguyễn Yến