Theo Y học Tùng thư, khái thấu tức bệnh ho, ho có tiếng mà không đờm là khái, ho có tiếng mà có cả đờm gọi là thấu. Phế khí bị động thì ho ra tiếng mà thành khái, tỳ thấp bị động thì ra đờm mà thành thấu. Nếu cả Tỳ, Phế động thì khái thấu cùng nổi nhưng thường lấy Phế làm chủ, cho nên phần nhiều nói khái là ngụ cả thấu ở bên trong. Ta gọi là bệnh ho cũng là gồm cả khái thấu.
CHỮA BỆNH KHÁI THẤU (BỆNH HO) THEO Y HỌC TÙNG THƯ
Theo Y học Tùng thư, khái thấu tức bệnh ho, ho có tiếng mà không đờm là khái, ho có tiếng mà có cả đờm gọi là thấu. Phế khí bị động thì ho ra tiếng mà thành khái, tỳ thấp bị động thì ra đờm mà thành thấu. Nếu cả Tỳ, Phế động thì khái thấu cùng nổi nhưng thường lấy Phế làm chủ, cho nên phần nhiều nói khái là ngụ cả thấu ở bên trong. Ta gọi là bệnh ho cũng là gồm cả khái thấu.
Chữa khái thấu phải theo nguyên nhân gây bệnh. Thường chia ra hai nhóm nguyên nhân, ho do ngoại cảm và ho do nội thương.
Chữa ho do ngoại cảm
Khi sức đề kháng suy yếu, ngoại tà (phong, hàn, thử, thấp) thừa cơ xâm nhập qua bì mao vào Phế gây nên bệnh tật.
Vì phong (gió) phạm Phế mà ho thì mũi tắc, tiếng nặng, miệng se, họng ngứa, nói chưa hết đã ho. Lúc này nên dùng Sâm tô ẩm gia Tang bạch bì, Hạnh nhân hoặc Sài hồ, Bán hạ thang rồi dùng Chư khái hoàn cho uống.
Vì hàn (khí lạnh) phạm vào Phế mà ho thì ngực thắt, tiếng khàn nên dùng Nhị trần thang gia Ma hoàng, Hạnh nhân hoặc Tô trầm cửu bảo ẩm, Hoa cái tán, Đan sinh khương hoàn… Nếu có nóng lạnh thì dùng Tiểu sài hồ thang.
Vì thử (khía nắng) phạm vào Phế mà ho thì miệng ráo, tiếng rên, chảy ra rãi trong nên dùng Lục nhất tán gia thần sa, có huyết thì thêm Tỳ bà diệp.
Vì thấp (hơi ẩm) phạm vào Phế mà ho thì mình nặng đau các đốt xương gây gây hơi rét, nên dùng Ngũ linh tán hoặc Bất hoán kim chính khí tán.
Tóm lại, thuốc đối với ngoại tà phạm phế, đại khái là mùa thu bốc khí lên, nên nhuận Phế ức Can (nén khí của Can), mùa hạ thịnh, nên thanh kim giáng hỏa, mùa thu thấp nhiệt nên thanh nhiệt tả thấp; mùa đông gió lạnh nên giải biểu hành đờm.
Chữa ho do nội thương
Về nội thương cũng có nhiều cớ làm cho sinh ho. Vì hỏa vượng mà ho thì thường tiếng nhiều đờm ít, sáng sớm càng ho nhiều là bởi đồ ăn không tiêu, sinh ra thấp nhiệt, khí nóng truyền vào Phế. Nên dùng Tả bạch tán gia Tri mẫu hoặc Nhị mẫu tán. Nửa ngày về sớm ho nhiều là vì có thực hỏa, nên dùng Đan thạch cao hoàn gia Tri mẫu, Bối mẫu. Nửa ngày về chiều ho nhiều là do âm hư nên dùng Tứ vật thang hợp nhị trần thang gia Tri mẫu, Hoàng bá, Mạch môn. Nếu âm hư hỏa táo, nóng lạnh mồ hôi ra trộm, di tinh, ho hơi có huyết thì dùng Tứ vật thang Nhị vị Nhị mẫu hoàn. Nếu gần tối ho nhiều là tại hỏa bốc ở Phế nên dùng Phế nhuận hoàn mà liễm nó lại, chớ nên dùng thuần thuốc mát, chứng này thông thường vẫn dùng Nhị trần thang bỏ Bán hạ gia Bối mẫu, Qua lâu, Thanh đại, Sơn chi, Hoàng cầm, Tang bạch bì.
Vì hỏa vượng mà ho, lâu ngày không khỏi thì thành uất khái, chứng này ho khan không có đờm, do Thận thủy khô kiệt, là hỏa riêng đốt lên Phế, nên dùng Tả bạch thang. Vì mệt nhọc mà ho đau ở mạn sườn dẫn xuống bụng dưới nên dùng nhị trần thang gia Khung, Qui, Thược dược, Thanh bì, Sài hồ, Thảo long đởm, Hoàng cầm, Trúc nhự hoặc Hoàng kỳ kiến trung thang. Vất vả hại tỳ mà ho thường hay nhổ ra dãi trắng, miệng ráo, tiếng rên nên dùng Nhuận phế hoàn hay là Nhân sâm thanh Phế ẩm. Phòng lao hại Thận mà ho thường hay đau lưng và có nóng lạnh nên dùng Nhị trần Khung qui thang.
Vì đồ ăn không tiêu tích lại sinh ra đờm, đờm nghẽn lên ngực làm cho đầy bụng mà ho nên dùng Nhị trần thang gia Hậu phác, Sơn chi, Mạch nha. Ăn của sống lạnh làm cho Phế vị không được sạch mà ho thì hay ợ chua, thổ tả, ghét gió lạnh, nên dùng Ngũ tích tán, Lý trung thang hoặc Dị công tán.
Vì uống nước nhiều thành ra đờm rãi mà ho thì thường mình nóng, ngực nghẽn hay trợn nên dùng Tiểu thanh long thang. Vì ứ huyết tích đọng mà ho thì ở họng thấy có vị tanh. Bệnh này nếu nhẹ thì dùng Tả bạch tán gia Sinh địa, Sơn chi, Mẫu đơn bì, Mạch môn, Cát cánh. Nặng thì dùng hai vị Đào nhân, Đại hoàng tán bột luyện với nước gừng mà viên cho uống. Nếu vì đánh đập vấp ngã hoặc làm viêc quá sức mà hại Phế, gặp lúc gió lạnh thì ho hoặc ho ra huyết tím đen nên dùng Tứ vật thang bỏ Xuyên khung gia Đại hoàng, Tô mộc, tán bột hòa rượu cho uống trừ hết ứ huyết ở Tâm và Phế là khỏi. Khỏi rồi thì dùng Nhân sâm dưỡng vinh thang mà bổ.
Một số bài thuốc chữa bệnh khái thấu
Chư khái hoàn: Trần bì, Bán hạ khúc, Kha tử, Bách thảo sương, Chỉ xác, Tri mẫu. Các vị lượng bằng nhau, tán bột, luyện nước gừng mà viên. Uống với nước sôi.
Bài thuốc này dùng cho các bệnh ho thông dụng. Bệnh thương hàn ho nhiều, sau khi uống thuốc phát biểu, nên dùng thuốc này làm cho dứt điểm.
Nhân sâm thanh phế ẩm: Nhân sâm, Tri mẫu, Ô mai, Tang bạch bì, A giao, Cát cánh, Anh túc xác, Hạnh nhân, Địa cốt bì, Cam thảo. Các vị bằng nhau thêm táo tầu sắc đặc, bỏ bã, pha một thìa mật để cho lắng trong gạn bỏ cặn, uống lúc ấm.
Bán hạ ôn Phế thang: Bán hạ 4g, Cam thảo 4g, Cát cánh 8g, Nhân sâm 8g, Quế tâm 2g, Tế tân 4g, Thược dược 6g, Trần bì 4g, Tuyền phúc hoa 8g, Xích linh 4g.
Sắc uống. Dung trong những trường hợp bệnh hư hàn mà khái thấu và bệnh trung quản có đờm rãi, khí lạnh, dưới ngực nhộn nhạo khó chịu hay nhổ nước trong, sườn nướng ấn không được, mạch chạy Trầm huyền, Tế trì do Hàn sinh ra.
Bát vị địa hoàng thang gia giảm: Đơn bì 12g, Phục linh 12g, Quế tâm 4g, Sơn dược 20g, Sơn thù 20g, Thục địa 40g, Trạch tả 12g, Xuyên khung 40g.
Thuốc này dùng bất cứ mùa nào trong năm, ho dai dẳng không dứt, đờm dãi dính đặc, mình nóng xương đau, chóng mặt sưng mắt hoặc có lúc sợ lạnh, ngày càng gầy yếu, đêm không ngủ được.
Cách sắc: Dùng 3 bát nước sắc lấy 1 bát, uống nóng trước khi ăn, ngày uống 2 thang, sau khi uống thuốc ăn cơm đè lên.
Tiến sĩ Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam