Với vẻ ngoài thu hút, hương vị có một không hai và hàm lượng chất dinh dưỡng đáng kinh ngạc, vải là loại trái cây hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Vải không chỉ chứa nhiều chất chống oxy hóa và vi chất dinh dưỡng mà còn chứa nhiều hợp chất mạnh mẽ có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu cho sức khỏe của chúng ta.

VẢI CÓ NHIỀU LỢI ÍCH ĐỐI VỚI SỨC KHỎE NHƯNG KHÔNG NÊN ĂN QUÁ NHIỀU

Với vẻ ngoài thu hút, hương vị có một không hai và hàm lượng chất dinh dưỡng đáng kinh ngạc, vải là loại trái cây hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Vải không chỉ chứa nhiều chất chống oxy hóa và vi chất dinh dưỡng mà còn chứa nhiều hợp chất mạnh mẽ có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu cho sức khỏe của chúng ta.

Vải có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều

 

Vải (Litchi chinensis), thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceae) được gọi với cái tên mỹ miều khác là lệ chi (Lychee). Quả vải có vỏ ngoài màu hồng nhám, cùi trắng nhiều thịt mọng nước và hạt sẫm màu.

Việc trồng cây vải được cho là bắt nguồn từ Việt Nam, miền nam Trung Quốc và Malaysia vào khoảng năm 1059 sau Công nguyên.

Trong lịch sử, vải được coi là món ngon trong hoàng cung Trung Quốc và có nhu cầu cao đến mức người ta nói rằng đã có một dịch vụ chuyển phát nhanh tốc độ cao đặc biệt được chỉ định để giao vải tươi từ vùng trồng đến hoàng cung.

Ngày nay, vải được trồng phổ biến ở khắp Châu Á ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, do sự phổ biến ngày càng tăng của nó, nó cũng có thể được tìm thấy ở các khu vực khác như Úc, Nam Phi, Brazil và Hoa Kỳ, vải có sẵn trong nhiều siêu thị và cửa hàng đặc sản. 

Việt Nam của là nơi trồng nhiều vải, cây vải có hầu hết ở các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có những vùng đặc sản như Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) …

Vải được sử dụng trong tất cả mọi thứ từ món ăn chính đến món tráng miệng, đồ uống và món khai vị. Ngoài hương vị thơm ngon đặc trưng, loại trái cây nhiệt đới này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất, làm cho vải trở thành một loại thực phẩm bổ sung tuyệt vời cho một chế độ ăn uống lành mạnh.

1.    Giá trị dinh dưỡng của quả vải

Vải có giá trị dinh dưỡng cao, chứa một lượng chất xơ và vitamin C dồi dào cũng như các vi chất dinh dưỡng khác như đồng, vitamin B6 và kali.

Thành phần dinh dưỡng trong 100g quả vải thô chứa khoảng: 63 calo, carbohydrate 16g, protein 0,8g, lipid 0,4g, chất xơ 1,2g, vitamin C 68mg, đồng 0,1 mg, vitamin B6 0,1g, kali 162mg, riboflavin 0,05g, folate 23μg, niacin 0,5mg, phospho 29mg, magie 9mg, mangan 0,05mg… Ngoài các chất dinh dưỡng được liệt kê ở trên, vải còn chứa một lượng nhỏ sắt, selen, kẽm và calci.

2.    Quả vải có những lợi ích gì đối với sức khỏe?

•    Tăng cường chức năng miễn dịch

Vải chứa nhiều vitamin C, là chất chống oxy hóa mạnh mẽ để chống lại tác hại của các gốc tự do và tối ưu hóa sức khỏe của hệ miễn dịch. Vì lý do này, việc bổ sung đủ vitamin C trong chế độ ăn uống rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng và tăng cường sức khỏe, đặc biệt là khi bị ốm.

Vitamin C hoạt động bằng cách bảo vệ hệ thống miễn dịch, làm giảm mức độ nghiêm trọng của các phản ứng dị ứng, chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Cung cấp đủ lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian của một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

•    Chống oxy hóa

Vải là một nguồn tuyệt vời của chất chống oxy hóa, flavonoid và anthocyanins, bao gồm các loại như axit gallic, chrysanthemin, antirrhinin, oenin và giàu vitamin C.

Chất chống oxy hóa là những hợp chất quan trọng giúp chống lại các gốc tự do và ngăn chặn quá trình oxy hóa gây hại cho tế bào. Thêm vào đó, nghiên cứu cho thấy rằng chất chống oxy hóa cũng có thể hỗ trợ sức khỏe lâu dài và có thể hỗ trợ trong việc ngăn ngừa các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường và bệnh tim mạch.

•    Giảm viêm

Viêm cấp tính là một phần thiết yếu của quá trình miễn dịch được thiết kế để giúp bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân gây hại. Tuy nhiên, việc duy trì mức độ viêm cao trong thời gian dài được cho là góp phần vào sự phát triển của bệnh mãn tính, các tình trạng nghiêm trọng và rối loạn tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, viêm ruột và hội chứng rò rỉ ruột.

Các nghiên cứu cho thấy vải có thể giúp kiểm soát chứng viêm. Chiết xuất giàu flavonoid của quả vải có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự biểu hiện của một số gene liên quan đến quá trình viêm. Các chất chống oxy hóa trong vải, là những hợp chất có thể giúp giảm viêm và ngăn ngừa sự tích tụ của các gốc tự do trong cơ thể.

•    Hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết

Nghiên cứu cho thấy vải có thể giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết, giúp cơ thể duy trì mức đường huyết bình thường trong thời gian dài. Điều này là do vải là một nguồn chất xơ tuyệt vời. Chất xơ có thể giúp ổn định lượng đường huyết bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ đường trong máu để cung cấp năng lượng lâu dài cho các tế bào.

Một nghiên cứu in vivo được thực hiện bởi Đại học Quốc gia Cheng Kung, Đài Loan báo cáo rằng chiết xuất vải có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin ở chuột. 

Kháng insulin có thể làm giảm khả năng sử dụng insulin của cơ thể, hormone chịu trách nhiệm vận chuyển đường từ máu đến các mô. Điều này có thể dẫn đến tăng lượng đường trong máu theo thời gian. Chống lại tình trạng kháng insulin bằng cách tiêu thụ chất xơ có thể cải thiện khả năng sử dụng insulin hiệu quả của cơ thể để giúp kiểm soát đường huyết.

•    Tăng cường chức năng não

Mặc dù nghiên cứu hiện tại hầu hết chỉ giới hạn ở các nghiên cứu trên động vật, một số bằng chứng cho thấy vải có tác dụng tăng cường chức năng não và bảo vệ các tế bào thần kinh chống lại tổn thương. Ví dụ, một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy một số hợp chất được tìm thấy trong hạt vải (lệ chi hạch) có thể cải thiện chức năng nhận thức và ngăn ngừa tổn thương tế bào thần kinh ở chuột mắc bệnh Alzheimer.

Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất hạt vải có tác dụng bảo vệ thần kinh đối với chuột bị suy giảm chức năng nhận thức.

•    Kháng virus

Ngoài tác dụng chống oxy hóa, chống viêm của loại trái cây nhiệt đới này, một số nghiên cứu cho thấy vải còn có đặc tính kháng virus mạnh mẽ.

Trên thực tế, một nghiên cứu in vitro được công bố trên tạp chí Molecular Vision cho thấy chiết xuất hoa vải có tác dụng ngăn chặn sự phát triển và lây lan của virus herpes simplex trong tế bào giác mạc.

•    Có thể chống lại các tế bào ung thư

Theo một đánh giá năm 2017 được công bố trên Tạp chí Nutrients, cùi, vỏ và hạt của quả vải đều chứa các hợp chất mạnh có thể ức chế sự hình thành khối u và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.

3.    Sử dụng quả vải thế nào cho đúng và hiệu quả

Theo Y học cổ truyền phương đông, quả vải được tính ôn; vị ngọt, chua; quy các kinh tỳ, can; có. Vải có tác dụng bổ huyết, sinh tân, chỉ khát. Hạt vải (lệ chi hạch) có vị hơi đắng, ngọt, chát; tính ôn; quy các kinh can, thận; có tác dụng ôn trung lý khí, tán kết, chỉ thống. Hạt vải thường được kê đơn trong các bài thuốc chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Theo y học truyền thống Ấn Độ (Ayurvedic), vải được sử dụng để cải thiện sức khỏe tiêu hóa, hỗ trợ sinh sản và cải thiện sức khỏe thần kinh.

Tuy nhiên, vì tính ôn ấm của vải, các chuyên gia khuyên chúng ta nên tiêu thụ vải ở mức vừa phải (khoảng 200g mỗi ngày) để giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Vải thường được miêu tả là thơm và chua ngọt nhẹ. Vì vậy, vải rất phù hợp cho các món ăn khác nhau. Cách đơn giản nhất để thưởng thức vải là chỉ cần lột vỏ quả vải, ăn phần cùi mọng nước, thơm ngon.

Chúng ta cũng có thể sử dụng cùi vải để phủ lên món salad, làm mứt vải khô, chế biến món tráng miệng, sinh tố và đồ uống.

4.    Ăn vải không đúng cách có thể gặp các nguy cơ nào?

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiêu thụ nhiều vải chưa chín khi bụng đói có thể gây ra tình trạng bệnh não hạ đường huyết (hypoglycemic encephalopathy) ở trẻ em, có thể là do sự hiện diện của một hợp chất axit methylene cyclopropyl acetic (MCPA) được tìm thấy trong hạt của quả gây nên. Vì lý do này, người ta thường khuyên trẻ em nên ăn vải vừa phải (khoảng 100g mỗi ngày) và không nên ăn khi đói.

Vải cũng là một loại trái cây có lượng đường tương đối cao, vải đóng hộp có thể có lượng đường cao hơn, vì vậy điều quan trọng là phải kiểm soát lượng ăn vào để tránh các tác động xấu đến sức khỏe như tăng cân và lượng đường trong máu cao.

Mặc dù hiếm gặp, một số người cũng có thể bị dị ứng với vải, gây ra các triệu chứng như nổi mề đay, ngứa, mẩn đỏ và sưng tấy. Nếu những triệu chứng này hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác xảy ra sau khi ăn vải, hãy ngừng sử dụng và đến cơ sở y tế để được khám và có sự tư vấn từ bác sĩ.

Các lợi ích tiềm năng của vải bao gồm tăng cường chức năng miễn dịch, giảm viêm, kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, tăng chức năng não, chống virus và chống ung thư trong một số nghiên cứu. Hãy thưởng thức loại trái cây nhiệt đới này một cách hợp lý để tối đa hóa những lợi ích sức khỏe và tận hưởng sự phong phú của các chất dinh dưỡng của quả vải.

TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam